Hé lộ các cuộc gặp bí mật giữa cựu giới chức Mỹ-Triều
- 10:04 25-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mỹ và Triều Tiên hiếm khi đối thoại chính thức với nhau và sự tiếp xúc song phương thường giới hạn ở những màn chỉ trích công khai.
Một nhà ngoại giao Triều Tiên nói Đại sứ Mỹ ở Seoul là "một kẻ điên, côn đồ". Còn Tổng thống Barack Obama mô tả trước Liên Hợp Quốc rằng, Triều Tiên là "vùng đất chết" so với Hàn Quốc.
Triều Tiên đang theo đuổi tham vọng hạt nhân rất quyết liệt. (Ảnh: AP)
Nhưng ở phía sau hậu trường, đôi khi là bí mật, một nhóm nhỏ các cựu quan chức tình báo và ngoại giao Mỹ thường xuyên gặp gỡ giới chức cấp cao của Triều Tiên.
Họ ngồi lại với nhau ở Singapore, Berlin, Bắc Kinh hoặc một nơi nào đó, thảo luận về mọi thứ, từ chi tiết chương trình hạt nhân của Triều Tiên cho đến lo lắng về tác động của cấm vận thương mại quốc tế lên Bình Nhưỡng. Họ nói về những quan ngại an ninh ngày càng gia tăng ở Washington, Seoul và Tokyo, cả về thời gian các cuộc thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tuy không hẳn là ngoại giao nhưng các cuộc gặp thường rất kín kẽ.
"Người Triều Tiên hiểu rằng chúng tôi không còn đại diện cho Chính phủ Mỹ nữa. Vì vậy, đôi khi chúng tôi có thể nêu những vấn đề mà Chính phủ Mỹ không thể nêu", hãng tin AP dẫn lời Leon V. Sigal, cựu quan chức chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và là một nhân tố then chốt trong tiến trình đối thoại thường gọi là Track 2.
"Tôi có thể nói với họ: Đây là lý do Chính phủ Mỹ đang làm điều này. Và điều tra, rồi nói với họ: Xem này, những gì các ông đang làm sẽ không mang lại hiệu quả".
Dường như cuối năm ngoái, hai bên đã bí mật tổ chức một loạt cuộc đối thoại nhưng không đạt kết quả. Kể từ đó, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và một loạt tên lửa, xây dựng kho vũ khí ngày càng tinh vi. Và vẫn không có một sự liên lạc trực tiếp nào được biết đến giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Các cuộc đối thoại Track 2 thường là giữa hai nước đối địch, và trường hợp của Mỹ - Triều thì chúng được coi là một phần quan trọng của quan hệ song phương.
Với phe chỉ trích, gặp gỡ Track 2 với Triều Tiên chỉ là phí thời gian. Nhưng với những người như John Delury, giáo sư trường Đại học Yonsei ở Seoul, do tiếp xúc giữa Mỹ và Triều Tiên không tồn tại nên Track 2 đã trở thành "phần giữ chỗ" cho các cuộc thảo luận giữa chính phủ với chính phủ. Các cuộc đối thoại không chính thức là "một cách để người Triều Tiên phát đi những thông điệp gián tiếp".
Nhiều năm chứng kiến các thỏa thuận đổ vỡ, nhiều quốc gia hiện nay không còn tin tưởng vào Bình Nhưỡng khi đàm phán. Các quan chức Mỹ cũng không muốn chấp nhận đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Tác giả bài viết: Thanh Hảo