GS Trần Văn Nhung: Học tiếng Anh trong nước không khá được
- 11:15 24-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới đây, GS Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước - chia sẻ bức thư gửi Bộ Chính trị về việc đề xuất dạy và học tiếng Anh.
GS Nhung cho biết bài viết được đăng tải trong bối cảnh chủ trương học ngoại ngữ đang được bàn luận sôi nổi.
Tiếng Anh phải là ngoại ngữ thứ nhất
"Tôi xin đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư xem xét, nghiên cứu để sớm có được một chỉ thị hay nghị quyết để tăng cường việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam, tương tự như Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển Công nghệ Thông tin", GS Trần Văn Nhung viết.
Là nhà giáo, ông nói từng tự học tiếng Anh ở trong nước nhưng kết quả là "rất khó khăn, không tự tin và không thể khá lên được".
Từ nhìn nhận thực tế, việc sử dụng tiếng Anh của người Việt trở thành rào cản không nhỏ với tốc độ hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước, GS Nhung đưa ra công thức trong thời kỳ toàn cầu hóa: Công nghệ thông tin + tiếng Anh + bộ óc tốt = tất cả.
Theo GS Trần Văn Nhung, việc cấp thiết cần làm cho tốt là đề án "Dạy và học ngoại ngữ từ năm 2008-2020".
Trong đó, nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh không nên quên các ngoại ngữ khác. Nhưng ngày nay, những công dân toàn cầu phải sử dụng tối ưu thời gian sống và làm việc của họ.
Vì vậy, theo GS Nhung, tiếng Anh phải là ngoại ngữ thứ nhất, cần được chú trọng, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác. Nhiều nước cũng coi tiếng Anh là ngoại ngữ số một.
GS Trần Văn Nhung. Ảnh: NVCC.
Bài học từ Singapore và Malaysia
Trong thư, GS Trần Văn Nhung tập trung phân tích để tham khảo và so sánh cách học tiếng Anh của Singapore và Malaysia.
Đối với Singapore, ông Lý Quang Diệu đã đưa quốc gia này từ một làng chài nghèo phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn. Lý do, Thủ tướng Lý Quang Diệu ngay từ đầu đã xác định không có tài nguyên, đất nước phải đi lên bằng cái đầu, nguồn nhân lực và tài năng.
Trong đó, tiếng Anh được chú trọng phát triển. Singapore có ba nhóm người chính là Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Họ vẫn duy trì tiếng nói, văn hoá và bản sắc của mình nhưng ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong hành chính và giáo dục là tiếng Anh.
"Trong suốt 20 năm đầu mới thành lập nhà nước Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này dùng luôn sách giáo khoa phổ thông của nước Anh, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Đây có lẽ là cách nhanh, khoa học, tiết kiệm nhất để hiện đại hóa nền giáo dục", ông Nhung phân tích.
Những trường đại học hàng đầu của Singapore như NUS hay NTU cũng sử dụng luôn sách giáo khoa và sách tham khảo, áp dụng việc thi cử từ các trường ĐH hàng đầu thế giới như: Harvard, MIT (của Mỹ) và Cambridge, Oxford (của Anh).
Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tổng kết bài học của Singapore: "Chỉ có một cách để không bị tụt hậu là phải giỏi tiếng Anh. Việc lựa chọn tiếng Anh đóng vai trò như ngôn ngữ làm việc, giúp ngăn chặn nảy sinh xung đột sắc tộc, đem lại ưu thế cạnh tranh".
"Hiện nay, trên 20% số sinh viên trên đất Singapore là người nước ngoài. Họ đến đây học tự túc hoặc có học bổng. Nhưng sau khi tốt nghiệp, có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ, họ ở lại làm việc cho Singapore để trả nợ. Như vậy, họ không chỉ biết khai thác trí tuệ của 5 hay 6 triệu người của mình mà cả hàng triệu người nước ngoài", GS Nhung dẫn chứng.
Ông cũng kể lại câu chuyện của Malaysia chủ trương dùng tiếng Malay là chủ yếu. Kết quả, nhiều học sinh, sinh viên nước này bỏ ra nước ngoài học, khiến mỗi năm bị chảy máu ngoại tệ nhiều tỷ USD và chất lượng đại học đi xuống.
Cách đây ít năm, sau 22 năm làm thủ tướng, ông Mahathir Mohamad đã rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá về giáo dục. Ông yêu cầu mọi người Mã Lai hãy trở lại với tiếng Anh và cá nhân ông gương mẫu học trước.
Tác giả bài viết: Quyên Quyên
Nguồn tin: