Cuộc sống "địa ngục trần gian" của cô dâu Triều Tiên ở Trung Quốc
- 09:17 29-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi đào tẩu khỏi Triều Tiên để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ và bị đàn áp, cô gái trẻ đồng ý để người ta làm mối và đi đến kết hôn với một người nông dân Trung Quốc chỉ vì chẳng còn nơi nào để đi.
Tuy nhiên, so với quyết định bỏ trốn lúc ban đầu thì quyết định đi tới hôn phối sau này đem lại cho cô nhiều đau đớn hơn rất nhiều.
Niềm đau chôn giấu của những người phụ nữ Triều Tiên lấy chồng Trung Quốc
Người phụ nữ này chỉ xin được nhắc đến dưới tên họ Kim vì sợ nếu quá khứ cay đắng đó lộ ra thì cuộc sống yên bình hiện tại của cô cùng người chồng mới và 2 đứa con tại Hàn Quốc, sẽ theo đó mà tan nát.
Cô kể lại người chồng Trung Quốc đã nhiều lần ra tay bạo hành vợ không thương tiếc. Nỗi sợ hãi bị cảnh sát phát hiện, trục xuất về nước và phải chịu cảnh tra tấn cùng cực luôn ám ảnh khiến người phụ nữ Triều
Tiên nung nấu ý nghĩ phải bỏ trốn sang Hàn Quốc.
Cô Kim hồi tưởng lại cái ngày bị bắt trở lại sau khi bỏ trốn lần đầu tiên, cô đã bị chồng trói nghiến vào cột gỗ giữa đêm trong nhiều giờ đồng hồ, đến nỗi cô phải đi tiểu đứng vì không thể nhúc nhích.
Có lần khi sắp đến ngày sinh cô còn bị chồng cầm chổi đánh chảy máu mũi vì dám hỗn với mẹ anh ta.
Cô Kim đã khóc hết nước mắt khi nghe tin về đứa con gái nhỏ hôm nào cũng khóc lạc cả giọng đợi mẹ về.
Thế rồi khi thời cơ đến vào 10 năm trước, người phụ nữ này quyết định một thân một mình dứt áo ra đi khỏi ngôi làng Longjing, để lại sau lưng đứa con gái nhỏ mới 4 tuổi cho người chồng Trung Quốc nuôi nấng.
"Trái tim tôi như có người bóp nghẹt khi nghe chồng nói con gái đêm nào cũng khóc gọi mẹ rồi thiếp đi trong giấc ngủ cho tới tận khi lên 8", người phụ nữ năm nay 35 tuổi tâm sự.
Cô Kim cho biết thường xuyên gửi tiền, quần áo và quà cáp về cho chồng ở Trung Quốc nhưng anh ta đã cắt đứt liên lạc vài năm trước đây khi biết chị không có ý định trở về.
Trong cuộc trò chuyện cuối cùng với con gái ở Trung Quốc, đứa bé đã khóc lóc rất nhiều van xin mẹ đừng bỏ rơi em.
Kim tâm sự cuộc sống mới ở Hàn Quốc với hai đứa con càng khiến cho cô thấm thía nỗi đau mà cô con gái bị bỏ lại ở Trung Quốc đã và đang phải trải qua.
"Khi một bé nhà tôi lên bốn, cháu trở nên rất nhạy cảm, lo lắng và luôn bù lu bù loa lên khi tôi về nhà muộn.
Chính vì vậy, khi nghĩ tới đứa con gái mình đã bỏ lại Trung Quốc khi vừa mới lên 4 đã khóc không biết bao nhiêu đêm khi mẹ đột ngột biến mất là tôi lại như đứt từng khúc ruột", cô Kim chia sẻ.
Kim đã mất hẳn liên lạc với cô con gái và rất sợ phải trở về Trung Quốc, thế nhưng không chỉ riêng cô Kim mà cả những người đào tẩu khỏi Triều Tiên khác rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng không thể chối bỏ được quá khứ.
Rất nhiều phụ nữ Triều Tiên bí mật tìm cách trốn thoát khỏi gia đình chồng. Một số người viện cớ qua Hàn Quốc để lao động kiếm tiền về cho gia đình và sẽ quay về. Nhưng một khi đã đi chẳng ai có can đảm để quay về vì sợ sẽ bị hồi hương.
Rất nhiều phụ nữ Triều Tiên bí mật tìm cách trốn thoát khỏi gia đình chồng ở Trung Quốc.
Hy vọng mong manh có thể tìm lại con
Nỗi xấu hổ và tội lỗi sâu sắc vì đã bỏ mặc con và lo sợ bị kỳ thị ở Hàn Quốc đã khiến họ chôn chặt bí mật này trong lòng nhiều năm trời. Tuy nhiên, một số người đã bắt đầu công khai yêu cầu sự trợ giúp quốc tế để tìm lại những đứa con đã thất lạc.
Mặc dù chẳng dễ dàng gì nhưng bốn phụ nữ đào tẩu khỏi Triều Tiên đã lên kế hoạch tới tận Mỹ để nhờ Liên Hợp Quốc can thiệp vào tháng tới.
Theo các chuyên gia, chính quyền Trung Quốc sẽ không chấp nhận các vụ kiện như vậy vì những phụ nữ này nhập cư trái phép và cuộc hôn nhân của họ không được luật pháp thừa nhận.
Nỗ lực đoàn tụ với con của họ chỉ có thể xem như vấn đề gia đình cá nhân hơn là vấn đề về quyền con người cần được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.
"Có bất cứ phụ nữ Triều Tiên đào tẩu nào đăng ký kết hôn ở Trung Quốc hay không?
