Đến đâu cũng có nhũng nhiễu, vòi vĩnh
- 15:13 26-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng - đã nói vậy về hiện tượng nhũng nhiễu mà ông cho rằng đáng sợ không kém các vụ tham nhũng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao đổi với các đại biểu tại buổi làm việc về phòng, chống tham nhũng, lãng phí sáng 26-9 - Ảnh: Tự Trung
Vấn đề này được ông Trương Hòa Bình nêu lên buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM về công tác phòng, chống tham nhũng sáng 26-9.
Muốn biết về nhũng nhiễu cứ hỏi vợ con
Ông Trương Hòa Bình nói: “Thực sự, cán bộ lãnh đạo ít tiếp xúc trực tiếp các thủ tục nhưng mà ở nhà thì gia đình, vợ con đi làm các thủ tục cũng nghe kêu đầy. Phải chi phí ngoài luồng, đến đâu cũng có nhũng nhiễu, vòi vĩnh”.
Phó thủ tướng thường trực cho rằng phải đánh giá, xem xét kỹ cả việc xử lý vi phạm hành chính. “Cái này cũng có tiêu cực nhũng nhiễu là cưa đôi không lập biên bản… Rồi thuế má cũng vậy, nhiều thứ lắm” - ông Trương Hòa Bình liệt kê.
Ông nói chống tham nhũng không chỉ là đấu tranh ngăn chặn tham nhũng lớn mà còn phải ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh. “Cái này không phải nhỏ, gây bức xúc cho dân” - ông Trương Hòa Bình nói.
Ông Trương Hòa Bình cũng cho rằng cần phải thẳng thắn với nhau là ở nông thôn thì nhũng nhiễu ít hơn thành phố vì đô thị là nơi làm ăn sôi động, nhũng nhiễu, vòi vĩnh cũng vì thế mà phát sinh nhiều.
Với TP.HCM, ông Trương Hòa Bình đề nghị cần đánh giá rõ hơn về tham nhũng lãng phí, phân tích rõ từng nguyên nhân và các giải pháp, đã làm cái gì đạt, hạn chế và hướng tới những giải pháp đột phá.
Phần chìm của tảng băng ở đâu?
Về thống kê tại TP.HCM mỗi năm phát hiện khoảng 10 vụ tham nhũng, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng chuyện này cũng có hai mặt để xem xét. Một mặt là đã làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng, nhưng cũng cần xem là việc phát hiện, điều tra, xử lý làm rõ được hết tham nhũng hay chưa. “Phải chăng là mới phần nổi, còn phần chìm của tác băng thì thế nào?” - ông đặt câu hỏi.
Ông đề nghị TP.HCM cần rà soát kỹ tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực tài chính ngân hàng, đất đai, xây dựng cơ bản, các dự án… Chú ý đánh giá đúng mức nạn nhũng nhiễu.
Ông Trương Hòa Bình cũng nhận định: “Báo cáo của TP.HCM có lẽ chưa đánh giá hết việc nhũng nhiễu bởi tình trạng chi phí ngoài luồng, chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp, người dân chi khi đến cơ quan công quyền vẫn tồn tại”.
Ông nói khi làm việc ở quận 1, ông được báo cáo đây là quận thực hiện rất tốt cải cách hành chính. “Vậy các quận, huyện khác thì sao? Quận 1 đã loại trừ hoàn toàn các chi phí nhũng nhiễu hay chưa. Chúng ta cần đánh giá” - ông Trương Hòa Bình nói.
Đối với vấn đề tiết kiệm, Phó Thủ tướng thường trực cho rằng TP.HCM cần có bước đột phá. Ông Trương Hòa Bình nói: “Ở quận 1 tôi được báo cáo là từ 2007 đến nay tiết kiệm được 850 tỉ, đấy là con số lớn . Con số này tôi cũng nhận định với các đồng chí chưa đúng đâu. Nếu làm tốt tiết kiệm thì con số là vài ngàn tỉ. Rồi TP.HCM mấy chục quận huyện, nếu cũng tiết kiệm như vậy thì con số sẽ là bao nhiêu?” - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nói.
TP.HCM đã thể hiện bản lĩnh trong phòng chống tham nhũng Ông Trương Hòa Bình đánh giá cao kết quả công tác phòng chống tham nhũng của TP.HCM những năm qua. Ông cho rằng Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Ngoài xử lý nghiêm các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của TP, cơ chức năng của TP đã làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo như: Vụ Huỳnh Thị Huyền Như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trị giá 3.982 tỉ đồng; vụ Vũ Quốc Hảo “Tham ô tài sản”, gây thiệt hại 360 tỉ đồng; vụ Lê Thành Công “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” gây thiệt hại 966 tỉ đồng. “Nhất là, TAND TP đã thể hiện bản lĩnh, kiên quyết, công tâm, khách quan trong xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật. Vụ Phạm Công Danh và đồng phạm vừa qua, đáp ứng yêu câu chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng” - ông Trương Hòa Bình đánh giá. |
Tác giả bài viết: Viễn Sự