Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ám ảnh của hồi môn 3 chỉ vàng và đôi bàn tay nhăn nheo của bố

Khoảnh khắc cha ruột trao dây chuyền vàng cho con gái làm của hồi môn trước khi về nhà chồng đã khiến nhiều người xem rơi lệ.
Thương bố mẹ nhiều hơn khi đeo dây chuyền vàng trên cổ

Mới đây, trên trang facebook cá nhân của nhiếp ảnh gia Hoàng Zenby có chia sẻ lại hình ảnh đôi bàn tay nhăn nheo của người cha đang run run khi trao dây chuyền vàng làm của hồi môn cho con gái tại lễ thành hôn.

Bức ảnh đã khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng đều xúc động, thương cha già vất vả mưu sinh cả đời cũng chỉ mong con cái được bằng bạn bằng bè.

 
Hình ảnh bố trao dây chuyền cho con trong lễ cưới gây ám ảnh.

Từ sau khi hình ảnh xúc động được lan tỏa đó, PV Báo Người Đưa Tin đã nhanh chóng liên hệ với cặp đôi cô dâu chú rể đang là tâm điểm thu hút sự chú ý trên nhiều diễn đàn mạng. Tại đây, PV được nghe những chia sẻ hết sức chân thật từ những người trong cuộc.

Trả lời PV, chú rể Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1993) cho biết đám cưới của anh và vợ vừa diễn ra vào ngày 12/9 vừa qua. Chú rể sinh ra và lớn lên tại xóm 15, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An.

Trong một lần đi chơi và được bạn giới thiệu nên anh Đức đã quen, thầm thương trộm nhớ cô dâu Võ Thị Huyền (sinh năm 1995) ở (Xóm Liên Hồng, Xã Thanh Liên, Huyện Thanh Chương, Nghệ An). Sau vài tháng tìm hiểu nhau cặp đôi quyết định tiến đến xây dựng gia đình trong sự chúc phúc của cha mẹ và họ hàng chòm xóm hai bên.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, lại là chị cả trong gia đình có 3 chị em nên Võ Thị Huyền thường xuyên giúp đỡ bố mẹ làm những công việc nhà, công việc đồng áng. Tự nhận mình không có duyên với học hành nên sau khi tốt nghiệp cấp 3 Huyền ở nhà phụ bố mẹ và rồi gặp anh Đức. Tình yêu của họ chớm nở quyết định đi đến hôn nhân.

 
Đôi bàn tay khắc khổ của bố khiến người xem xót xa (Ảnh: Hoàng Zenby).

Con gái lớn đi lấy chồng, người lo lắng nhiều nhất là bố mẹ của cô vì kinh tế gia đình cũng ở mức trung bình nên hai vợ chồng ông Võ Văn Lương (bố ruột của cô dâu) cũng đã phải tính toán chi tiêu, chuẩn bị đồ cưới sao cho hợp lý nhất.

Mặc dù biết là tổ chức gọn nhẹ nhưng theo truyền thống, phong tục của làng nên ông bà Võ Văn Lương vẫn quyết cho con gái có chút của hồi môn mang về nhà chồng.

Ông Lương tâm sự: “Nhà tôi làm nông nghiệp nên hoàn cảnh gia đình cũng bình thường lắm. Trung bình thôi. Nhưng cưới con gái không muốn con thua thiệt hay tủi thân nên muốn cho con một vật gì đó làm của hồi môn coi như của ít lòng nhiều”.

Trong ngày cưới, bố là người đưa con gái về nhà chồng. Và giây phút trao quà hồi môn trước sự chứng kiến của quan viên hai họ cô dâu Võ Thị Huyền đã bật khóc vì xúc động, vì thương đôi bàn tay đầy rẫy những nếp nhăn của cha.

 
Cô dâu Võ Huyền được bố trao của hồi môn trong ngày trọng đại.

Nhớ lại ngày trọng đại của đời mình, chị Huyền chia sẻ: “Ngày đó bố đưa mình sang nhà chồng cách nhà mình 25 km, thương đôi bàn tay nhăn nheo của bố. Khi trao 3 chỉ vàng cho mình, bố chỉ nói rằng mong muốn con gái được hạnh phúc. Mình cũng đã thầm hứa với bố là sẽ sống thật hạnh phúc để bố mẹ không phiền lòng”.

