Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đám tang ra tới đồng, chị hoảng loạn chạy tới đổ sụp trước quan tài

Con gái trong làng chẳng cần học hành nhiều, chỉ cần chăm làm lụng, đến tuổi thì lấy chồng, sinh con. Huệ không muốn thế, không muốn đời mình lại buồn tẻ như u, như mấy chị, suốt ngày quanh quẩn không ra khỏi lũy tre làng.
Cứ tưởng thời gian sẽ là phương thuốc chữa lành mọi vết thương. Nhưng với người đàn bà ấy, thời gian chẳng khác gì một thứ muối càng làm xót đau thêm, nhất là mỗi khi trở trời, chỗ vết sẹo vắt ngang bụng chân ấy lại rần rật đau. Tim chị thắt lại, nhói buốt, nỗi đau trở về nguyên vẹn như lúc mới đầu. Bao ký ức ùa về trong đôi mắt đã mờ đục dấu vết của năm tháng.

Thời con gái, Huệ xinh đẹp nhất làng. Huệ có làn da mịn màng trắng ngần mà cái thời lam lũ ấy con gái hiếm ai có được. Dáng người thanh, mái tóc dài chấm eo thon, Huệ thừa hưởng nét đẹp của u, nhưng tính cách thì lại chẳng giống ai trong nhà.

 
chiec vong du 281133662

U chị kể, lúc vừa mới chào đời, Huệ khóc thét lên như thể bị ai đó cấu véo. Rồi cứ thế khóc liền mấy tuần, chẳng kể ngày đêm. Khi nào mệt quá thì ngủ thiếp đi, nhưng chỉ cần một tiếng động khẽ là giật mình thức giấc, rồi lại khóc váng cả xóm. Chỉ khi được thầy nựng bế ra ngoài sân, Huệ mới im bặt, đôi mắt ráo hoảnh, chớp chớp nhìn xung quanh.

Ngày đó, còn cụ nội, cụ bảo rằng: “Cái gai nhọn, nó nhọn từ bé”. Sau bữa ấy, thầy mắc ngay một cái võng ngoài vườn giữa hai cây bưởi già. Chỉ cần thế thôi là u có thể yên tâm giao em cho chị lớn để ra đồng đến quá nửa buổi mới về.

Con bé Huệ ghê gớm, hay quấy khóc ngày nào giờ đã thành một thiếu nữ xinh đẹp. Chẳng ít bà mai mối tìm đến đánh tiếng với thầy u chị. Nhưng nghe đâu, thầy đã nhận lời hứa gả chị cho con trai cả nhà ông giáo Tính ở trên huyện. Thầy bảo nhà họ gia giáo. Chả là thầy chị cũng là một nhà giáo, có thời gian cùng dạy học với ông giáo Tính ở trên huyện.

 
chiecvong

Nhưng Huệ chẳng quan tâm đến những chuyện đó. Chị chỉ mê hát. Mỗi lần có gánh hát ở đâu về là chị bỏ hết việc nhà, xăm xắm đi xem từ lúc đoàn hát mới đến cho tới tận nửa đêm. Ở vùng quê nghèo này, việc người ta đi xem hát thì có thể được, nhưng để cho con mình đi theo gánh hát thì chưa từng có.

Con gái trong làng chẳng cần học hành nhiều, chỉ cần chăm làm lụng, đến tuổi thì lấy chồng, sinh con. Huệ không muốn thế, không muốn đời mình lại buồn tẻ như u, như mấy chị, suốt ngày quanh quẩn không ra khỏi lũy tre làng.

Huệ thường ngồi trên bờ đê nhìn về cuối con đường tít tắp. Chẳng biết cuối đường là đâu, chắc hẳn là một nơi nhộn nhịp, xa hoa lắm. Bao phen thầy cấm cửa, nhốt chị vào nhà ngang, khóa trái lại, nhưng niềm đam mê và khát khao được theo gánh hát đi khắp các vùng quê biểu diễn vẫn không ngừng thôi thúc Huệ.

Như ngọn lửa đang âm ỉ, chỉ chực chờ một cơn gió để bùng lên. Đòn roi của thầy, những giọt nước mắt của u chưa đủ mạnh để ngăn chị mơ tưởng. Thầy u nhờ bà mối đánh tiếng sang bên nhà ông giáo Tính bảo họ mang cau trầu sang thưa chuyện. Họ ừ à nhưng đợi mãi không thấy qua. Thầy chị trầm ngâm ngồi lặng thinh mấy đêm dài ngoài hiên. Lòng ông giáo đau lắm. Ông nhớ hôm rồi ở ngoài đình họ xì xào sau lưng, nói ông dạy bao người mà không bảo được con.

