Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tự tạo cơ hội: Thuần chủng heo rừng

Ông Trần Văn Hiến đã bước đầu thành công nhờ thuần chủng đàn heo rừng tự nhiên với số lượng lớn.

Ông Hiến bên bầy heo rừng giống. Ảnh: Tuy An
 
Năm 2010, cùng với phong trào nuôi heo rừng của nhiều người dân địa phương, ông Hiến (50 tuổi, ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, H.Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) vào miền Nam mua 10 con heo rừng giống về nuôi. Tuy nhiên sau đó, ông nhận thấy giống heo này thịt không săn chắc, mỡ nhiều, khách hàng chê nên ông thải hết. Với kinh nghiệm sống ở miền núi nhiều năm, ông nghĩ, sao thịt heo rừng ngon mà thịt heo rừng nuôi không ngon bằng. Một hôm, ông tình cờ gặp một người ở xã kề bên bẫy được 4 con heo rừng, trong đó có 3 con cái 1 con đực, ông quyết định mua với giá 20 triệu đồng về làm giống.

Quây lưới, thả rông 4 con giống trên ngọn đồi gần nhà, ông thấy heo phát triển tốt và hơn một năm sau sinh sản những lứa đầu tiên. Để không bị trùng gien, ông Hiến tiếp tục mua 1 con heo đực rừng từ xã khác với giá 15 triệu đồng về phối giống. Từ ngày heo sinh sản phát triển, ông đầu tư chuồng trại khang trang hơn. Sau hơn 4 năm, trang trại của ông hiện có 40 con heo sinh sản, 6 con heo đực, khoảng 200 heo con và heo thịt.

Trang trại của ông nằm trên ngọn đồi keo, bạch đàn rộng 2 ha. Trước kia ông chỉ quây lưới B40 xung quanh rồi thả heo. Tuy nhiên, cách làm này không đảm bảo nhiều mặt nên năm ngoái ông đầu tư lại chuồng trại, phân loại heo theo từng khu vực. Dưới chân ngọn đồi, ông xây các dãy chuồng dành cho heo đực, heo có mang, heo sinh sản ở. Trong mỗi ô dành cho heo sinh sản, ông chia làm 2 ngăn chứa 1 mẹ và 1 đàn con, ngăn cho heo mẹ diện tích 2/3, ngăn còn lại có lỗ nhỏ cho heo con ra vào. Mục đích ngăn ô là khi cho ăn, heo mẹ không giành được phần của con. Theo ông Hiến, mỗi con nái một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 5 - 10 con. Sau sinh nuôi con chừng 2 tháng, ông thả heo con riêng theo từng ô quây lưới lên đồi rồi cho heo mẹ ra khu riêng để nằm bùn, dưỡng sức.

Trang trại của ông sạch sẽ, không mùi vì ông xử lý phân khô và không cho heo nằm nước trong chuồng. Nguồn phân khô ủ kỹ để bón cỏ. Dự kiến sắp tới ông sẽ tận dụng để nuôi trùn quế. Để đủ thức ăn cho heo, ông trồng cỏ voi, rau muống, bắp và thu thêm nguồn rau củ loại, cám gạo ở các chợ trong vùng. Mùa mưa thì dùng nước mạch tự nhiên bên đồi, mùa nắng thì nước bơm. Nhờ chăm kỹ mà đàn heo lớn phát triển nhanh.

Những năm đầu, ông bán heo giống với giá 250.000 đồng/kg, hiện nay còn 180.000 đồng/kg. Ngoài bán giống, lượng heo thịt của ông cung cấp sỉ và lẻ cũng không ít. Ông cho biết mấy năm đầu ông phải đến các nhà hàng ở các tỉnh tiếp thị với lời cam đoan “nếu thịt không ngon thì tôi sẵn sàng chở heo về và đền tiền gấp đôi”. Theo ông, sở dĩ heo nuôi có chất lượng thịt tốt vì ông đã đảm bảo 3 điều kiện sau: giống rừng chuẩn 100%; nuôi trên đồi cao rộng nên heo sống như trong môi trường tự nhiên; không dùng thức ăn tăng trọng mà cho ăn thức ăn bình thường. Do chất lượng được khách tin tưởng nên hiện nay, bạn hàng đã đến tận nhà bắt heo đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành mà nhiều nhất là Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên và TP.HCM. Hiện giá heo hơi ông bán 150.000 đồng/kg, heo thịt loại thành phẩm đóng gói đông lạnh có nhãn hiệu giá 280.000 đồng/kg.

Bước đầu thành công, ông chia sẻ mình đang đầu tư một cơ sở nuôi mới sau nhà để thả thêm heo thịt. Với lượng heo thịt bán ra đều đều hằng ngày (có lúc không có heo để bán), trừ những dịp lễ tết, mỗi năm thu nhập bình quân khoảng 350 triệu đồng. Bạn đọc có nhu cầu xin liên hệ số điện thoại 01655412113 để gặp chủ trang trại.

Tác giả bài viết: Tuy An