Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nguyên tắc quan trọng khi xây dựng bài tập lịch sử

Xây dựng bài tập, hệ thống các bài tập trong dạy học môn Lịch sử không thể là việc làm tuỳ tiện, kinh nghiệm chủ nghĩa mà phải xuất phát từ những căn cứ khoa học.


Nội dung bài tập lịch sử phải gắn với chương trình, SGK

Nội dung bài tập lịch sử, phản ánh được ý tưởng chủ đạo của từng bài, chương hay khoá trình, là những điều học sinh chưa biết, cần phải giải quyết trong giờ học đó hay trong quá trình học tập đòi hỏi học sinh phải tích cực độc lập làm việc.

Việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong dạy học Lịch sử, được cụ thể hoá qua các giờ học cụ thể. Do vậy, bài tập phải bám sát nội dung, phạm vi, yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa góp phần cùng với các bài học thực hiện tốt mục tiêu giáo dưỡng, giáo dục và phát triển bộ môn.

Bài tập, trước hết phải thể hiện nội dung cơ bản của bài học, tức là xây dựng bài tập phải bám sát và bộc lộ các điểm mấu chốt, các vấn đề quan trọng, thiết thực do chương trình, sách giáo khoa và thực tế cuộc sống đặt ra qua các bài học cụ thể.

Bài tập phải giúp học sinh ghi nhớ các sự kiện lịch sử cơ bản, các niên đại, các địa danh, nhân vật lịch sử, các biểu tượng, giải thích và hiểu sâu sắc khái niệm, các quy luật và bài học lịch sử; từ đó hình thành các phương pháp học tập và biết vận dụng kiến thức lịch sử đã học để giải thích các hiện tượng xã hội và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội.

Thiết kế bài tập trong dạy học Lịch sử, phải thể hiện nội dung cơ bản của bài học, không có nghĩa là giản lược các nội dung phong phú, sinh động, hấp dẫn vốn có của lịch sử. Đặc biệt, việc thiết kế bài tập lịch sử cho đối tượng học sinh chuyên Văn - Sử - Địa, giáo viên phải chú ý mở rộng, nâng cao, phát triển nội dung bài tập phù hợp với trình độ nhận thức, nhằm kích thích tư duy độc lập, sáng tạo, gây hứng thú học tập cho học sinh.

Đảm bảo tính hệ thống trong việc xác định nội dung bài tập

Hiện thực lịch sử phát triển trong sự thống nhất song đa dạng, đầy mâu thuẫn và hợp với quy luật. Việc nhận thức lịch sử cũng phải tuân thủ theo logic sự phát triển lịch sử khách quan. Tính hệ thống được thể hiện ở thời gian, trình tự trước sau của các sự kiện, hiện tượng lịch sử phải tìm hiểu từ lịch sử nguyên thuỷ, cổ đại, trung đại đến cận đại, hiện đại chứ không thể nhận thức ngược lại.

Đồng thời, quá trình lĩnh hội tri thức của học sinh chỉ vững chắc khi mà kiến thức các em thu nhận được không phải từng đơn vị riêng lẻ mà phải là một chỉnh thể thống nhất có quan hệ với nhau.

Tính hệ thống của các nội dung lịch sử được thể hiện trong một mục, một bài, một chương hay một khoá trình. Các kiến thức, không tồn tại biệt lập mà bị chi phối bởi các yếu tố thời gian, mối liên hệ nhân quả. Giữa các đơn vị kiến thức có mối liên hệ móc xích với nhau, khi không nắm vững đơn vị kiến thức của phần trước thì không thể chuyển sang nắm kiến thức ở các phần sau.

Do vậy, khi xây dựng bài tập lịch sử nhất thiết phải chú ý, đảm bảo mối liên hệ logic giữa các sự kiện, hiện tượng lịch sử trong từng bài, từng chương, giữa các bài, các chương và các khoá trình với nhau.

Nội dung thiết kế cũng phải rất linh hoạt, có những bài tập được thiết kế dựa trên đơn vị kiến thức của một bài học, có bài tập lại được thiết kế dựa trên đơn vị kiến thức của một chương, thậm chí của cả khoá trình.

