Khó như thi Bác sĩ nội trú
- 11:12 28-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thu và Huyền đang thực hành tại phòng mổ.
Đọc sách tính theo cân
Khi tôi ngỏ ý muốn viết về kỳ thi Bác sĩ nội trú (BSNT) của sinh viên y khoa, thầy Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đã phủ đầu: “Viết làm gì. Viết những vất vả của ngành y để không thí sinh nào dám học nữa à”. Nhưng rồi thầy cũng “nhượng bộ” cung cấp cho tôi hai số điện thoại để liên hệ với hai cô sinh viên vừa thi đỗ vào chuyên ngành gây mê hồi sức hệ BSNT của trường. Gây mê hồi sức chính là ngành của thầy Tú và thầy cũng đã trưởng thành từ chính hệ BSNT của trường ĐH Y Hà Nội này.
Nhưng quả thật, nếu ai chưa trải qua, chưa thể biết được kỳ thi BSNT nó khốc liệt thế nào. Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thu Huyền là hai cô sinh viên mà thầy Tú đã giới thiệu cho tôi để tìm hiểu những thực hư, những “tin đồn” về kỳ thi BSNT.
Tôi bắt đầu câu chuyện với câu hỏi cảm giác biết đã đỗ vào BSNT thế nào, hai cô sinh viên đồng thanh: vui, hạnh phúc! Hạnh phúc này khác hoàn toàn cảm giác cách đây 6 năm biết đỗ vào ĐH Y Hà Nội. Vì ngày đó, thi xong, đã có thể biết được cơ hội của mình. Nếu không đỗ có thể lựa chọn trường khác. Nhưng với kỳ thi này, thi xong, không biết thế nào, không đỗ, coi như cánh cửa BSNT đóng lại vĩnh viễn. Không đỗ coi như 2 tháng ôn tập vừa qua công cốc trong khi thời gian đó có những bạn đã tìm được việc làm.
Không những thế, Huyền và Thu cho hay, kỳ thi là một trải nghiệm thú vị và có lẽ không một người bác sĩ nào từng tham gia có thể quên được trong đời. Huyền và Thu cùng học ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội nhưng khác lớp. Từ năm thứ nhất, khi vào trường, khi được nghe các thầy cô nói về BSNT, hai cô tân sinh viên đã thấy mê tít. Bởi những giáo sư, bác sĩ nổi tiếng tại Việt Nam đều học từ hệ này. Tuy nhiên, niềm đam mê đó được củng cố khi vào năm thứ 3, các sinh viên của ngành y được học lâm sàng (thực tập tại các bệnh viện). “Có nhiều bạn lúc đầu cũng thích BSNT, nhưng sau một thời gian, mục tiêu của các bạn ấy đã thay đổi” - Thu cho hay. Để có thể “chạm tay” được vào giấc mơ, ngay từ năm thứ nhất, các sinh viên y khoa đã phải đặt ra mục tiêu học và lộ trình ôn thi. Nhưng có lẽ, thời gian ôn thi gấp rút nhất là khoảng từ năm thứ 5, tức là thường phải ôn thi “chuyên nghiệp” trong hai năm.
“Chúng em là khóa đầu tiên trường đổi mới phương thức thi hệ BSNT. Từ đầu năm thứ 6, các thầy cô vẫn nói chúng em thi như các anh chị khóa trước. Nhưng giữa năm thứ 6 thì nhà trường thông báo lại: chúng em sẽ thi tất cả 9 môn thay vì 4 môn như trước và thi hoàn toàn bằng trắc nghiệm” - Huyền cho hay. Sau khi nhận được thông báo, nhiều sinh viên có hơi “choáng” vì trước đó chỉ tập trung vào 4 môn sẽ thi. Huyền với Thu cũng thế.
“9 môn thi, không có giới hạn, không có định hướng. Tất cả phải học từ đầu đến cuối. Không những phải đọc giáo trình, sách tham khảo trong nước mà có những môn phải đọc sách tham khảo của nước ngoài. Chúng em đọc sách tính theo cân chứ không còn tính theo quyển nữa” - Huyền chia sẻ.
