"Cho cần câu hơn cho xâu cá"
- 10:22 28-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trận lũ ống, lũ quét xảy ra vào rạng sáng ngày 14/9 tại xã Châu Hội - huyện Quỳ Châu đã làm cho làng bản xác xơ, và quan trọng hơn, nhiều hộ dân đã không còn tư liệu sản xuất. 65ha ruộng nước sắp kỳ thu hoạch, chiếm phần lớn diện tích đất sản xuất của xã Châu Hội đã bị vùi lấp. Vốn đã nghèo này cái đói có thể nhìn thấy trước.
Dù cố gắng đến bao nhiêu thì bà con Châu Hội khó có thể khác phục 65ha lúa
Bà Vi Thị Xuyên – Bản Tằn 2 – Châu Hội buồn bã nói: Nhà chỉ có hai mẹ con, nhưng lúa bị vùi lấp hết. Đất thì lấy hết rồi, nước cũng hết rồi, không biết sống bằng gì đây.
Anh Lữ Văn Phương – Trưởng bản Tằn 2 – Châu Hội mong muốn: Có hỗ trợ cứu đói và trao quà cho bà con vùng lũ nhưng cũng không thể đủ sống cho bà con. Chúng tôi chỉ mong muốn cải tạo lại đất hoặc cấp đất chỗ khác để cho bà con sinh sống, sản xuất.
Cây cối bị vùi lấp sau trận lũ quét...
Bản làng trở nên hoang tàn
Không có đất rừng để sản xuất, có chăng chỉ là một ít diện tích được giao bảo vệ, chăm sóc, người dân xã Châu Hội buộc phải tận dụng từng tấc đất bên khe suối để cải tạo ruộng nước. Và để có 1ha ruộng, bà con phải mất đến 2-3 năm, thậm chí nhiều hơn. Tuy nhiên muốn cải tạo thêm cũng không thể, vì quỹ đất không còn. Trong khi đó, sản xuất lúa nước lại bấp bênh và không thể đủ ăn, đừng nói tới chuyện giảm nghèo.
Không chỉ trong thiên tai hoạn nạn, những năm qua, Đảng nhà nước, các cấp chính quyền và cả cộng đồng đã nỗ lực để giúp người dân miền núi xóa đói giảm nghèo. Nhưng hiệu quả không như mong muôn và thiếu tính bền vững. Tỷ lệ nghèo đói ở các huyện miền núi vẫn còn cao. Và chỉ một trần lũ ống, lũ quét..., mọi nỗ lực của cộng đồng đều trở nên vô vọng.
Ông Nguyễn Thanh Hoài – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Thực tế trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho người dân ở khu vực miền núi, nhưng kết quả đạt được trong xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống của người dân còn hạn chế và tôi nghĩ để giải quyết căn cơ vấn đề này phải bắt nguồn từ tư liệu sản xuất. Tức là phải chuyển giao cho người dân đất, cụ thể là đất lâm nghiệp để bà con được làm rừng phù hợp với phong tục tập quán và trình độ sản xuất.
Vốn đã thiếu, nay lại càng tìm không ra đất sản xuất...
Không ai dám chắc rằng sẽ không có những Nậm Giải, Yên Na, Yên Tĩnh, Mường Xén hay Châu Hội trong thời gian tới. Vì thế, nếu vẫn cứ bám lấy khe suối, bám lấy những khoảnh ruộng nhỏ lẽ và thiếu bền vững, liệu người dân nơi đây có thoát nghèo và ổn định. Sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của cộng đồng là quý giá nhưng hôm nay chai dầu, gói mì chính, ngày mai 500 ngàn đồng, liệu hàng ngàn hộ dân trên các triền núi của Nghệ An có thể thoát nghèo?
Tác giả bài viết: Thanh Huyền - Trường Ca