Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giáo viên xin ra khỏi biên chế: Tiêu chí điều chuyển có cứng nhắc?

Theo báo cáo của nhà trường nơi đi cũng như nơi đến và ngành giáo dục huyện Yên Định thì bản thân giáo viên Vũ Thương Hà có bệnh hở van tim. Trong khi đó, tại trường cũ lại đang thiếu giáo viên Tiếng Anh và có nhu cầu xin giáo viên dạy hết học kỳ 1, nhưng ngành giáo dục và chính quyền vẫn quyết định điều chuyển giáo viên đi nơi khác, liệu đây có phải là việc làm quá cứng nhắc?

Giáo viên xin ra khỏi biên chế: Không phải ghét nghề mà bỏ
Một giáo viên làm đơn xin nghỉ việc, ra khỏi biên chế ngành giáo dục

Cô Hà thực hiện nghiêm túc nề nếp chuyên môn…

Gần đây, việc cô giáo Vũ Thương Hà - giáo viên Trường Tiểu học Định Công (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) gửi đơn đến nhà trường và Phòng GD-ĐT huyện Yên Định xin nghỉ việc và ra khỏi biên chế ngành giáo dục đang thu hút sự chú ý của dư luận. Đến nay, các nhà trường đã có báo cáo cụ thể về Phòng GD-ĐT cũng như phòng Nội vụ và Chủ tịch UBND huyện.

 

Cô Vũ Thương Hà gửi đơn xin nghỉ việc và ra khỏi biên chế ngành giáo dục


Theo báo cáo của Trường Tiểu học Định Công, cô giáo Vũ Thương Hà về công tác tại trường từ tháng 8/2016 đến nay, nhưng do sức khỏe không cho phép nên nhà trường đã tạo điều kiện cho cô Hà nghỉ những ngày sức khỏe không đảm bảo. Những ngày cô Hà đi làm, Hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn và đồng nghiệp thường xuyên động viên, chia sẻ về bệnh tật với cô Hà.

Thầy Nguyễn Duy Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định Công cho biết: “Vì lý do sức khỏe nên cô Vũ Thương Hà nộp đơn xin nghỉ việc, bản thân hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn nhà trường đã trao đổi với cô Hà vì sao phải thôi việc, cô Hà có trao đổi là hiện nay vì sức khỏe không cho phép, bác sĩ khuyên phải nghỉ ngơi, hạn chế suy nghĩ và đi lại”.

Quan điểm của Ban giám hiệu Trường Tiểu học Định Công sau khi tiếp nhận đơn, báo cáo Phòng GD-ĐT, UBND huyện Yên Định cho phép cô Vũ Thương Hà xin thôi việc theo nguyện vọng chính đáng của mình.

Về phía Trường THCS Định Tiến - đơn vị công tác trước thời điểm luân chuyển của cô Vũ Thương Hà cũng đã có báo cáo gửi Phòng GD-ĐT huyện Yên Định về việc phân công giáo viên dạy môn Tiếng Anh năm học 2015-2016.

Theo đó, năm học 2015-2016, nhà trường có 282 học sinh chia thành 9 lớp. Tổng số tiết Tiếng Anh là 25 tiết/ tuần, có 8 đội tuyển thi học sinh giỏi, có 16 tiết bồi dưỡng/ tuần. Năm học vừa qua, trường có 3 giáo viên dạy Tiếng Anh gồm: Cô Trịnh Thị Như, Cù Thị Oanh và cô Vũ Thương Hà.

Trong đó cô Vũ Thương Hà dạy 2 lớp 6A và 8B 6 tiết/tuần, bồi dưỡng học sinh giỏi khối 6 và 8 tổng cộng 14 tiết/ tuần. Ngoài ra, Câu lạc bộ Tiếng Anh của nhà trường tổ chức 1 lần/tháng cả 3 giáo viên cùng bàn bạc thống nhất.

Kết quả giảng dạy của cô Vũ Thương Hà cả 2 lớp 6A và 8B của Trường THCS Định Tiến là 54 học sinh. Trong đó học sinh đạt điểm giỏi là 13 em (24%); học sinh đạt điểm khá 22 em (40,7%); học sinh đạt điểm trong bình 18 em (33,3%); học sinh đạt điểm yếu 1 em (2%). Chất lượng học sinh giỏi có 3 giải cấp huyện và cấp cụm. Báo cáo cũng khẳng định, cô Hà thực hiện nghiêm túc nề nếp chuyên môn, giảng dạy được học sinh yêu thích môn học và quý mến.

Đồng thời, trong năm học 2015-2016, cô Hà có sức khỏe không ổn định (bệnh hở van tim) nên có xin nghỉ 2 đợt đi điều trị và có hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 13 ngày.

Cứng nhắc trong vấn đề luân chuyển?

