Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trả được gần 10.000 USD nợ với kế hoạch 365 ngày không mua sắm

Cuộc khủng hoảng 2008 khiến Andrel Harris mất việc, ngập trong nợ vì vừa vay tiền xây nhà và phải sống qua ngày nhờ thẻ tín dụng.

"Tôi nhớ từng thấy bà nội cắt đôi thẻ tín dụng. Chính xác là khi ấy, bà đã nói với tôi: 'Đừng có dây vào đám rắc rối này'", Andrel Harris (35 tuổi, Bắc Carolina) cho biết trên Forbes.

Ký ức đó đã khiến Andrel luôn tránh xa các loại thẻ tín dụng. Năm 2001, cô bắt đầu theo học một trường dạy trang điểm - làm tóc tại Greensboro, Bắc Carolina. 3 năm sau, cô đã có việc làm tại một công ty trong Fortune 500 (500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Mỹ).

"Ở tuổi 23, tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn các bạn đồng trang lứa, và còn không cần bằng đại học nữa chứ. Quá tốt! Tôi sống thoải mái với thu nhập của mình. Đến mức tôi cảm thấy chẳng cần tham gia các bài thi về tay nghề sau khi tốt nghiệp nữa. Tôi bắt đầu mua những gì mình muốn và mở tài khoản tiết kiệm khi về hưu", cô nói.

Công ty Andrel làm việc có dịch vụ làm thẻ tín dụng cho nhân viên. Nhưng trong khi bạn bè và gia đình đều khuyến khích cô làm một chiếc, Andrel vẫn từ chối.

"Ai cũng nói thẻ đó sẽ làm tăng điểm tín dụng và có thể dùng khi khẩn cấp. Nhưng chẳng ai khuyên tôi nên có một quỹ dự phòng", cô nói.

 

Andrel Harris từng mắc nợ gần 10.000 USD vì cuộc khủng hoảng 2008. Ảnh: Andrel Harris


Và năm 2006, ở tuổi 25, Andrel cuối cùng cũng làm thẻ. Cô chỉ dùng nó cho các khoản chi nhỏ, trả hết đúng hạn mỗi tháng để tăng điểm tín dụng. Trong một thời gian dài, mọi việc đều rất suôn sẻ. Nhưng đến năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến Andrel ngập trong nợ.

Đầu năm 2008, cô vừa xây xong căn nhà đầu tiên và trang hoàng nó bằng tiền đi vay. Kế hoạch là trả hết toàn bộ trong thời gian nhanh nhất có thể.

"Đây là bài học đáng giá về cái gì nên và không nên làm. Công ty tôi sa thải bớt nhân sự, và tôi là một trong số đó. May mắn là vài tháng sau, tôi đã có việc mới. Nhưng vì thu nhập chỉ còn một nửa, tôi đã phải dựa vào thẻ tín dụng để sống qua ngày", cô kể lại.

Khối nợ ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của Andrel. Cô phải rút hết tiền trong tài khoản lương hưu và tiết kiệm, đồng thời dùng đến thẻ tín dụng. Sau khi mở thêm 2 thẻ nữa, khối nợ của cô như sau: American Express - hơn 655 USD, Wells Fargo - hơn 5.100 USD, Capital One - hơn 776 USD, vay cá nhân - hơn 3.000 USD. Và tổng nợ của cô là gần 9.600 USD.

Một ngày, khi đang lái xe về nhà, Andrel chợt nhận ra cô cần một kế hoạch nghiêm túc để thoát khỏi nợ nần và tìm lại sự ổn định tài chính. Cô đã buộc bản thân vào một thử thách ngừng chi tiêu.  

1. Giảm chi phí

"Chiến lược của tôi là ngay lập tức cắt giảm các chi phí không cần thiết mỗi tháng. Ví dụ, tôi không xem truyền hình cáp nữa, tận dụng chính sách hỗ trợ điện thoại của cơ quan, theo dõi việc sử dụng điện trong nhà, gọi công ty bảo hiểm ôtô và đàm phán mức thấp hơn".

2. Tăng thu nhập

Giữa năm 2009, Andrel hoàn thành bài thi năng lực làm đẹp, giúp cô có chứng chỉ cần thiết để hành nghề. "Tôi nhận ra rằng lúc nào mình cũng phải có phương án B", cô cho biết. Tháng 9/2013, cô làm việc bán thời gian tại một salon, nhằm tăng thêm thu nhập. Cô dành hết lương từ công việc này để trả nợ và lập quỹ khẩn cấp mới.

3. Thử thách ngừng mua sắm

"Vì tôi rất thích shopping, đặc biệt là giày, tôi đã phải thuyết phục bản thân rằng sẽ không mua bốc đồng thế nữa. Quy tắc là không mua sắm gì cả. Không quần áo, giày dép hay phụ kiện các loại. Khi cần chưng diện, tôi có thể tự làm móng, làm tóc. Tôi cũng hủy tất cả kế hoạch nghỉ mát và ăn ngoài trong thời điểm này".

Andrel ngừng mua sắm từ ngày 17/8/2013 và thoát nợ ngày 8/8/2014. Cô hoàn tất thử thách ngày 17/8/2014. Thời điểm đó, cô không đi chơi, không ăn ngoài, không mua sắm cho bản thân (dĩ nhiên là trừ chi phí nhu yếu phẩm và thực phẩm), cô còn làm thêm để kiếm tiền nữa.

Hiện tại, cô vẫn làm đồng thời nhiều việc. Andrel cho biết cô đã học được tầm quan trọng của việc không để bản thân mình dễ tổn thương. Đó là lý do cô luôn có một công việc ngoài, hoặc thậm chí là 2.

Bài học lớn nhất là Andrel rút ra được là sự khác biệt giữa "nhu cầu" và "mong muốn". Cô thấy rằng thoát nợ, lập quỹ dự phòng và đầu tư nên đứng cao hơn trong danh sách ưu tiên so với việc mua những thứ để "thỏa mãn sở thích tạm thời".

"Tôi có thể nói rằng giờ tôi còn gặt hái được nhiều hơn nhờ hy sinh một chút lúc đó. Sự hy sinh ngắn hạn sẽ đưa bạn đến thành công dài hạn", cô nói.

Ngừng mua sắm suốt một năm cũng khiến Andrel không còn nhu cầu chạy theo mốt nữa. Tại công ty, các đồng nghiệp thường trêu chọc về những chiếc giày lỗi mốt của Andrel. Nhưng cô chẳng quan tâm vì đã nói cho họ biết về kế hoạch của mình. Mục đích là có thêm động lực và sự ủng hộ cho bản thân.

Từ việc không dùng thẻ tín dụng vì sợ, rồi ngập trong nợ và bị sa thải năm 2008, Andrel đã mắc rất nhiều sai lầm tài chính và thoát ra thành công. Giờ cô không còn nợ nần, có các khoản đầu tư ổn định và có nhiều khoản thu nhập.

"Tôi nhận ra rằng mình còn thiếu nhiều kỹ năng tài chính quá. Có những thứ ở trường chẳng dạy bao giờ. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi muốn trở thành người giáo dục về tài chính và tạo ra nhiều công cụ giúp đào tạo mọi người về tài chính cá nhân", cô nói.

Giờ Andrel đã có bằng chứng nhận về đào tạo tài chính. Tức là cô lại thêm nghề tay trái nữa. Từ khi thoát nợ nần, cô đã học thêm rất nhiều và chia sẻ kiến thức với những người cần giúp đỡ. "Đây có lẽ là phần thưởng lớn nhất của tôi - thấy mọi người bắt đầu thay đổi để cải thiện tài chính bản thân", cô nói.

Tác giả bài viết: Hà Thu