Cách xử lý nhanh chứng đau bụng tiêu chảy ban đêm
- 09:39 29-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chuyển mùa nên đêm và chiều tối nhiều người bị đau bụng tiêu chảy với các dấu hiệu lạnh bụng, đầy bụng, ăn uống không tiêu, buồn nôn, tay chân lạnh, sợ lạnh… Thực tế, một số trường hợp đau bụng vốn không phải là bệnh, không cần uống thuốc để chữa trị và không phải đi cấp cứu lúc nửa đêm. Các chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn cách trị các triệu chứng trên một cách nhanh nhất.
Trà gừng giúp bạn giảm cơn đau bụng do lạnh. Ảnh: T.L
Xử trí nhanh khi đau bụng
Người già, trẻ nhỏ sức đề kháng yếu rất dễ bị nhiễm lạnh và đau bụng, tiêu chảy. Nhiều người do chủ quan đi ngoài đường khi đêm tối, trời mưa hoặc tắm muộn, uống nước quá lạnh… cũng dễ bị đau bụng.
Ban đêm trẻ em khi ngủ hay bị hở bụng cũng có thể gây đau bụng. Lý do vì bụng trẻ không có lớp mỡ dày, thành bụng rất mỏng, đặc biệt là vùng quanh rốn... Khi trẻ bị lạnh bụng, cơ trơn của dạ dày, đường ruột bị khí lạnh kích thích, nhu động ruột tăng nên co bóp mạnh, gây đau bụng, đi ngoài (nếu phân không có dịch nhầy và máu thì không đáng ngại).
Theo lương y Lê Minh (Hội Đông y Hà Nội), trong dân gian có nhiều biện pháp trị chứng đau bụng do lạnh như sau:
- Dùng khăn ấm đắp và massage, hơi nóng sẽ làm cho dạ dày, đường ruột dễ chịu, chặn cơn đau bụng.
- Dùng dầu gió bôi và cạo gió vùng bụng, lưng giúp giảm đau bụng.
- Ngải cứu sao vàng và muối rang nóng, đem trộn đều, quấn vào khăn rồi đem chườm nóng lên chỗ bụng bị đau.
- Trà thảo mộc giúp giảm cơn đau bụng nhanh là trà hoa cúc, trà bạc hà cay, trà quế, trà thì là. Nhưng trà gừng mật ong giúp ấm bụng hiệu quả. Dùng gừng tươi cắt lát mỏng, sao vàng cho thơm, giã nát, hòa với 1 chén nhỏ nước đun sôi, uống ấm, từng ngụm nhỏ. Có thể cho thêm đường, hoặc mật ong sẽ rất tốt. Nếu không có gừng tươi thì dùng gói trà gừng.
- Trộn 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, nước gừng và nước trái cây bạc hà để uống.
- Nhai vài lá trầu kèm với một vài hạt muối sẽ giảm cơn đau bụng.
- Uống nước hoa hồng giúp cứu trợ từ buồn nôn và đau bụng.
- Nhai 1/2 muỗng cà phê cần tây với chút muối, uống với cốc nước ấm.
Vườn nhà nên trồng sẵn khóm tía tô phòng cảm mạo, đau bụng, nôn mửa ban đêm.
Một số bài thuốc Đông y đơn giản
Lương y Anh Đào (nguyên bác sĩ Viện y học cổ truyền Quân đội) chia sẻ, vài bài thuốc Đông y đơn giản trong dân gian dễ kiếm, dễ chế biến. Trong đó gừng, riềng, ngải cứu là 3 vị thuốc chữa đau bụng do lạnh rất tốt:
1- Trẻ quá nhỏ ngày 3 lần hãm 2 lát gừng lấy nước uống (nếu phân có bọt, nhưng uống nước gừng hãm mà bị nặng hơn thì là đi kiết, cần uống đồ mát là khỏi).
2- Gừng tươi 50g – 80g rửa sạch, xắt mỏng, sao chín vàng, giã nát, hòa với một tách nước sôi, uống ấm từng ngụm nhỏ. Có thể hòa với một ít mật ong hoặc đường để uống.
3- Củ sả, lá tía tô, hoắc hương, mỗi thứ 12g; gừng khô 8g (hoặc gừng tươi 12g), nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống ấm trước bữa ăn.
4- Củ riềng 200g, quế 120g, hậu phác 80g, sấy khô. Sắc mỗi lần 12g với 200ml nước, còn 50ml uống trong ngày. Dùng trong 3 ngày.
5- Củ riềng 8g, đại táo 5g. Sắc với 300ml còn 100ml, chia 2-3 lần uống trong ngày. Uống 3-4 ngày.
6- Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống ấm trước bữa ăn tối, dùng liền 2 – 3 ngày.
7- Hạt tiêu 2g, gừng khô tán bột 3g. Đem hòa với nước cơm nóng để uống vào lúc đói bụng.
8- Dùng 2-4 lá trầu không nhai nuốt nước. Đồng thời lấy 3-4 lá trầu hơ nóng cho héo mềm đắp lên rốn, băng giữ lại. Ngày làm 2-3 lần.
Món ăn tốt cho người bị đau bụng do lạnh
Canh thịt bò nấu riềng: Thịt bò thái mỏng, ướp riềng, muối vừa ăn. Đổ nước sấp mặt thịt, hầm chín kỹ, ăn với cơm nóng sẽ phòng được chứng lạnh bụng ban đêm, ăn uống kém.
Canh ngải cứu nấu thịt: Ngải cứu tươi 100g rửa sạch. Thịt thăn lợn 100g băm nhỏ, nêm gia vị, xào qua. Đổ 1 bát nước với thịt đun sôi. Cho rau ngải cứu vào để sôi 5 phút, bắc ra ăn cơm nóng thay canh trong 2 - 3 ngày.
Canh cá diếc nấu gừng, vỏ quýt: Cá diếc 1 con khoảng 250g, gừng tươi 30g, vỏ quýt 10g, hạt tiêu, bột gia vị vừa đủ. Cá sơ chế. Thái nhỏ gừng, vỏ quít nhét vào bụng cá. Đổ nước vừa đủ, ninh chín, nêm gia vị, cho bệnh nhân uống canh lúc đói, giúp trị đau dạ dày do vị lạnh, tiêu hóa kém.
Canh cật dê: Cật dê 4 cái, nhục thung dung 50g, thảo quả 10g, hạt tiêu 10g, mì sợi đủ dùng, xì dầu, hành, bột gia vị vừa đủ. Cật dê rửa sạch, bóc màng mỡ, thái mỏng. Nhục thung dung, thảo quả, hạt tiêu cho vào túi vải bỏ vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi hạ nhỏ lửa, đun kỹ, cho cật dê vào, khi cật chín cho gia vị, mì sợi nấu chín, ăn trong ngày. Bài thuốc trị tì, vị hư hàn bụng đau…
Cháo trứng: Lá tía tô, hành tươi, mỗi thứ 20g; gừng tươi 12g. Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ. Cho gạo tẻ vào nấu thành cháo thì múc ra bát, trộn chung với tía tô, hành, gừng rồi nêm gia vị, ăn nóng. Có thể cho 1 lòng đỏ trứng gà để tăng thêm khí lực, dinh dưỡng. Ăn xong đắp chăn cho ra mồ hôi là khỏi.
Phòng tránh đau bụng đêm
Theo các chuyên gia y tế, với trẻ nhỏ, khi ngủ mẹ nên đắp một chiếc chăn mỏng lên bụng trẻ. Đêm trẻ đạp chăn ra thì đắp lại, bảo vệ phần bụng. Nên mua quần cạp cao mặc lúc ngủ, loại quần có phần cạp phía trước cao và dài bản hơn, giảm nguy cơ bị lạnh bụng. Nếu dùng sản phẩm chống lạnh bụng cho trẻ cần chọn hãng có uy tín, xem kỹ hướng dẫn sử dụng.
Người lớn khỏe mạnh cũng không nên nằm ngủ dưới đất lạnh. Người từng mắc bệnh về đường ruột, tiêu hóa kém hoặc viêm đại tràng… phải luôn đắp chăn mỏng ngang bụng. Mặc ấm khi đi ngoài ban đêm, sáng sớm.
Luôn ăn uống nóng. Tránh ăn đồ để trong tủ lạnh chưa hâm nóng. Tránh uống nước, bia rượu… ướp lạnh vì có thể gây tổn thương đường ruột, tiêu chảy, đau - trướng bụng…). Tránh các thức ăn sống, lạnh như nghêu, sò, ốc, hến, rau sống, thức ăn để nguội qua đêm, đồ nguội chế biến sẵn.Trà gừng giúp bạn giảm cơn đau bụng do lạnh.
Bị đau bụng do lạnh nên tránh các món ăn ngọt chứa nhiều đường tinh luyện kẻo bị thay đổi đường huyết, bị run và cảm thấy lạnh. Các thực phẩm chế biến chứa nhiều chất bảo quản, phụ gia cũng không nên ăn. Chocolate và thức ăn chứa caffeine rất nhạy cảm với người đau bụng, vì gây chứng trào ngược, tiêu chảy. Còn chocolate sữa gây khó tiêu. Các loại kem tươi, thịt nhiều chất béo làm chậm tiêu hóa và trướng bụng. Thức ăn nhiều axit như cam chanh, cà chua có thể làm axit trào ngược (nhưng nước táo thì uống được). |
Tác giả bài viết: Uyển Hương