Liên quan đến trường hợp trên, Phòng GD-ĐT Yên Định cũng đã có báo cáo Chủ tịch UBND huyện. Theo báo cáo, kể từ khi bà Vũ Thương Hà về công tác tại Trường THCS Định Tiến cho đến tháng 7/2016, bà Hà đã thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy định của ngành GD-ĐT, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Để đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho các nhà trường dạy và học trong năm học mới 2016-2017 và những năm học tiếp theo, UBND huyện đã ban hành kế hoạch 138/KH-UBND ngày 5/7 về việc bố trí đội ngũ giáo viên, nhân viên hành chính các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, TH&THCS, TTGDTX năm học 2016-2017 và bộ tiêu chí rà soát.

Mặc dù khẳng định năm học 2016-2017, bà Vũ Thương Hà sức khỏe không ổn định bà bị bệnh hở van tim, nhà ở lại quá xa nên bà có xin ban giám hiệu nhà trường nghỉ 2 đợt.

So với kế hoạch 138 của huyện Yên Định và tình hình thực tế đội ngũ giáo viên Trường THCS Định Tiến thì nhà trường được định biên môn Tiếng Anh là 1,5 giáo viên. So với giáo viên hiện có thì nhà trường dư 1,5 giáo viên.

 

Huyện Yên Định vẫn đang "đau đầu" với tình trạng thiếu giáo viên, khiến một số môn không có người đứng lớp.


Tuy nhiên, đó là con số trên lý thuyết, còn tại thời điểm thực hiện việc luân chuyển, nhà trường có một giáo viên đang nghỉ sản đến hết tháng 12/2016, một giáo viên có quyết định dạy liên trường. Thực tế, tính đến hết học kỳ 1 thì trường THCS Định Tiến còn thiếu 1 giáo viên. Vì vậy nhà trường có làm tờ trình xin giáo viên dạy Tiếng Anh học kỳ 1 năm học 2016-2017 đảm bảo cho năm học mới.

Hơn nữa, bản thân cô Vũ Thương Hà có sức khỏe không tốt từ trước đó, nhà trường cũng đã nắm bắt được vấn đề này. Trong khi đó, như nhà trường đã báo cáo, thời điểm cô Hà bị điều chuyển thì tại trường THCS Định Tiến lại đang thiếu giáo viên.

Trước câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc bản thân giáo viên có bệnh, hơn nữa nhà trường lại đang thiếu giáo viên, liệu ngành giáo dục và huyện Yên Định có cứng nhắc trong vấn đề luân chuyển giáo viên, đó là chưa đề cập đến các tiêu chí, quá trình bình xét, ông Nguyễn Thiện Chinh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, hiện nay, tiêu chí bệnh hiểm nghèo chỉ có bệnh ung thư thôi, các nội dung chưa đặt ra cái gì cụ thể, chưa được chuẩn hóa. Huyện Yên Định làm trước của tỉnh và có đưa ra một số trường hợp ưu tiên.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Phòng GD-ĐT đã giao các trường báo cáo và chuyển Phòng Nội vụ tham mưu, đồng thời giao nhiệm vụ cho Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định Công đấu mối lại xem các thủ tục hành chính thế nào, nếu đúng theo nguyện vọng chính đáng thì thống nhất để cô Hà nghỉ.

“Trách nhiệm điều chuyển, giáo viên nghỉ sản hưởng chế độ theo bảo hiểm xã hội, còn hợp đồng thêm giáo viên dạy là trách nhiệm nhà trường phải hợp đồng người. Không phải hợp đồng theo kiểu của huyện mà bây giờ môn đó thiếu thì anh mượn giáo viên nào đấy dạy, đảm bảo giờ cho các thầy các cô, giờ đấy coi là giờ tăng tiết cho các thầy các cô”, ông Chinh cho biết.

Một điều đáng lưu ý nữa là, theo ông Chinh, việc điều chuyển sẽ thực hiện thường xuyên mỗi năm 2 lần. Như vậy, đối chiếu thực tế cũng như nhu cầu của Trường THCS Định Tiến tại thời điểm luân chuyển và nguyện vọng của giáo viên, dư luận có quyền đặt câu hỏi về việc ngành chức năng và huyện Yên Định cứng nhắc trong vấn đề điều chuyển, sắp xếp giáo viên.

Bà Lê Thị Thúy - Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Định cho biết: "Cán bộ công chức, viên chức khi người ta có nguyện vọng thì bình thường thôi, tôi muốn xác minh, tìm hiểu xem có nguyên nhân gì không, có bất cập gì không. Hiện đang yêu cầu nhà trường mời cô Hà lên trao đổi cụ thể. Phòng đã nhận được hồ sơ của Phòng GD-ĐT chuyển sang, chúng tôi cũng có nghe qua cô Hà có lý do chính đáng. Dự kiến đầu tháng 10 tới, ngành sẽ có quyết định về vấn đề này".

Tác giả bài viết: Duy Tuyên

Nguồn tin: