Xử lý đúng cách với xe ngập nước
- 15:08 27-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nằm trong số hơn 1.000 xe máy ngập nước tại bãi giữ xe trên đường Nguyễn Siêu (Quận 1, TP HCM), anh Hoàng Quốc, 30 tuổi chia sẻ: “Bây giờ trước mắt chờ chủ bãi giữ xe giải quyết thế nào, cũng không dám khởi động xe sợ ảnh hưởng đến động cơ vì tối qua đến xem thì không thấy chiếc Honda Dream của mình, nước cao quá xe”.
Thợ sửa xe tháo một ống xả bên trong chứa đầy nước.
Tại một Head Honda gần khu vực ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, nhân viên cửa hàng phải làm việc hết công suất vì lượng xe ngập nước đến sửa chữa quá nhiều. Ngồi cạnh chiếc Air Blade phải rã máy hoàn toàn, súc rửa từng bộ phận, Anh Lê Hữu Từ, 35 tuổi, ngụ quận 2 cho biết: “Tối 26/9 đi qua khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh xe chết máy do bị ngập quá nửa. Đang trên đường về đón vợ không còn cách nào khác đành ép xe khởi động nhưng không được, sau đó nhờ bạn đẩy xe về. Sáng nay nghỉ làm, đem xe ra tiệm sửa”.
Xe máy ngập nước khiến động cơ và hệ thống điện bị ảnh hưởng. Mức độ tùy vào tình trạng ngập đến đâu và cách xử lý của chủ xe sau đó. Đối với vùng ngập thấp, xe chết máy do bugi ẩm nước, không phát tia lửa điện làm mồi cho quá trình cháy trong buồng đốt. Thao tác đơn giản là lau chùi bugi, dốc ngược đầu xe cho nước ra khỏi ống xả và khởi động xe trở lại. Sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận khác để xử lý nếu bị ảnh hưởng.
Trường hợp xe ngập sâu và ngâm lâu dưới nước, tuyệt đối không nên ép động cơ khởi động để tránh trường hợp gãy piston, hỏng hệ thống điện do chập mạch. Hoặc động cơ hư hại do không còn dầu bôi trơn đúng chuẩn. Sau đó đưa đến các điểm sửa xe để khắc phục.
Dầu bôi trơn xe máy hòa tan cùng nước thường có màu cà phê sữa. Việc đầu tiên là hút hết dầu trong bình chứa, dùng vòi phun áp suất ép hỗn hợp nước-dầu ra ngoài. Thực hiện tương tự với ống pô xe máy.
Tiến hành tháo rời động cơ để vệ sinh các bộ phận bằng xăng hoặc dung dịch chuyên dụng. Khởi động xe bằng dầu bôi trơn đã qua sử dụng để hòa tan lượng nước còn tồn đọng trong bình. Thực hiện khoảng 2-3 lần để loại bỏ hoàn toàn nước. Những bộ phận bị ngập nặng dưới nước như bugi, lọc gió thường phải thay mới.
Đặc biệt xe máy sử dụng công nghệ phun xăng điện tử, súc rửa kim phun cần được tiến hành để tránh hỏng hóc về sau do tạp chất tích tụ trước đó và sau khi nước xâm nhập vào động cơ. Sau đó kiểm tra hệ thống điện như bộ phận đề, đèn chiếu sáng để xử lý tiếp.
Do khách cố khởi động sau xe chết máy vì ngập nước, nước theo su-páp xâm nhập nặng vào động cơ buộc phải tháo rời các bộ phận để khắc phục.
Tại một điểm sửa xe trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, anh Cường chủ tiệm cho biết đã khắc phục gần 100 xe máy bị chết máy, chủ yếu là do bị vào nước trong suốt buổi sáng nay.
Cũng theo anh này, đối với dòng xe số, việc khắc phục tình trạng vô nước khá nhanh nếu, sau khi chết máy, khách hàng không cố gắng khởi động lại bằng mọi hình thức.
Xe sẽ được dốc ngược về sau cho nước ra hết khỏi ống xả, lau khô bugi hoặc thay mới. Với công đoạn nổ được máy mà không cần thay linh kiện, giá khoảng 30.000 đồng/xe. Với xe bắt buộc phải thay bugi, tổng chi phí là 70.000 đồng. Các trường hợp xe bị ngập quá sâu, nước vào bộ phận lọc gió, người thợ còn phải tháo lọc gió ra làm vệ sinh hoặc thay mới nếu cần thiết.
Đối với những dòng xe tay ga có lọc gió nằm ở giữa, bên dưới cốp xe, buộc người thợ phải tháo toàn bộ cốp, tháo lọc gió để làm vệ sinh. Chi phí để khắc phục những xe này cao hơn, thường từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng, nếu không phải thay lọc gió hay bugi.
Xem thêm ảnh khắc phục xe ngập nước
Những xe ngập lâu tuyệt đối không nổ máy.
Kiểm tra động cơ.
Hút nước lọt vào ống pô.
Kiểm tra hệ dẫn động, dây cu-roa.
Rã cả máy để kiểm tra.
Xúc rửa ống pô ngập nước.
Kiểm tra hệ thống làm mát.
Hệ thống phun nhiên liệu.
Buồng hút khí.
Thay dầu.
Tác giả bài viết: Phạm Trung - Đức Quang