Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nữ bệnh nhân chỉ còn 'da bọc xương' vì bị giun lươn ký sinh trong cơ thể

Đó là trường hợp bệnh nhân Trần Thị P. (sinh năm 1950, quê ở Diễn Châu – Nghệ An) vừa được các bác sĩ cứu sống kịp thời do nhiễm ký sinh trùng giun lươn.
Có mặt tại khoa Điều trị (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương), khi nghe bác sĩ kể về trường hợp nữ bệnh nhân Trần Thị P. (sinh năm 1950, quê ở Diễn Châu – Nghệ An) vừa được cứu sống do nhiễm ký sinh trùng giun lươn, chúng tôi càng thấm thía câu nói: “bệnh từ miệng mà vào”.

Ths.BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Điều trị, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, trường hợp nhiễm giun lươn đến điều trị tại khoa không phải là hiếm gặp, nếu đến sớm cơ hội chữa khỏi của bệnh nhân dường như là 100% và mất rất ít thời gian.

Nhưng cũng có không ít trường hợp, vì chẩn đoán nhầm mà khiến người bệnh mất cơ hội điều trị, để lại di chứng, thậm chí là tử vong.

 
nu benh nhan chi con da boc xuong vi bi giun luon ky sinh trong co the giun luon 1475201135 width500height333
BS Trần Huy Thọ đang thông tin về trường hợp bệnh nhân mắc giun lươn.

Ví dụ điển hình nhất là trường hợp của bệnh nhân P. ở Nghệ An, khi đến viện điều trị đã ở trong tình trạng nguy kịch, trước đó không ai nghĩ bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng giun lươn.

BS Thọ cho biết, trước khi đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, nữ bệnh nhân này đã nằm điều trị ở Nghệ An 20 ngày, sau đó được chuyển ra bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp 20 ngày nữa với triệu chứng mệt mỏi, xanh xao, ăn vào là nôn ra hết.

Với những triệu chứng như vậy, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn trào ngược trên nền một bệnh nhân suy giảm về già. Từ khi phát hiện và cả trong quá trình điều trị bệnh nhân sút gần 20kg, khi tiếp nhận bệnh nhân chỉ còn “da bọc xương”.

“Khi điều trị không thuyên giảm, các bác sĩ cũng như gia đình cũng xác định đưa bệnh nhân về, may mắn thay là bác sĩ cẩn thận đưa bệnh nhân đi làm xét nghiệm xem có phát hiện ký sinh trùng hay không và đã phát hiện ra bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng giun lươn”, BS Thọ cho hay.

 
1475201180 giun luon
Hình ảnh thấy rõ "tổ" của giun lươn trong đường tiêu hóa. Ảnh: Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

BS Thọ nhớ lại quá trình điều trị cho bệnh nhân: “Bệnh nhân được chuyển vào chiều thứ 6, ngay lập tức được làm tất cả các xét nghiệm, phát hiện bệnh nhân nhiễm giun lươn.

Đến ngày thứ 7, các bác sĩ cho bệnh nhân tẩy giun luôn, trước đó bị nôn rất nhiều, sau tẩy giun bệnh nhân hết nôn và ăn được một ít cháo. 10 ngày sau điều trị, bệnh nhân thể trạng tiến triển tốt và được ra viện”.

Qua trường hợp trên, BS Thọ cho biết, thực ra giun lươn gây rối loạn tiêu hóa rất nhiều, nên các bệnh viện khác đôi khi không để ý đến vấn đề bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng, đa số khi tiếp nhận các bác sĩ nghĩ đến bệnh lý nào đó của người già, vì thế rất hay chẩn đoán nhầm.

Giun lươn là loại giun tròn ký sinh trong ruột, đa số đi vào cơ thể qua đường ăn uống. Bởi vậy, để phòng giun lươn nói riêng và các loại ký sinh trùng khác nói chung, vấn đề ăn chín, uống sôi và vệ sinh sạch sẽ là rất quan trọng.

Hơn nữa, khi thấy xuất hiện thường xuyên các triệu chứng như mệt mỏi, ăn kém, ăn vào hay nôn, đi ngoài phân lỏng,… thì nên đến các cơ sở y tế thăm khám và cần nghĩ đến khả năng bị nhiễm ký sinh trùng giun lươn.

Tác giả bài viết: Lê Phương