Việc đảm bảo tính hệ thống, lôgíc về nội dung kiến thức, nội dùn bài tập là một cơ sở quan trọng để tổ chức hoạt động lĩnh hội tri thức lịch sử cho học sinh. Với tư cách là một thành tố của bộ máy tư duy của học sinh, bài tập trong dạy học lịch sử góp phần tích cực vào việc lĩnh hội tri thức.

Đảm bảo tính đa dạng, toàn diện

Kiến thức lịch sử rất phong phú và đa dạng, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội. Do vậy, trong quá trình dạy học đòi hỏi phải cung cấp cho học sinh những kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, chứ không phải chỉ có kiến thức lịch sử quân sự hay chính trị. Những đơn vị kiến thức khác như văn hoá, khoa học, giáo dục, tư tưởng... được xét ở bình diện khoa học lịch sử chứ không phải ở khoa học chuyên ngành.

Học sinh không đi sâu vào mặt kiến thức chuyên ngành, mà cần tìm hiểu một sự kiện về văn hoá, nghệ thuật, khoa học... các sự kiện thuộc lĩnh vực này xuất hiện trong bối cảnh nào, phản ánh lịch sử của thời kì ấy như thế nào và có tác động như thế nào đến sự phát triển của xã hội. Thiết kế bài tập trong dạy học Lịch sử cũng phải theo hướng đó, nhằm tạo ra sự hứng thú học tập, sự tìm tòi sáng tạo của học sinh.

Muốn xây dựng được những bài tập đa dạng, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội, giáo viên phải luôn tìm tòi, tích luỹ kiến thức về các lĩnh vực có liên quan, đó là phương pháp liên môn hay sự tích hợp ở mức độ thấp về kiến thức các môn học ở trường phổ thông.

Tính đa dạng của bài tập còn thể hiện ở chỗ phải xây dựng nhiều loại bài tập khác nhau từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, nhưng cũng tuân thủ theo quá trình nhận thức của học sinh như: Bài tập nhận biết lịch sử, bài tập nhận thức lịch sử, bài tập rèn luyện kỹ năng thực hành bộ môn...

Sự đa dạng của bài tập, sẽ giúp các em khai thác nội dung phong phú của lịch sử và được tiếp cận với nhiều nguồn sử liệu. Qua đó rèn luyện kỹ năng thực hành bộ môn, làm nảy sinh tình cảm, hứng thú học tập bộ môn.

Phát huy sáng tạo, có tác dụng giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức

Trong những năm gần đây, ngành Giáo dục đang phải đối mặt với một vấn đề gây sự quan tâm của dư luận đó là vấn đề quá tải trong nội dung dạy học ở trường phổ thông. Chính là sự mâu thuẫn giữa khối lượng tri thức rất lớn mà thời đại thông tin mang lại với năng lực và trình độ nhận thức có hạn của học sinh.

Do vậy, Bộ GD&ĐT đã tiến hành cải cách viết lại nội dung chương trình, sách giáo khoa để nhằm khắc phục tình trạng trên nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra, còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Đối tượng và mục tiêu của hoạt động sư phạm là học sinh và quá trình lĩnh hội tri thức của họ. Mọi sự đổi mới về các mặt nội dung, phương pháp đều nhằm đạt mục đích cuối cùng là nâng cao hoạt động tổ chức nhận thức của học sinh để nâng cao hiệu quả giờ học. Song, xét cho cùng mọi cố gắng của giáo viên sẽ trở thành vô ích, nếu ta làm một việc không vừa sức với học sinh.

Đề cập đến tính vừa sức, là phải nói tới sự phù hợp giữa việc giảng dạy với đặc điểm nhận thức, đặc điểm lứa tuổi của học sinh. Song nếu chỉ dừng lại như vậy thì sẽ không hiểu đúng rằng tính vừa sức chỉ tồn tại ở dạng tĩnh, ổn định.

