Sán làm tổ trong não 20 năm nghi do ăn tiết canh…cua
- 08:38 29-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sán làm tổ trong não 20 năm mà không biết
Bệnh nhân là bác Hoàng Minh Lực, bị sán làm tổ trong não từ rất lâu nhưng giờ mới được phát hiện và phẫu thuật.
Lần đầu tiên, bệnh nhân lên cơn co giật khi mới 53 tuổi, sau lần đó vẫn làm việc và lao động bình thường. Đến lúc hơn 60 tuổi, bác Lực mới bị giật lại lần 2, và càng về già gần đây các cơn co giật càng nhiều hơn.
Nhớ lại những năm tháng bị bệnh của mình, bác Lực kể: “Khi bị giật như vậy, tôi cũng như gia đình cứ nghĩ mình bị động kinh nên điều trị theo hướng đó, tuyệt nhiên không ai nghĩ là sán lên não cả.
Cách đây khoảng 3-4 tháng, tôi lên cơn co giật và tưởng chừng như không qua khỏi. Người nôn nào và đi tiểu không tự chủ. Thậm chí, tôi còn nôn ra cả máu đông. Ngay lập tức các con đưa tôi vào cấp cứu tại bệnh viện Nghệ An. Ai cũng nghĩ tôi không thể qua khỏi”.
Nhập viện tại bệnh viện tỉnh Nghệ An, các bác sĩ vẫn điều trị theo hướng bị bệnh động kinh, sau 48 ngày nằm viện, bệnh tình không thuyên giảm mới chuyển viện ra Hà Nội".
Tại đây Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, sau khi xem phim chiếu chụp các bác sĩ không khỏi kinh ngạc khi thấy cả một ổ sán đang làm tổ trong não bệnh nhân. Đáng sợ hơn, sán làm tổ gây ổ áp xe, phát triển chèn vào não thất. Bác sĩ quyết định phải tiến hành phẫu thuật ngay cho bệnh nhân, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Đến nay sau hơn 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân Lực đã ổn định, ăn được, nhưng vẫn còn phải tiếp tục theo dõi. Các bác sĩ cũng cho biết, đối với những trường hợp bị sán lên não thì rất nhiều, thông thường điều trị rất lâu vì không phải trường hợp nào cũng phẫu thuật được.
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Các bác sĩ cho biết, có những bệnh nhân có mấy chục ổ sán trong não. Với trường hợp này, nếu phẫu thuật thì phải khoét hết não ra mới hết được nên chỉ có thể điều trị và tiêu diệt dần dần bằng thuốc, thời gian điều trị khá dài.
Trường hợp của bệnh nhân Lực là rất nguy kịch, ổ sán phát triển và chèn vào não thất của bệnh nhân, nên bắt buộc phải chỉ định phẫu thuật nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ đang thăm khám cho bác Lực sau 1 tuần phẫu thuật.
Sau 1 tuần phẫu thuật, bác Lực vận động tốt.
Mắc bệnh vì thói quen ăn sống
Có mặt tại khoa Điều trị, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương gặp những trường hợp đang phải điều trị vì nhiễm ký sinh trùng trong cơ thể mới thấy sự cần thiết và ý nghĩa của việc ăn chín, uống sôi.
Nhiều bệnh nhân, đã phải điều trị nhiều đợt tại Viện chỉ vì cứ rời viện về nhà là lại lên cơn co giật, như bị động kinh. Thậm chí, có những trường hợp còn phải phẫu thuật khẩn cấp do sán làm tổ chèn vào não thất.
Khi hỏi những bệnh nhân đang điều trị tại đây, dù không ai nhớ chính xác nguyên nhân bị sán lên não là do ăn nem thính, nem chạo hay tiết canh…nhưng tất cả đều khẳng định là do đường ăn uống.
Ngay cả trường hợp của bệnh nhân 78 tuổi trên, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc, trước đây có hay ăn thịt chạo, nem thính hay tiết canh hay không? Bác Lực thẳng thắn đáp: “Thời tôi có bát tiết canh thì ai chê được, không chỉ tiết canh lợn mà cả tiết canh cua nữa”.
“Tôi nghĩ tôi bị sán lên não lâu rồi, từ lần bị giật lần đầu tiên cách đây 20 năm và có lẽ là do ăn phải sán trong tiết canh cua.
Ngày đó, nhà tôi có đầm (phá) rộng lắm, cứ buổi chiều anh em bắt cua, một phần luộc lên lấy thịt, rồi rau thơm, lạc rang băm trộn với nhau.
Sau đó bắt con cua còn sống giẫy đành đạch, băm đôi con cua ra hứng nước trong con cua trực tiếp cho vào bát đã chuẩn bị sẵn, thế là được bát canh cua ngon lành. Giờ nghĩ lại vẫn thấy ngon lắm, nhưng không ngờ mình lại mắc bệnh từ đó”, bác Lực kể lại.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Tác giả bài viết: Lê Phương