Đối với phía Trung Quốc, họ đều là những người phải hồi hương nên tôi rất băn khoăn về khả năng Trung Quốc sẽ chấp nhận xử lý những trường hợp trên", ông Yoon Yeo Sang, đồng sáng lập Trung tâm dữ liệu về Quyền con người cho công dân Triều Tiên có trụ sở ở Hàn Quốc cho biết.
Bộ ngoại giao Trung Quốc không trả lời về việc họ có giúp đỡ những phụ nữ này hay không.
Cô Kim cùng nhiều phụ nữ từng đào tẩu khỏi Triều Tiên bắt đầu đứng lên đòi yêu cầu sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế để tìm lại con.
Trong khi đó, những người phụ nữ đào tẩu khỏi Triều Tiên nói họ xứng đáng nhận được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế vì họ bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này là do quyền con người quá thấp ở Triều Tiên và chính sách hồi hương đối với người Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc.
"Tất cả các bộ luật của Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên đều không đứng về phía chúng tôi", bà Kim Jungah, 40 tuổi, người cũng đã từng rời bỏ Triều Tiên và bị chia cắt với đứa con ở Trung Quốc cho biết.
Giờ đây với tư cách là một nhà hoạt động, bà Kim sẽ cùng 3 thành viên khác tới Washington và New York trong khoảng thời gian từ 8 đến 18/10 để đấu tranh đòi quyền lợi.
Vấn nạn buôn bán phụ nữ Triều Tiên
Thị trường buôn bán phụ nữ sang làm cô dâu tại Trung Quốc tăng nhiệt sau nạn đói kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người xảy ra tại Triều Tiên giữa những năm 1990.
Tỷ lệ nam giới tại Trung Quốc chênh lệch rất lớn so với nữ giới và sự mất cân bằng nghiêm trọng đó đặc biệt khiến đàn ông ở vùng nông thôn không thể lấy được vợ vì phụ nữ trẻ ở đây đều lên thành phố mong tìm được một tấm chồng có điều kiện kinh tế tốt hơn.
Theo các nhà hoạt động về các vấn đề Triều Tiên, nạn buôn bán cô dâu Triều Tiên đã hạ nhiệt trong vòng vài năm gần đây nhưng hàng nghìn phụ nữ Triều Tiên bị bán sang Trung Quốc vẫn sống ở đây trong tình trạng bất hợp pháp.
Trong những năm đầu mới nhen nhóm, những kẻ môi giới buôn người thường dùng chiêu dụ dộ sẽ tìm cho những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin công việc tử tế, không phải lo cái ăn cái mặc ở Trung Quốc hoặc lừa bắt cóc bán đi.
Thế nhưng sau đó, nhiều người tình nguyện bán mình vì họ chẳng đủ tiền để vượt biên và cho rằng chung sống với đàn ông Trung Quốc sẽ giảm nguy cơ bị bắt và hồi hương.
Cô Kim Jungah kể lại cô đã đào tẩu sang Trung Quốc một mình năm 2002 và được chủ một trang trại thương tình cho ở lại trong vài ngày. Trong thời gian đó, chủ trang trại gợi ý cô Kim kết hôn với một người bạn của ông ta, hơn cô 14 tuổi.
Cô Kim đồng ý vì chẳng có chốn nào dung thân. Sau này cô mới phát hiện ra ông chủ trang trại kia thực ra đã bán cô để xóa món nợ 6.000 NDT (tương đương khoảng 20 triệu đồng).
Sau khi bị đưa tới Trung Quốc, rất nhiều phụ nữ bị đánh đập và lạm dụng tình dục trước khi bị bán đi.
Cô Park Kyung-hwa, người đã từng trốn thoát khỏi tay lũ buôn người năm 2000, kể lại chính mắt cô đã chứng kiến những kẻ buôn người lạm dụng những phụ nữ bị lừa đảo bán sang Trung Quốc. Trong lần bỏ trốn đầu tiên, cô đã bị chúng tra tấn bằng gậy gộc trong suốt 20 phút.
"Bọn chúng không hề xem phụ nữ Triều Tiên là con người mà chỉ coi chúng tôi như một món đồ để mua bán mà thôi", cô Park, 44 tuổi cho biết.
Cô Kim Jungah hiện đang làm việc cho một đài truyền thanh phản ánh về các vấn đề của người Triều Tiên.
Theo nạn nhân và các nhà hoạt động xã hội, những cô gái trẻ có thể bị bán vào làm phục vụ cho các quán karaoke hay nhà thổ hoặc bị ép làm diễn viên bất đắc dĩ cho các website "người lớn".
Cô Park kể lại cô đã từng 2 lần bị đem bán cho các quán rượu nhưng may mắn sao sau 10 phút "kiểm tra", chủ quán rượu quyết định không mua cô.
"Nếu tôi cao và xinh xắn hơn thì chắc đã bị bán vào đó mất rồi", cô Park kể lại sau khi trốn thoát khỏi bọn buôn người và tới được Hàn Quốc năm 2002.
Những người đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ Triều Tiên thường là đã lớn tuổi và không được khá giả cho lắm, thậm chí có người còn bị tàn tật hoặc là những người nông dân nghèo góa vợ ở các vùng quê.
Có rất nhiều trường hợp bạo hành vợ rất dã man nhưng người tốt không phải không có. Một số ông chồng Trung Quốc không chỉ đối tốt với vợ mà còn giúp vợ di cư sang Hàn Quốc.
Tác giả bài viết: Thu Trang
Nguồn tin: