Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phó chủ tịch TP HCM: 'Có cán bộ tiếp dân như giang hồ'

"Có trường hợp cán bộ phòng ban và người dân to tiếng với nhau như giang hồ do dân thì bức xúc mà cán bộ thì thiếu kỹ năng tiếp dân", ông Trần Vĩnh Tuyến nói.
Làm việc với Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân về chỉ số hài lòng của người dân với các cơ quan hành chính, sáng 27/9, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, ngoài việc người dân mong muốn sự minh bạch, quan tâm kết quả giải quyết hồ sơ có đúng hẹn không, họ rất chú ý đến thái độ và kỹ năng tiếp dân của cán bộ.
 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (ngồi) chủ trì buổi làm việc với UBND TP HCM sáng nay. Ảnh: H.P

Có trường hợp bà con rất hài lòng về thái độ tận tụy của cán bộ nhưng lại đánh giá thấp chất lượng hướng dẫn vì "ổng nói nhiều quá mà tôi không hiểu gì hết". Việc này là do cán bộ chưa nắm chắc hồ sơ, thủ tục.

"Cũng đã xảy ra trường hợp cán bộ phòng ban và người dân to tiếng với nhau như giang hồ. Có những việc rất nhỏ nhưng vì thái độ không đúng mực của cán bộ mà làm chuyện bé xé ra to", ông Tuyến nói và cho rằng sự tự tin, lễ độ của cán bộ sẽ khiến người dân dễ chia sẻ, đồng cảm.

"Có thể nhiều vấn đề bà con vẫn chưa thỏa mãn với cách giải quyết do những vướng mắc khách quan nhưng thái độ tiếp dân, kỹ năng giao tiếp của anh em khiến bà con hài lòng. Vì vậy, trước hết, thành phố muốn chấn chỉnh thái độ của cán bộ công chức", ông Tuyến nói thêm.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, thời gian qua các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện thư xin lỗi người dân khi có hồ sơ trễ hẹn, nguyên nhân trễ hẹn và ngày trả kết quả. Một số đơn vị xin lỗi trực tiếp hoặc qua điện thoại, thư điện tử. Hồ sơ trễ hẹn tập trung ở lĩnh vực đất đai, thuế...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc cơ quan công quyền quan tâm đến sự hài lòng của người dân "là mới nhưng thật ra là cũ".

"Mới là thành phố có chương trình cải cách hành chính, trong đó yêu cầu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Cũ vì từ hàng trăm năm trước trong chế độ phong kiến Việt Nam người dân hài lòng với triều đình thì đất nước phát triển, khi người dân không hài lòng thì nông dân khởi nghĩa. Vì vậy cần biết sự hài lòng của người dân để điều chỉnh", ông Nhân nói.

Tác giả bài viết: Trung Sơn