Về phần người cha, ông Lương cũng luôn bày tỏ sự canh cánh: “Nghĩa vụ làm cha, làm mẹ thì trong ngày cưới cũng muốn chia sẻ cho con bằng bạn bằng bè. Muốn cho con nhiều hơn thế nhưng chúng tôi chỉ có vậy nên mong con hiểu tấm lòng của cha mẹ, sống vui vẻ, hạnh phúc là bố mẹ mừng”.

Khi PV đặt câu hỏi hiện nay có rất nhiều các cô gái trẻ khi về nhà chồng đều muốn bố mẹ cho nhiều vàng, nhiều của hồi môn vậy bạn được bố mẹ cho 3 chỉ vàng bạn có thấy tủi thân, hờn trách, cô dâu Võ Huyền không chút ngập ngừng thẳng thắn nói: “Nhà mình điều kiện bình thường, bố mẹ có bao nhiêu thì cho vậy. Mình cảm thấy vui chứ không hề có chút ghen tị hay oán trách nào cả. Thậm chí còn rất tự hào về gia đình mình nữa”.

“Nên có chút quà kỷ niệm chứ phô trương quá thì phải nhắc nhở”

Đã có những câu chuyện bi hài của những bậc phụ huynh muốn ra oai với hàng xóm như đi thuê vòng vàng giả để trao cho con gái về nhà chồng và khi về đến nhà chồng bị vỡ lở. Người ê chề nhận được những ánh mắt khinh bỉ, cười nhạo khi đó không phải là bố mẹ cô dâu mà chính là cô dâu sống tại nhà chồng... Và còn nhiều những câu chuyện bi hài khác.

Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Hà Nội) nhận định: “Đám cưới là ngày trọng đại nhất của người con gái, ngày đó cô dâu sẽ được nâng niu chiều chuộng và mọi ánh mắt đổ dồn vào cô dâu, chú rể. Trong ngày cưới, cô dâu cũng sẽ được thể hiện tất cả với mọi người rằng mình cũng được hưởng hạnh phúc không kém ai”.

 
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất.

Theo ông Chất: “Cách đây hàng ngàn năm việc trao của hồi môn cho con gái về nhà chồng được coi là cổ truyền của dân tộc mang đậm nét tình cảm gia đình dành cho nhau. Nhưng dần dần bị biến dạng thành ra khoe khoang, kệch cỡm với mọi người. Thậm chí đã có những gia đình đi thuê những trang sức đó nhìn vào tưởng là bạc tỷ nhưng đấy lại là của giả không phải thật... Đây là câu chuyện vô cùng nguy hiểm trong xã hội hiện tại mang đầy vẻ sỹ diện hão huyền”.

Ông Nguyễn An Chất cho biết, việc cho con gái một phần vật chất như một cái nhẫn, dây chuyền, tặng một vật nào đó để làm kỷ niệm suốt đời là điều cần thiết. Nó thể hiện tình cảm của những người thân trong gia đình dành cho nhau, đậm đà bản sắc dân tộc.

Còn về việc có nên phê phán, lên án những đám cưới vẫn coi trọng hình thức, của hồi môn dù vay mượn, thậm chí bán đủ thứ để mua vàng cho con gái hay không thì theo vị chuyên gia tâm lý này cho biết mọi người không nên ném đá mà cần nhắc nhở.

Ông Chất khẳng định: “Việc trao của hồi môn nhiều hay ít không phải là thước đo giá trị của cô dâu mà phải thông qua cách ứng xử hàng ngày của cô dâu với gia đình nhà chồng, ứng xử với chồng, bố mẹ chồng và họ hàng bên chồng đó mới là điều quan trọng.

Vì thế, nếu một người cha, người mẹ của cô dâu nào có ý định đem cầm cố tài sản gia đình để mang lại chút vật chất cho con trong ngày cưới là điều không nên”.

Tác giả bài viết: Thanh Lam