Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phòng chống bệnh dại: Người dân còn chủ quan

Ngày 27/9, tại xóm 2, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên có 1 người dân tử vong do bị bệnh dại, nâng số người tử vong vì bệnh này tại Nghệ An trong 9 tháng đầu năm lên 7 người. Điều đáng nói ở đây là ý thức phòng chống bệnh dại của người dân còn nhiều bất cập.
Nghệ An: Xuất hiện ổ dịch bệnh dại, đã có 1 người tử vong

Nạn nhân chết do bị bệnh dại cách đây 3 ngày tại xã Hưng Trung là chị Hoàng Thị Hảo, sinh năm 1978. Chị Hảo bị chó cắn ở gót chân. Sau đó, chị đến Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Lộc tiêm 1 liều vắc xin phòng uốn ván. Mặc dù được tư vấn cần được đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại nhưng về nhà chị chỉ uống thuốc nam. Ngày 27/9 chị Hảo đã ra đi, để lại 6 đứa con thơ mồ côi mẹ.

 
1images1319040 2016 09 28 180320
Chị Hoàng Thị Hảo chết vì bệnh dại để lại mẹ già cùng đàn con thơ

Theo số liệu của xã Hưng Trung, từ trung tuần tháng 7 năm 2016 đến nay, trên địa bàn có tới 40 người bị chó cắn nhưng chỉ có 1 số ít người đi tiêm phòng bệnh dại còn lại là uống thuốc nam. 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Thao ở xóm 10 là số ít người dân ở đây đi tiêm phòng ngay sau khi bị chó dại cắn.

Sau khi chị Hoàng Thị Hảo bị tử vong do bị bệnh dại, nhiều người dân từng bị chó cắn ở xã Hưng Trung rất lo lắng. Nhiều người trước đây do chủ quan chỉ uống thuốc Nam, không tiêm phòng, nay đã bắt đầu đi tiêm phòng dại cho dù bị chó cắn cách đây hơn 10 ngày.

 
2images1319041 2016 09 28 180232
Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó không cao, trong khi địa phương chưa quản lí được đàn chó trên địa bàn là nguy cơ của ổ dịch bệnh dại

Theo thống kê của chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, Nghệ An đã có 7 người chết do bị bệnh dại. Tiêm phòng vắc xin dại trên chó, mèo là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng chống bệnh dại, nhằm hạn chế tối đa các ca bệnh dại ở người. Tuy nhiên, trong tổng đàn gần 520.000 con chó  đang được nuôi tại các hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh thì  tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 20%. Trong khi đó đa phần đàn chó nuôi theo dạng thả rông.

Ông Lê Xuân Lượng - Trưởng phòng quản lý dịch bệnh - Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh nói: Khi chó dại cắn thì phải lập tức đi tiêm phòng, nhưng người dân chủ quan, khi  bị chó dại cắn lại dùng thuốc nam để điều trị. Hơn nữa, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho chó trên tổng đàn chó hiện có còn thấp, trong khi các địa phương chưa quản lí được đàn chó trên địa bàn.

 

Theo cơ quan chuyên môn, để chủ động phòng chòng bệnh dại trên động vật thì cần tiêm phòng vắc xin dại mỗi năm 1 mũi cho chó, mèo để tạo miễn dịch chủ động. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại lây truyền từ động vật sang người. Bên cạnh đó, khi bị chó dại cắn, người dân cần đến trung tâm y tế để được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
 

Tác giả bài viết: Thúy Vinh