Trong dạy học lịch sử, người giáo viên phải biết tổ chức từng bước quá trình nhận thức của học sinh, biết tạo ra năng lực mới trên cơ sở các năng lực sẵn có của học sinh. Trong quá trình thiết kế và sử dụng bài tập trong dạy học Lịch sử ở trường THPT, giáo viên luôn luôn phải tính đến các yếu tố như: Đặc điểm tâm lí, đặc điểm nhận thức của học sinh để từ đó tăng cường hơn nữa các loại bài tập có tác dụng phát triển trí tuệ, kỹ năng thực hành cho học sinh.

Bài tập dễ quá sẽ làm cho học sinh chủ quan không kích thích được tính tích cực độc lập nhận thức của các em, nhưng ngược lại, nếu khó quá sẽ làm cho việc lĩnh hội kiến thức mới của học sinh kém hiệu quả. Chỉ có bài tập khó vừa sức học sinh mới đòi hỏi sự cố gắng phát triển tư duy của mình. Muốn thực hiện được điều này, bài tập đưa ra cần nằm ở vùng phát triển gần nhất của học sinh.

Đối với học sinh thi khối C, hoặc tổ hợp khối có môn lịch sử, muốn phát huy được tư duy độc lập sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành bộ môn và năng lực làm việc độc lập của các em, giáo viên cần chú ý xây dựng các dạng bài tập nhận thức dưới dạng những câu hỏi tổng hợp có nội dung rộng lớn, đòi hỏi học sinh phải có thời gian, công sức và trí tuệ để giải đáp. Bài tập được xây dựng trên cơ sở của một sự kiện quan trọng, một số bài học hay cả một quá trình.

Tính vừa sức trong việc thiết kế và sử dụng bài tập trong dạy học lịch sử còn liên quan trực tiếp đến giáo viên, người tổ chức, điều khiển quá trình sư phạm. Trong một điều kiện sư phạm nhất định, giáo viên phải hướng tới nhiều đối tượng học sinh có sự khác biệt về trình độ, năng lực nhận thức cùng một lúc.

Do vậy, khi thiết kế bài tập cũng cần thể hiện sự phân hoá nhằm đáp ứng những năng lực khác nhau của học sinh (giỏi, khá, trung bình) đó là vấn đề phức tạp đòi hỏi kinh nghiệm và nghệ thuật của người giáo viên trong dạy học.

Bài tập cần chính xác về nội dung và chuẩn mực về hình thức

Mục đích của bài tập lịch sử nói chung là nhằm định hướng cho học sinh tập trung giải quyết một vấn đề nào đó trong nội dung chương trình môn học để củng cố và kiểm tra nhận thức của các em. Do vậy, nội dung bài tập phải được xây dựng trên cơ sở những sự kiện cơ bản, chính xác nhất, rõ nhất để tạo điều kiện hình thành cơ sở cho học sinh hiểu biết lịch sử.

Như chúng ta đã biết, quá trình tư duy của học sinh không tự diễn ra mà phải có sự kích thích nhất định, phải biết khơi gợi tính tích cực của tư duy. Một trong những yếu tố góp phần tác động vào quá trình này là diễn đạt bài tập.

Trong dạy học Lịch sử, bài tập mà giáo viên đưa ra phải rõ ràng, mạch lạc giúp học sinh hiểu đúng yêu cầu, tránh diễn đạt quá bóng bẩy, khó hiểu, nhiều nghĩa mà phải gọn, rõ ràng, không mập mờ có thể gây ra phân vân cho học sinh và các em hiểu sai yêu cầu.

Không nên gộp những vấn đề không hoàn toàn đồng nhất với nhau trong một câu hỏi, nhưng nếu ra các bài tập dàn trải về mặt đơn vị kiến thức thường kiến học sinh khó định hướng, khó huy động kiến thức để giải chúng.

Từ yêu cầu trên, chúng ta nhận thấy hình thức diễn đạt bài tập đóng một vai trò rất quan trọng và muốn đạt được các yêu cầu đó thì vai trò của người giáo viên là rất lớn. Việc biên soạn bài tập rất công phu, đòi hỏi nhiều thờ gian, công sức, trí tuệ mới có được bài tập hay, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng nhận thức (giỏi, khá, trung bình, yếu).

Tác giả bài viết: Cô Nguyễn Thị Hiền - Trường THPT chuyên Hưng Yên (Hưng Yên)