Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Từ Calisto đến Hữu Thắng

Việc Calisto có mặt ở Việt Nam mấy ngày nay, trong bối cảnh ĐTQG tập trung, ít nhiều gây cảm hứng, và cả những nỗi nhớ về thời “hoa đỏ” ông từng làm được cho bóng đá Việt Nam. Từ Calisto đến Hữu Thắng có “giao điểm” nào?
13/30 cầu thủ ĐTQG tập trung lần này  3 có xuất xứ Nghệ Tĩnh (cũ), và quan trọng, không phải ai trong số họ cũng xuất sắc, khiến dư luận hoài nghi về HLV Nguyễn Hữu Thắng, chuyện “quân anh, quân tôi”...

Song, ít ai biết là cách đây hơn một thập niên, Tiger Cup 2002, HLV Henrique Calisto từng dùng phân nửa đội hình chính là quân giải hạng Nhất.

1. Tài Em, Minh Phương, Trường Giang, Xuân Thành..., được biết đến như ngôi sao hạng A, trong làng bóng đá quốc nội, có giá chuyển nhượng hàng tỷ đồng, là nhờ nấc thang ĐTQG năm 2002, khi HLV Calisto làm thuyền trưởng. Các quyết định triệu tập nhân sự cho ĐT Việt Nam của ông "Tô" vào thời điểm đó, gặp rất nhiều sự phản biện. Nhưng, “phù thuỷ” người Bồ đã chứng minh mình đúng.

Giai đoạn 2000-2002, bóng đá Việt Nam gần như chạm đáy, khi thế hệ vàng đã qua thời đỉnh cao. Những Huỳnh Đức, Văn Sỹ, Huỳnh Hồng Sơn, Công Tuyền được xem là những "Mohican" cuối cùng, trong lòng ĐT Việt Nam tại Tiger Cup 2002. Nhưng chính họ mới là những mắt xích quan trọng, dìu dắt ĐT của những "kẻ" vô danh như Minh Phương, Tài Em, Trường Giang, Trung Tuấn, Quang Trãi..., đoạt HCĐ tại giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cúp).

HLV Calisto được ví là phù thuỷ, nhờ tài điều binh khiển tướng, thay đổi cục diện trận đấu và giải đấu. Kỹ năng đặc biệt của ông "Tô" là đọc trận đấu, còn sở trường là làm tâm lý chiến. V-League 2005, 2006, ĐTLA lên ngôi vô địch 2 năm liền, đồng thời luôn có huy chương trước và vài năm sau đó, là nhờ các cú nước rút thần tốc ở giai đoạn lượt về, khi "Gạch, được huấn luyện bởi Calisto.

Ông "Tô" là người giỏi phát hiện hiền tài, và quan trọng hơn, ông cho họ các cơ hội thể hiện bản thân. Phù thuỷ người Bồ có thể biến những công nhân đá bóng như Lý Lâm Huy, Lưu Minh Trí, Võ Phi Thường..., trở thành nhà vô địch V-League. Và cho đến bây giờ, ông là HLV duy nhất giúp bóng đá Việt Nam trở thành nhà vô địch khu vực. Bóng đá với Henrique Caliso đơn thuần là thành tích. Hậu bối Nguyễn Hữu Thắng, vẻ như cũng thuộc tuýp người này.

2. Sự nghiệp huấn luyện, HLV Hữu Thắng từng cầm U20 Việt Nam, đưa Hà Nội T&T từ vị trí đội sổ sau lượt đi V-League 2009, cán đích ở vị trí thứ 4 chung cuộc, nhưng đỉnh cao phải là chức vô địch V-League 2011. Nếu có thể gặt hái thành công cùng ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2016, Hữu Thắng sẽ có bản CV hoàn hảo, chẳng thua gì ông "Tô", đương nhiên là số 1 Việt Nam.

Bóng đá, tất nhiên, không có khái niệm bất chiến mà thành. HLV Hữu Thắng sẽ phải lao động cật lực, cố gắng hết sức bình sinh và đồng thời cầu nguyện vận may sẽ mỉm cười, để giành chiến thắng. Bóng đá Việt Nam, thẳng thắn mà nói, đang yếu đi.

Trở lại với mối quan hệ giữa HLV Calisto và Nguyễn Hữu Thắng. Điểm chung giữa họ, nếu có, đấy là sự dũng cảm, tin tưởng và bảo vệ học trò đến cuối cùng. Điều này có thể mang đầy tác dụng phụ, nhưng ở chiều ngược lại, cầu thủ sẽ chiến đấu vì thầy. Nếu đội bóng thua cuộc, đấy là giới hạn năng lực, ngoài ra, không có nguyên nhân khác?!

Năm 2010, khi ĐT Việt Nam bước vào kỳ AFF Cup trên sân nhà với tư cách là những nhà đương kim vô địch, nhưng ĐT Việt Nam của ông "Tô" lại bất ngờ thua Philippines 0-2 ở vòng bảng, trước khi phải cần rất nhiều nỗ lực và mắn, để vượt qua vòng bảng, vào bán kết. Nhưng sau khi chúng ta thua Malaysia chung cuộc tại bán kết, vì cả các lý do chuyên môn và ngoài chuyên môn, phù thuỷ Calisto quyết định dừng lại và không bao giờ trở lại Việt Nam tiếp tục nghiệp huấn luyện nữa.

Ông "Tô" hiểu tường tận giới hạn của nền bóng đá, và cả những tồn tại, đồng thời ông còn là một người thức thời. Về điểm ưu, Hữu Thắng quả khó so sánh, nhưng thuận lợi với thuyền trưởng người Nghệ An, đấy là ông từng trưởng thành và thành công trong lòng bóng đá Việt Nam. Và chúng ta tin tưởng rằng, ông Thắng biết rõ mình đang làm gì và như thế nào, ngay cả việc ông gọi học trò ruột, cũng là có lý do. Bóng đá Việt Nam, một mất mười ngờ.

 

Tác giả bài viết: Tùy Phong