Đêm ấy tiếng trống hội vang vọng từ làng bên. Chắc lại có đoàn chèo về biểu diễn. Thấy vậy, thầy chị vội vàng về nhà canh chừng thì đã không thấy chị đâu. Chị đã trốn đi từ lúc nào. Thầy cầm sẵn đoạn mây dài, đi ra đi vào. Mãi nửa đêm mới thấy tiếng lạch cạch nhấc rào cổng. Chiếc roi trên tay thầy vung lên, chân chị tứa máu. U khóc, van xin thầy tha cho chị. Lạ thay, chị không khóc, hai môi chỉ mím chặt chịu đau. Sáng ngày ra đã không thấy chị đâu, chỉ còn trơ lại một mẩu giấy viết vội để trên bàn: “Con lạy thầy u, xin thầy u tha lỗi cho con!”.

U chị gào lên, lao ra cửa, bị thầy chị kéo lại. Giọt nước mắt mặn mòi khẽ lăn trên gương mặt hốc hác của ông giáo. Ông không nói năng gì, chỉ khẽ lắc đầu. Sống với nhau gần dăm chục năm, đây là lần đầu tiên bà thấy ông rơi nước mắt. Bà ngồi thụp xuống. Từ hôm đó, không khí trong nhà trầm lắng hẳn. Không ai dám nói năng gì, bước đi cũng nhẹ. Cứ về khuya, ông giáo lại trở dậy ra ngồi một mình trên chiếc võng ngoài vườn.

Mười mấy năm rồi, chiếc võng dù vẫn bền chặt. Cũng nhờ thầy chị giữ gìn như báu vật. Mỗi khi mưa gió, kể cả nửa đêm thầy cũng ra tháo chiếc võng cất vào nhà. Thầy bảo đây là kỷ niệm gắn bó với cô con gái út. Những hạt sương lạnh rơi xuống ướt đẫm tán lá bưởi hanh hao, phả cả vào nhà cái lạnh lẽo u tịch của mùa đông.

U chị giật mình thức giấc, chiều qua đài báo đêm nay có gió mùa đông bắc. Nhìn ra chiếc chõng tre đặt ở gian ngoài không thấy thầy đâu, u chị vội vàng trở dậy khơi to chiếc đèn dầu. Vừa mở cửa, gió ùa vào nhà khiến ngọn lửa tắt lịm. U chị liền gọi con cái dậy xem thầy đâu. Ra đến nơi thì thầy chị đã đi từ lúc nào trên chiếc võng. Hồi chiều ông giáo vẫn ra đồng thăm mấy thửa ruộng vừa vỡ đất. Vậy mà...

Chẳng ai biết chị Huệ nơi nào để báo tin. Mọi người xót xa, ông giáo tốt tính vậy mà đến lúc chết cũng không thanh thản. Lúc đám tang ra tới đồng, người ta thấy chị hoảng loạn chạy tới đổ sụp trước quan tài. Mẹ chị gào khóc cầu xin người đã khuất tha thứ cho chị.

Chị bước đi vô hồn dọc bờ đê giữa chiều đầy giông gió. Một mầm sống đang cựa quậy trong chị. 18 tuổi, chị đủ mạnh mẽ để sống hết mình với những ước mơ, nhưng lại thiếu sự từng trải để phân biệt được những thật giả của cuộc đời. Chị đã tin những lời hão huyền của ông chủ gánh hát, những viễn cảnh đẹp cuộc đời. Nhưng rồi chính gã bỏ rơi chị. Đang chới với không biết đi về đâu thì bất ngờ chị gặp một người làng đi bỏ mối hàng ở trên tỉnh và hay tin thầy mất.

Chiều quạnh quẽ, dòng sông ngầu đục. Chỉ vài bước chân là chị có thể tới được thế giới của thầy để mà quỳ xuống tạ lỗi. Bỗng có tiếng gọi vọng kéo chị về với thực tại. Chẳng phải tiếng gọi rất thân thương của thầy ngày bé mỗi khi chị mải rong ruổi cùng đám trẻ đó sao. “Về đi con”, thầy cầm chiếc quạt mo quạt tung mái tóc bết mồ hôi.

Chị trở bước quay về nhà, chỉ khác là lần này không còn thầy đi bên cạnh nữa. Con người ta chỉ được sinh ra có một lần thôi, sống tốt cũng là cách để trả ơn cha mẹ, những người đã vất vả sinh ra và nuôi mình khôn lớn. Với chị, tiếp tục sống còn là cơ hội để cho chị chuộc lỗi với thầy. Chị tự hứa nhất định sẽ không gục ngã.

Chị lại đi, mạnh mẽ và quyết đoán. Chị biết rằng trên con đường này chỉ có thể tự bước đi bằng chính đôi chân mình. Chị không còn giận đời, không còn hận kẻ đã lấy đi niềm tin của chị.

Thấm thoắt cũng đã hơn 30 năm. Giờ chị đã là một doanh nhân thành đạt. Chẳng dễ dàng gì để chị có thể tạo dựng được cơ nghiệp hôm nay. Biết bao mồ hôi, nước mắt và những day dứt khôn nguôi giằng xé cả đời chị. Bên trong căn biệt thự bề thế, người ta thấy lạ khi ở ngoài vườn luôn có chiếc võng dù cũ kỹ mắc quanh năm dưới gốc bưởi ngát hương.

Tác giả bài viết: Việt Nga