Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đến Sóc Trăng ghé ngôi chùa sặc sỡ nhất Việt Nam

Khi du lịch tới Sóc Trăng, những hình hoa văn màu sắc bắt mắt ở chùa Dơi cứ quyến luyến, níu giữ tâm tưởng chùng chình lại như đang đi giữa bát ngát sông nước nơi đây.

Đến miền Tây thích nhất là vào mùa mưa, để tận hưởng được đúng vị cuộc sống miền sông nước. Nhưng đến Sóc Trăng, có lẽ thích hợp hơn cả là những ngày nắng đẹp

Mảnh đất nơi đây phảng phất chút yên bình, dân dã nhưng cũng ma mị, kỳ bí bởi sự pha trộn của nhiều nền văn hóa đa dạng giữa các dân tộc Hoa – Kinh – Khmer và người Chăm bản địa. Người Sóc Trăng có những tín ngưỡng và phong tục đặc sắc. Nhiều ngôi chùa, trong đó có chùa Dơi với những đặc trưng của các dân tộc tạo nên sự độc đáo trong kiến trúc của mảnh đất này. 

 


Tôi đến chùa Dơi vào một chiều mưa, nằm cách trung tâm khoảng 3km về phía Nam. Trong tiếng Khmer, tên chùa có nghĩa là do phúc đức tạo nên. Chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống, hàng vạn con dơi từ đâu kéo về đây, treo mình trên các cành cây sao và dầu khắp cánh rừng quanh chùa. Cả ngày chúng kiếm ăn đâu không rõ nhưng tới chiều tối đều tập trung về đây ngủ. Có lẽ tên gọi chùa Dơi xuất phát từ chính loài vật hàng ngày vẫn quẩn quanh về đây làm tổ ấy.

Giống dơi quạ to và đen, bay lượn kín khắp bầu trời tạo nên một cảnh tượng độc đáo khó quên. Số lượng dơi ngày một suy giảm do nạn săn bắt lấy thịt. Các vị sư ở đây vẫn ngày ngày tích cực bảo vệ đàn dơi bởi họ cho rằng, đàn dơi chính là phúc lành nhà phật ban cho ngôi chùa. Điều thú vị nữa đó là chùa không bật điện cho tới sáu giờ chiều, để đàn dơi có thể bay về mà không sợ ánh sáng. 

 

Giữa không gian tĩnh mịch của cánh rừng bao quanh càng làm tăng thêmNvẻ huyền bí, u tịch của ngôi chùa.
 

Phủ kín tường nhà và trần nhà là 28 bức tranh kể về câu chuyện sự tích Đức Phật Thích Ca


Đây là ngôi chùa đầu tiên của Sóc Trăng mà tôi đi thăm lần này, nên kiến trúc và hoa văn của chùa không khỏi làm tôi bất ngờ và thích thú. Sáu giờ, đèn bật sáng. Những hoa văn vẽ tay sặc sỡ, trang trí công phu cũng như những bức phù điêu, cột đài điêu khắc đậm chất Ăng – co thể hiện sự hòa đồng của nền văn hóa Việt – Miên. Tường và trần nhà được bao phủ bởi 28 bức tranh kể về câu chuyện sự tích Đức Phật Thích Ca.
 

Cột và các cánh cửa được trang trí hoa văn đặc trưng của văn hóa bản xứ
 

Ngôi chùa được trang trí bởi nhiều hoa văn và màu sắc sặc sỡ, đẹp mắt. Bên trong chùa, các cửa ra vào được bài trí tính toán kỹ lưỡng đảm bảo luôn ngập ánh sáng khắp các gian phòng.
 

Những màu sắc sặc sỡ được dùng để trang trí chùa là tăng thêm nét độc đáo.
 

Phía cạnh chùa chính, là nơi lưu giữ một số hiện vật của vị công tử nổi tiếng miền Tây, Công tử Bạc Liêu.

 

Có rất nhiều góc ảnh xinh xắn vì sự đa sắc của ngôi chùa này.


Rời Sóc Trăng, tôi chọn mang theo mấy gói bánh pía, ít hành tím, loại củ vừa to mập, vỏ vừa bóng vừa tím biếc, được coi là đặc sản miền đất nơi đây, thêm mấy bó ngọn bồn bồn tươi rói. Vậy là đã gói được một vài hương vị Sóc Trăng trong túi để mang theo rồi.
 

Tác giả bài viết: Thùy Dương