Cả nhà làm quan 'đúng quy trình': Phình to quyền lực gia đình
- 10:07 26-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Nếu cứ để tình trạng cả họ, cả nhà làm quan “đúng quy trình” thì đến một lúc nào đó quyền lực gia đình sẽ lại lấn át cả quyền lực nhà nước, chẳng cơ quan nào kiểm soát được”, GS.TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói.
►Ông Lê Văn Cuông: ‘Cục trưởng Thuế 'quy hoạch' vợ là cố đấm ăn xôi’?
► Cục trưởng Cục thuế đề nghị quy hoạch vợ làm cục phó
►TS Vũ Ngọc Hoàng: Bổ nhiệm người nhà, nếu đúng cũng chướng
► Người tài, người nhà: Lãnh đạo tốt không nâng đỡ con cháu
► Người tài, người nhà: Điều tiếc nuối của vụ trưởng
► Người tài, người nhà: Mẹ bổ nhiệm con, chồng quy hoạch vợ sao tìm ra người tài?
► Cục trưởng Cục thuế đề nghị quy hoạch vợ làm cục phó
►TS Vũ Ngọc Hoàng: Bổ nhiệm người nhà, nếu đúng cũng chướng
► Người tài, người nhà: Lãnh đạo tốt không nâng đỡ con cháu
► Người tài, người nhà: Điều tiếc nuối của vụ trưởng
► Người tài, người nhà: Mẹ bổ nhiệm con, chồng quy hoạch vợ sao tìm ra người tài?
GS.TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề “cả nhà làm quan”. Ảnh: PV.
Chưa có cơ chế kiểm soát Là người từng có văn bản gửi tới cấp thẩm quyền đề nghị có những đột phá trong việc trọng dụng nhân tài, để chấn hưng, phát triển đất nước, ông đánh giá thế nào về thực trạng “chạy chức, chạy quyền”, bổ nhiệm người thân hiện nay?
Cách đây không lâu, tôi đã có bản kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề xuất những giải pháp về phát triển đất nước. Theo đó, giải pháp đầu tiên cũng là quan trọng nhất mà tôi kiến nghị là phải có ngay những giải pháp đột phá trong việc lựa chọn nhân tài để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm vây cánh, bổ nhiệm những người làm ăn thua lỗ…
Thực tế những năm qua cho thấy, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc hình thành ra cơ chế “chạy chọt” cũng đã chống lại mạnh mẽ việc dung nạp nhân tài. Cứ tình trạng này tiếp diễn thì đến một lúc nào đó vào cơ quan nhà nước sẽ toàn là những người “chạy chọt”, vô cùng nguy hiểm.
Người ta chạy xong thì sẽ tìm cách thu hồi lại vốn, kiếm lời chứ? Thế thì sao mà có được đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, làm sao mà hết được tình trạng tiêu cực nhũng nhiễu được. Bộ máy không có người tài thì làm sao soạn được thể chế tốt để mà đổi mới, thúc đẩy phát triển. Cho nên Nhà nước phải nhanh chóng có một cơ chế trọng dụng nhân tài thì mới dần dần đẩy lùi được thực trạng trên.
Chúng ta vẫn luôn khẳng định, nhân tài là nguyên khí quốc gia, thế sao nay lại bị xếp sau cả “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”, thưa ông?
Nếu nhìn lại lịch sử, nhìn lại hàng chục năm trước đây thì đúng là việc lựa chọn nhân tài là tương đối tốt, bộ máy có rất nhiều người tài. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, lợi ích nhóm nảy sinh, phát triển mạnh… dẫn đến người ta đua nhau mua quan, bán chức, bán biên chế.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả.
Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng được bổ nhiệm gây nhiều tranh cãi, không phải là trường hợp hy hữu.
Không để quyền lực gia đình lấn át quyền lực nhà nước
Thực tế vấn đề kiểm soát quyền lực đã được Đảng đề cập và thực hiện?
Đảng lãnh đạo là rất tốt rồi nhưng rất cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Đảng cũng phải tự đặt mình vào một cơ chế để quyền lực bị kiểm soát, chứ không rất dễ dẫn đến tình trạng, khi xảy ra sai sót thì đổ lỗi cho tập thể.
“Chúng ta mà không sửa đổi quy trình, cứ để tình trạng cả nhà, cả họ làm quan thì khi đó quyền lực gia đình sẽ lấn át cả quyền lực nhà nước, khó mà kiểm soát nổi. Cho nên, Đảng cần phải nghiên cứu và sớm có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên bằng các quy định trong Đảng, quy định của pháp luật”. GS.TS Võ Đại Lược, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướn |
Ngoài ra Đảng và các cơ quan chức năng nhà nước phải bổ sung quy định rõ ràng hơn về việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, cần bổ sung quy định cấm người đứng đầu đơn vị bổ nhiệm con cái vào làm cùng đơn vị hoặc những lĩnh vực, ngành có liên quan. Ví dụ, bố là bí thư, chủ tịch tỉnh thì dứt khoát con cái, anh em ruột thịt không được phép làm giám đốc sở, hoặc bí thư, chủ tịch huyện trên cùng địa bàn… Nếu không quy định như thế thì rất dễ dẫn đến tình trạng, con trình bố ký, thế thì làm sao mà đảm bảo khách quan, làm sao những người khác dám phản biện lại các dự án, đề án mà ông con, ông em lãnh đạo trình…
Các quy định trong Đảng và hệ thống pháp luật cũng phải bổ sung quy định cấm chồng đề bạt, bổ nhiệm vợ. Chúng ta mà không sửa đổi quy trình, cứ để tình trạng cả nhà làm quan “đúng quy trình” thì coi chừng đến một lúc nào đó, quyền lực gia đình sẽ lấn át cả quyền lực nhà nước, khó mà kiểm soát nổi. Cho nên Đảng cần phải nghiên cứu và sớm có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên bằng các quy định trong Đảng, quy định của pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể.
Công khai, minh bạch hồ sơ ứng cử viên
Hệ lụy sẽ ra sao khi tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, bổ nhiệm người thân vẫn cứ diễn ra?
Thế giới hiện nay đang bước sang nền kinh tế trí thức. Trong nền kinh tế đó thì nhân tài chính là yếu tố quyết định. Hiện các nước trên thế giới đang diễn ra một cuộc chiến về trọng dụng nhân tài. Nhiều quốc gia đưa hẳn ra một chiến lược về trọng dụng người tài… Cứ để chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế, chạy đủ mọi thứ như hiện nay thì chẳng bao giờ có chỗ cho người tài. Bên cạnh đó nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ có nguy cơ méo mó, bị các nhóm lợi ích chi phối.
Vậy ngăn chặn tình trạng trên bằng cách nào, thưa ông?
Việc đầu tiên là chúng ta phải thay đổi cách thức đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, khi quy hoạch, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ dứt khoát phải dựa trên thành tích mà người đó đã đạt được trong quá trình học tập hoặc công tác. Thành tích đó phải được công khai minh bạch để nhân dân giám sát, đánh giá là thực chất, có được do năng lực, trí tuệ, sự cần cù hay do “chạy chọt”.
Đối với những người đã từng làm lãnh đạo doanh nghiệp, trước khi bổ nhiệm chức vụ cao hơn thì phải xem lại kết quả kinh doanh trong thời gian làm việc. Nếu doanh nghiệp đó làm ăn có lãi, chấp hành pháp luật, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ cho nhà nước thì bổ nhiệm, ngược lại, làm ăn thua lỗ, vi phạm pháp luật thì phải “trảm”, phải cắt chức.
Thứ hai là phải xây dựng cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm có sự cạnh tranh. Tức là một vị trí có 3- 4 người cạnh tranh với nhau. Những người đó khi cạnh tranh với nhau phải trình bày tất cả hồ sơ, thành tích và dự kiến chương trình hành động để hội đồng thẩm định xem xét ai là người xứng đáng hơn. Chứ nếu mỗi chức quy hoạch chỉ một người thì khó mà trọng dụng được người tài.
Ngoài ra khi đã có cơ chế tuyển rồi thì phải có thêm cơ chế đào thải. Theo đó, vào cơ quan công quyền rồi nhưng sau vài ba năm mà làm việc không hiệu quả thì sẽ bị loại bỏ. Không phải vào công chức là đương nhiên thành công chức suốt đời, bởi như thế nó sẽ làm đông cứng bộ máy.
Cuối cùng, như tôi đã nói ở trên, điều quan trọng nhất là phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả. Việc kêu gọi lãnh đạo không được bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm vây cánh…sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả.
Tình trạng “đúng quy trình” nhưng không đúng người sẽ còn xảy ra. Bởi các quy định của Đảng không cấm, pháp luật cũng không cấm thì chẳng có căn cứ gì để cấm người ta bổ nhiệm người nhà, người thân. Muốn cấm thì phải có cơ chế, quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch.
Cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Văn Kiên (thực hiện)