Làm công cho nước ngoài, muôn đời chậm tiến
- 08:23 25-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tỏ ra “ăn nên làm ra” ở Việt Nam còn doanh nghiệp (DN) “nội” lại cho thấy một bộ mặt trái ngược. Teo tóp, nguy cơ bị thâu tóm và có nguy cơ mất vị trí chủ lực trên chính sân nhà. Nhưng các DN FDI không phải là lực lượng đóng góp lớn nhất vào sự phát triển kinh tế mà DN Việt mới chính là người làm được điều đó.
Khi DN nội “teo tóp”
“Rất mệt mỏi! 10 năm nay giờ chúng tôi mới thấy khó khăn như thế”- Giám đốc một DN may than thở.
Vị này tâm sự: “Chi phí tăng cao, riêng chính sách tỷ giá đã làm hàng hóa của chúng tôi đắt hơn từ 10-16% so với các nước khác, còn lãi suất vay quá cao, 8-10%, gấp 2-3 lần với các nước cùng cạnh tranh khác làm chi phí tăng, điều này làm hàng hóa đắt từ 2-4% so với các nước… Cùng với chi phí cho lao động liên tục tăng, bất kể năng suất lao động không tăng tương ứng đã làm cho hàng hóa của chúng tôi đắt hơn 20-30%. Như thế không thể cạnh tranh được với các nước khác.”
“Rất mệt mỏi! 10 năm nay giờ chúng tôi mới thấy khó khăn như thế”- Giám đốc một DN may than thở.
Vị này tâm sự: “Chi phí tăng cao, riêng chính sách tỷ giá đã làm hàng hóa của chúng tôi đắt hơn từ 10-16% so với các nước khác, còn lãi suất vay quá cao, 8-10%, gấp 2-3 lần với các nước cùng cạnh tranh khác làm chi phí tăng, điều này làm hàng hóa đắt từ 2-4% so với các nước… Cùng với chi phí cho lao động liên tục tăng, bất kể năng suất lao động không tăng tương ứng đã làm cho hàng hóa của chúng tôi đắt hơn 20-30%. Như thế không thể cạnh tranh được với các nước khác.”
Nhiều DN Việt đang cố gắng vượt khó để vươn lên. Ảnh minh họa: L.Bằng
Ngoài ra, vị giám đốc này cũng cho biết: Chúng tôi đi đâu là thấy DN FDI đi đến đó. Họ cạnh tranh từ mặt bằng nhà xưởng, cho đến lao động, có cảm giác lãnh đạo tỉnh, huyện cứ thấy DN nước ngoài đến là thích hơn DN nội. Trong khi đó, DN như chúng tôi đóng góp thuế thường nhiều hơn DN ngoại cùng quy mô.
Tình cảnh của DN kể trên không phải là chuyện lạ. Nhiều năm nay, câu chuyện DN nội cứ teo tóp trong khi DN ngoại ngày càng bành trướng là điều có thật. Số DN phá sản, giải thể mỗi năm ngày một tăng chứng minh cho điều đó.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012 tổng số DN dừng hoạt động và giải thể gần 55 nghìn DN. Năm 2013, con số này tăng lên hơn 60 nghìn DN. Năm 2014 tăng tiếp lên gần 68 nghìn DN. Và con số của năm 2015 lên đến trên 80 nghìn DN “khai tử”.
Với DN “khai sinh”, hàng năm con số này vẫn tăng cao hơn số phải giải thể. Thế nhưng theo báo cáo thường niên DN 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, quy mô DN Việt ngày càng nhỏ.
Đơn cử, lao động bình quân trong DN đã giảm từ 49 lao động năm 2007 xuống chỉ còn 29 lao động năm 2015, tương ứng với quy mô của một DN nhỏ. Điều này phù hợp với thực tế là tỷ trọng các DN nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng và nguy cơ Việt Nam tiếp tục thiếu các DN cỡ trung bình đã trở thành hiện hữu.
VCCI đánh giá: Dù số lượng DN thành lập mới hàng năm vẫn cao hơn số lượng DN phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, nhưng khoảng cách này ngày càng thu hẹp dần. Kết quả này một mặt cho thấy sự khó khăn mà các DN đang gặp phải trong giai đoạn 2011-2015, mặt khác cũng là dịp để các DN tái cấu trúc, loại bỏ những DN yếu kém trong nền kinh tế, hướng tới một nền kinh tế phát triển với chất lượng tốt hơn.
Đáng chú ý, nếu giai đoạn 2007-2011 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về số lượng DN hoạt động, với tốc độ bình quân trên 20%/năm, thì trong giai đoạn 2012-2015, tốc độ tăng trưởng DN đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 7,7%/năm.
Xây dựng lực lượng DN dân tộc
Trái ngược với bức tranh “ảm đạm” của DN nội, là một hình ảnh “sung mãn” của khối FDI. Hiện nay, số DN FDI trong nền kinh tế là khoảng 12 nghìn DN, so với tổng số khoảng 500.000 DN đang hoạt động trong nước, số lượng DN FDI là rất khiêm tốn. Thế nhưng, khối FDI lại đang chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và liên tục xuất siêu.
Nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như ô tô, bán lẻ, logistics, điện tử… đang là “lãnh địa” của khối DN này.
Người Việt đang chịu phận làm thuê cho các doanh nghiệp ngoại. Ảnh: Thái Bình
Dù nắm thị phần lớn, nhưng đóng góp của khối này cho nền kinh tế lại không tương xứng, thậm chí chứa đầy nghịch lý.
Theo VCCI, trong ba loại hình DN, các DN FDI có tỷ lệ DN thua lỗ vẫn luôn cao nhất, có những thời điểm lên đến 51,2% năm 2008 hay 49,8% năm 2009. Tỷ lệ này đang giảm do Chính phủ đẩy mạnh công tác chống chuyển giá.
Việc kinh doanh gặp phải thua lỗ là chuyện bình thường, nhưng tỷ lệ các DN FDI thua lỗ cao khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự thật của việc thua lỗ, khi mà các DN FDI vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Trong những nghiên cứu chuyên sâu của mình, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng đã chỉ ra khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài có lan tỏa tới thu nhập thấp nhất.
Ví dụ, từ năm 2005-2013 tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng lên nhanh chóng từ 57% năm 2005 tăng lên 67% trong năm 2013, nhưng thật ngạc nhiên tỷ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại không tăng lên đang kể (chỉ tăng 4,3 điểm phần trăm, từ 15,2% năm 2005 và 19,5% năm 2013).
Những điều này, theo TS Bùi Trinh, đến nay vẫn không khác gì. Thế nhưng, trên thực tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư của khu vực Nhà nước vẫn tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi hơn so với đầu tư của khu vực tư nhân. Đấy là chưa nói đến sự đối xử thiếu bình đẳng so với khu vực FDI và DNNN cũng như vô vàn những trở ngại, nhiêu khê về mặt thủ tục hành chính cũng như các chi phí không chính thức.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Hiện tại các DN FDI đang chiếm một vai trò rất quan trọng trong xuất khẩu, chiếm khoảng 70% kim ngạch. Việc đó sẽ tiếp tục trong những năm tới. Nhưng Việt Nam phải tự lực cánh sinh, không thể dựa quá nhiều vào FDI được, phải dựa vào DN nội. Bởi vì FDI đến Việt Nam rồi lại đi. Nếu không tận dụng được chuyển giao công nghệ, suốt đời mình chỉ đi làm công thôi.
“Ít nhất trong 10 năm tới, Việt Nam phải tự lực cánh sinh. Ngay cả xuất khẩu cũng vậy. Các DN nội địa phải chiếm trên 50%”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: Đó là điều quan trọng. Nếu chỉ làm công cho nước ngoài thì đến muôn đời chỉ chậm tiến mà thôi.
Tác giả bài viết: Lương Bằng