Nhưng có lẽ, thời gian ôn thi “khủng” nhất là trong hai tháng từ tháng 6 (thi xong tốt nghiệp ĐH) đến tháng 8 (kỳ thi bắt đầu). Rất nhiều bác sĩ trải qua kỳ thi này đều gọi hai tháng trước kỳ thi là hai tháng “luyện đơn trong lò bát quái”. “Mọi sinh hoạt cá nhân đều được tối giản đến mức có thể. Chúng em phải “căn” ăn bao nhiêu phút, tắm giặt bao nhiêu phút, ngủ bao nhiêu giờ. Toàn bộ thời gian còn lại để học. Nấu cơm em cũng phải nhờ trợ giúp của cô em gái ở cùng. Bố mẹ em ở quê thì gọi điện lên học vừa thôi, học thế ốm thì chết” - Thu cười nói. Còn Huyền thì chia sẻ thêm: “Em ở KTX, khi ôn thi bọn em tập hợp học theo nhóm. Và quan trọng nhất lúc nào cũng phải giữ cho cái đầu tỉnh táo. Vì học tới 9 môn, ôn tới môn thứ 9 thì quên hết kiến thức môn thứ nhất. Có bạn đã bỏ cuộc trong thời gian ôn thi này vì không chịu được áp lực. Trong năm thứ 5 hoặc năm thứ 6, để ôn một môn có thể tính theo tháng. Nhưng vào 2 tháng cuối, ôn xong một môn sẽ tính theo từng ngày. Chính vì vậy, lúc nào căng thẳng quá, bọn em lại ngồi “chém gió” với nhau năm, bảy phút”.
Không chỉ lúc ôn, lúc thi cũng là thời gian thử thách. “Hãy tưởng tượng, 9 môn trong 4 bài thi. Mỗi bài thi 90 phút từ 160 - 180 câu hỏi. Để kiến thức không nhầm môn nọ với môn kia, đáp án nọ không nhầm với đáp án kia cũng là cả một vấn đề” - Huyền cho hay.
Mới chỉ là tấm vé đầu tiên
Ngày 9/9 vừa qua, hơn 600 sinh viên y khoa đến từ các trường ĐH Y của cả nước đã có mặt tại ĐH Y Hà Nội để xem “số phận” của mình. Huyền và Thu đã trúng tuyển vào chuyên ngành Gây mê hồi sức.
Chia sẻ với Tiền Phong về hệ BSNT, có lần thầy Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết sinh viên hệ BSNT chính là “lớp váng” tinh túy nhất của những người học ngành y. 3 năm học là 3 năm họ được các giáo sư, bác sĩ đầu ngành tại các bệnh viện lớn cầm tay chỉ việc. Họ học 24/24 tại các bệnh viện. Không những học tại một bệnh viện mà là tại tất cả các bệnh viện lớn của Hà Nội.
Còn với Huyền và Thu, hai bạn coi đây mới chỉ là tấm vé đầu tiên để phấn đấu. “3 năm tới sẽ còn nhiều kỳ thi nữa. Nếu chúng em không vượt qua, có nghĩa là sau 3 năm, chúng em không phải là BSNT” - Huyền nói.
Năm nay, ĐH Y Hà Nội đón hơn 200 BSNT. Ngoài sinh viên của ĐH Y Hà Nội còn có sinh viên các trường khác như ĐH Y Thái Bình, Học viện Quân y, ĐH Hải Phòng, ĐH Y dược Huế... Không phải những trường ĐH Y khác không có hệ BSNT mà vì có lẽ với kinh nghiệm đào tạo đã được 40 năm, hệ BSNT của ĐH Y Hà Nội có tuổi đời già nhất nên luôn là niềm mơ ước của các sinh viên Y khoa. |
Tác giả bài viết: Nghiêm Huê