"Đột nhập" trường cai nghiện game dành cho giới trẻ ở Sài Gòn
- 09:47 26-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trường nội trú IVS thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển võ Vovinam và thể thao nằm trên địa bàn phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, TPHCM. Đây là ngôi trường đầu tiên tại TPHCM nhận các em học sinh là thành phần cá biệt và nghiện game có độ tuổi từ lớp 6 đến hết PTTH.
Trường IVS áp dụng phương pháp rèn luyện giáo dục học sinh theo nề nếp như trong quân đội. Mọi sinh hoạt, học tập của các học sinh tại đây đều phải đi vào khuôn phép, thực hiện đúng quy định nhà trường đã ban hành ra.
Theo thầy Lê Anh, hiệu trưởng trường IVS: "Những học sinh đến học ngôi trường này đều nghiện game nặng, học sinh cá biệt nghịch ngợm không thể trị. Tuy nhiên, những em học sinh hiếu động như vậy lại có nhiều tài năng. Mục đích của chúng tôi muốn uốn nắn các em, giúp các em phát hiện ra tài năng của bản thân và áp dụng vào cuộc sống".
Ở trường nội trú IVS, không chỉ nhận học sinh nam mà còn có cả khu ở dành cho học sinh nữ. Những nữ sinh độ tuổi trung học nhưng lỡ dính vào những trò chơi điện tử không dứt ra được nên phụ huynh phải gửi vào trường.
Nhật Quang (13 tuổi, quê Tiền Giang) là học viên nhỏ nhất trong trường. Từ nhỏ, Quang không biết bố là ai, chỉ sống với mẹ. Mẹ cậu đi làm suốt ngày để nuôi con nên không còn thời gian để chăm sóc và dạy dỗ. Quang theo đám bạn đi chơi game rồi thành nghiện không thể bỏ được. Không còn cách nào khác, mẹ Quang phải gửi con vào trường IVS để giúp cậu bỏ hẳn game để chuyên tâm học hành. Quang tâm sự: "Trước ở nhà em thường dành cả ngày để chơi game, nhưng từ khi vào đây đã bắt đầu bỏ được thói quen, không còn hứng thú với các trò chơi điện tử nữa". Chỉ mới vào trường hơn 1 tháng, Quang đã tự giặt quần áo và chăm sóc bản thân.
Vào trường, việc đầu tiên bắt buộc các học viên là cấm xài điện thoại, laptop và vào internet. Nếu ai vi phạm sẽ bị kỷ luật nặng. Chỉ trừ những trường hợp, các em muốn tìm hiểu một vấn đề thì sẽ được thấy quản sinh trực tiếp mở mạng và giám sát việc làm của các học viên.
"Khi mới vào trường, nhiều em không biết tự tắm cho bản thân chứ chưa nói đến việc tự xếp chăn mền, quần áo. Chúng tôi phải hướng dẫn các em làm mọi việc, quần áo phải thẳng, xếp chăn mền phải vuông vức thì mới xem hoàn thành nhiệm vụ". Thầy Sơn, quản sinh cho biết.
Thời gian nội trú của các học viên tại trường không giống nhau, có người đã hơn 1 năm, cũng có người chỉ mới vào được mấy tháng.
Thời gian biểu trong một ngày ở trường rất nhiều các hoạt động, bắt đầu từ 5h30 sáng cho đến 9h tối khi kết thúc việc học bài.
Mỗi học viên đều có cá tính mạnh, nên đôi khi có xảy ra những cuộc xô xát. Tuy nhiên, qua thời gian dưới sự uốn nắn của các thầy cô, các em bắt đầu thân thiết và biết quan tâm nhau như gia đình.
Những tiết học không chỉ còn giáo viên đọc-học trò chép mà giáo viên chủ động tạo ra những tiết giảng mới mẻ để giúp học viên thích thú. Trong ảnh: Cô giáo đưa ra trò chơi tìm chữ tiếng anh trong thời gian ngắn nhất để các em vừa học vừa chơi lại nhớ kiến thức lâu hơn.
Trong tất cả các phòng ở của học viên đều đặt camera giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng đánh nhau hay có những học viên cố tình bỏ trốn ra ngoài.
Ngoài những tiết học văn hóa, trường còn tổ chức các kỳ học ngoại khóa quân đội với những bài tập cơ bản vừa giúp các em rèn luyện sức khỏe vừa học được tính kỷ luật.
Từ những học sinh cá biệt, nghiện game, bỏ nhà đi chơi thì chỉ sau khoảng 6 tháng ở trong trường các em bắt đầu thay đổi bản thân, không còn nghĩ tới game, biết tự lập và quan tâm tới người khác.
"Học sinh nghiện game, cá biệt hay cá tính mạnh chưa hẳn đã hư. Nguyên nhân chủ yếu là do các em chưa có môi trường và phương pháp đào tạo phù hợp để phát triển bản thân". Thầy Lê Anh cho biết. Hiện nhà trường đang nhận 300 em học sinh đến theo học từ lớp 6-12. Học phí mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng dành cho mỗi học viên.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quang
Nguồn tin: