Nguy hiểm rình rập từ những cục sạc di động rởm
- 07:48 28-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mổ 4 cục sạc rởm đều thấy nguy hiểm
Đang sử dụng bình thường một thời gian, cục sạc di động được anh B. Sơn (TPHCM) mua tại các cửa hàng vỉa hè bỗng dưng phát nổ, rất may CB chống giật của hệ thống điện kịp thời ngắt điện, nên không xảy ra thêm tình huống nguy hiểm cho chủ nhân của nó.
Cục sạc iPhone "rởm" bị nổ của anh Sơn Bùi
Anh Sơn cho biết: "Sau khi nổ cục sạc và bị giật, mình tháo ra kiểm tra thử bên trong cục sạc này. Thật bất ngờ, cục sạc đó không có các linh kiện cần thiết như cuộc emi chống nhiễu, không có chống áp đầu vào và thậm chí không có cầu chì bảo vệ.... Hơn thế, nó chỉ có một tờ giấy dầu mỏng manh để cách điện giữa cao áp và hạ áp. Khi xảy ra nổ, CB nhảy kịp nên mình không bị giật. Nếu không có CB chắc mình không thể qua khỏi".
5 cục sạc được anh Sơn Bùi mổ cùng lúc
Trước vấn đề này, anh Sơn quyết định "mổ" 5 cục sạc có sẵn trong nhà, gồm 1 sạc zin theo máy và 4 sạc lô anh mua bên ngoài. Khi tháo dở hoàn toàn các cục sạc, anh Sơn cho biết: "4 cục sạc lô đều chứa đựng đầy hiểm nguy, các linh kiện sơ sài, không có chống áp đầu ra, không có cách điện. Những cục sạc dỏm đều sử dụng những linh kiện như tụ điện, điện trở rất dỏm. Nếu sử dụng một thời gian sẽ phát sinh ra chạm chấp và cháy nổ. Trong khi sạc zin theo máy được làm rất tốt, bao gồm cầu chì, VAR, cách điện và chống áp đầu ra...".
Sạc zin với tấm cách điện
Nhìn vào thực tế, anh Sơn đã quyết định vứt bỏ 4 cục sạc lô được mua từ bên ngoài và cảnh báo người dùng, hãy nói không với dòng sạc này.
"Nếu như các bạn quý mạng sống của mình thì ráng mà giữ sạc zin theo máy. Và nếu có nghi ngờ sạc của mình thì không nên vừa sạc vừa sử dụng điện thoại. Nó có thể giết chết bạn bất cứ lúc nào". anh Sơn nhấn mạnh.
Sạc "rởm" sống được bởi tâm lý khách hàng ham rẻ!
Theo nhiều cửa hàng bán linh kiện di động cho biết, sạc rởm có rất nhiều loại, giá cũng tùy nhưng chắc chắn sẽ rẻ hơn rất nhiều so với sạc zin theo máy. Mức giá của sản phẩm sạc rởm chỉ bằng 1/2, 1/3 hoặc thậm chí 1/10 so với giá của sạc zin. Chính lý do đó, nó dễ dàng tiếp cận người dùng hơn, bởi giá mềm và hình thức bên ngoài tương tự nhau.
Bên cạnh đó, theo anh Nguyễn Huy Cảnh, quản lý cửa hàng Huca, ngoài việc đánh đúng tâm lý người dùng về giá, sạc rởm bán được cũng có sự tiếp tay của nhiều cửa hàng làm ăn không đàng hoàng.
Anh Cảnh lý giải, nếu bạn mua một chiếc iPhone 6 cũ 99% chẳng hạn, giá một cửa hàng chào bán 7 triệu đồng bao gồm phụ kiện zin theo máy. Một cửa hàng khác cũng chào bán mẫu tương tự với giá 6,5 triệu đồng, rẻ hơn 500.000 đồng nhưng vẫn đầy đủ các phụ kiện theo máy.
Những cửa hàng này sẽ nói với khách hàng đó là sạc phụ kiện loại 1 và đều sử dụng không khác gì sạc zin. Chính điều này đã tiếp tay cho phụ kiện rởm được tuồn ra thị trường và gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đồng thời, chưa thể biết đó có phải là phụ kiện loại 1 tốt hay chỉ là các phụ kiện ở mức giá thấp hơn.
"Tiền nào của nấy là câu nói không sai dù bất cứ trường hợp nào. Do đó, đừng vì ham rẻ, người dùng cần tỉnh táo, lựa chọn các sản phẩm tốt từ những cửa hàng làm ăn uy tín, tránh tiền mất tật mang". anh Cảnh nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Gia Hưng
Nguồn tin: