Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chọn ngoại ngữ nào không thể dựa trên 'ý muốn nhất thời'

"Sự lựa chọn phải dựa trên yêu cầu phát triển lâu dài của đất nước, ý nguyện của người học, thái độ, cách nhìn bình tĩnh, khách quan và công bằng, và không có động cơ gắn với quyền lợi cá nhân", thầy giáo Nguyễn Phương chia sẻ.

Trước những ý kiến trái chiều về việc thí điểm tiếng Trung và tiếng Nga, thầy giáo về hưu Nguyễn Phương đã có bài viết gửi VnExpress.  

Lựa chọn ngoại ngữ phải căn cứ vào đâu?

Lý tưởng là học tất cả thứ tiếng Việt Nam có quan hệ ngoại giao. Nhưng đây là thú chơi vô cùng xa xỉ chẳng quốc gia nào làm được! Do vậy, ta phải chọn.

Ngoại ngữ nào ích nước, lợi dân thì chúng ta hãy cố gắng dạy và học ngoại ngữ đó cho thật tốt, cho dù đó là tiếng của một bộ lạc thổ dân ở châu lục xa xôi.

Một số ít người, xuất phát từ những động cơ và cảm xúc riêng, vẫn hoài công tranh cãi cố tìm cách chứng minh rằng ngoại ngữ này là quan trọng hay ngoại ngữ kia kém quan trọng, đôi khi dẫn đến đố kỵ.

Sự lựa chọn phải dựa trên cơ sở yêu cầu phát triển lâu dài của đất nước, ý nguyện của người học, thái độ, cách nhìn bình tĩnh, khách quan và công bằng, và không có động cơ gắn với quyền lợi cá nhân, thậm chí cả lòng tự ái cá nhân, hay ý chí chính trị.

Trong khi chất lượng việc dạy và học tiếng Anh còn thấp, ôm đồm thêm mấy thứ tiếng nữa sẽ dẫn đến cuối cùng chẳng biết thứ gì ra thứ gì. Để có lựa chọn đúng đắn và khách quan, chúng ta cần học cách chấp nhận thực tế khách quan, từ đó có cách nhìn thực tế, tránh gây lãng phí xã hội.

Ngoại ngữ trong trường phổ thông Việt Nam

Theo số liệu điều tra của Viện Khoa học giáo dục năm 2001, tỷ lệ học sinh phổ thông chọn học ngoại ngữ là: 0,3%, 2,0% và 97,7%, lần lượt cho các tiếng Nga, Pháp, và Anh ở khắp lãnh thổ Việt Nam. Xu hướng hiện nay vẫn theo chiều này, và sự lựa chọn học ngoại ngữ không bị áp đặt như trước.

Các trường phổ thông, trung cấp dạy nghề được lựa chọn dạy ít nhất một trong bốn ngoại ngữ. Tuy vậy, tỷ lệ người học tiếng Anh chiếm tới 98,6%. Tỷ lệ học sinh học tiếng Pháp, Nga và một số các thứ tiếng khác chiếm số còn lại.

Số liệu từ kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Ngoại ngữ năm 2015 cho thấy số thí sinh (từ các trường THPT chuyên của mỗi tỉnh) tham dự là 64, 69, 169, và 474 lần lượt cho tiếng Hoa, Nga, Pháp, và Anh.

 

Học sinh Việt Nam dành 7-10 năm học tiếng Anh, nhưng trình độ được đánh giá thấp. Ảnh: Ngọc Thành.


Các nước học gì?

Sau khi Liên Xô sụp đổ và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nơi “từ Praha đến Hà Nội, các trường đều phải học tiếng Nga” tan rã và sự áp đặt tỷ lệ cơ cấu ngoại ngữ bị bãi bỏ, tiếng Anh được xã hội và các nhà hoạch định chiến lược lựa chọn làm ngoại ngữ số một cho toàn bộ trường phổ thông của các nước này. Tại chính nước Nga, trên 70% học sinh và cha mẹ học sinh chọn học tiếng Anh.

Theo số liệu của British Council tại Nga (2005), 85%, 70% và 60% học sinh phổ thông lần lượt ứng với thành phố lớn, thành phố nhỏ, và nông thôn chọn học tiếng Anh. Thời của sự áp đặt đã qua rồi.

Hiện tại, chính phủ Pháp kêu gọi tăng cường dạy tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học. Các nước châu Á-Thái Bình Dương và trong khu vực, kể cả Trung Quốc, cũng có chính sách tương tự.

Trong lĩnh vực truyền thông, Pháp phát kênh France 24, Nga mở kênh Russia Today (RT), Trung Quốc phát kênh CCTV9, Nhật có NHK... bằng tiếng Anh.

Tại sao học tiếng Anh?

Trong lần thăm Việt Nam, Thủ tướng Singapore lúc bấy giờ là Lý Quang Diệu được lãnh đạo Việt Nam hỏi kinh nghiệm phát triển giáo dục. Ông Lý gợi ý: "Đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu”. Thực tế hiện nay tất cả kỹ sư làm việc quốc tế đều có khả năng nói tiếng Anh rất tốt. Ông cảnh báo, nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này "không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu".

Tại quê nhà, ông nhắn nhủ: “Nếu muốn thành công, bạn cần làm chủ tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ của khoa học công nghệ, thương mại, ngoại giao, và của cộng đồng học thuật…”. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải đảm bảo rằng từ khi bước chân vào nhà trẻ, mỗi đứa trẻ phải được học tiếng Anh có chất lượng. Phải xây dựng văn hóa đọc và tranh biện bằng tiếng Anh. Sinh viên phải trình bày và trao đổi được ý tưởng bằng tiếng Anh”.

Theo ông, "tương lai con trẻ phụ thuộc vào việc thông thạo dùng ngôn ngữ của những sách giáo khoa mới nhất - đó là tiếng Anh".

Tiếng Anh đã trở thành Lingua franca (ngôn ngữ cầu nối) trong lĩnh vực khoa học vượt biên giới quốc gia. Theo Bordons và Gomez (2004), số lượng ấn phẩm khoa học được xuất bản bằng tiếng Anh trên thế giới ngày càng tăng, từ 84,5% (năm 1980) lên 95,9% (2000). Xu hướng đó khiến việc dạy và học các môn khoa học bằng ngôn ngữ này ngày càng tăng trong thế giới toàn cầu hóa.

Thống kê về các nhóm ấn phẩm trong lĩnh vực chuyên môn khác nhau cũng cho những con số theo xu hướng này. Lobachev (2008) cho biết thống kê của UNESCO (2007) với nhóm tạp chí có tính học thuật (scholarly journal) cho thấy 45,24% bằng tiếng Anh; 11,1% bằng tiếng Đức; 6,51% bằng tiếng Hoa; 4,94% bằng tiếng Pháp; 3,46% bằng tiếng Nhật… và 1,3% bằng tiếng Nga.

Theo Huntington, tác giả Sự va chạm của các nền văn minh, tiếng Anh đã “trở thành lingua franca, giúp con người vượt qua chứ không phải để tiêu diệt khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá. Nó là một công cụ để giao tiếp chứ không phải nguồn tạo ra bản sắc hay một cộng đồng”.

Học ngoại ngữ vì ai?

Còn nhớ, trong buổi thăm và làm việc của đại diện ngoại giao Anh tại một trường đại học chuyên ngoại ngữ cách đây 25 năm, một quan chức của Việt Nam đã gợi ý Anh xây khu học tiếng Anh như “người Pháp đã xây và người Nga sắp xây. Bằng cách đó, Việt Nam sẽ quảng bá cho đất nước Anh”.

Vị khách người Anh lịch sự đáp: “Cảm ơn các bạn, nhưng các bạn hãy học tiếng Anh vì Việt Nam, chứ đừng học vì nước Anh. Người Pháp và người Nga làm như thế vì họ cần phải làm thế. Chúng tôi sẽ giúp cái cần câu và cách câu cá”.

Vậy hãy chọn học ngoại ngữ trên cơ sở khoa học, chứ không vì ý muốn nhất thời để chiều lòng ai đó hay vì ý thức hệ, mà vì sự phát triển lâu bền của đất nước. Càng không nên cực đoan, như một viện sĩ một thời đưa ra đề xuất “bỏ tất cả ngoại ngữ khác để chỉ học tiếng Nga”. Thật may chuyện đó không xảy ra vì lãnh đạo ngành giáo dục khi ấy biết nhìn xa.

Hãy cứ để tiếng Hoa và Nga ở vị trí hiện tại của nó là một trong các ngoại ngữ thứ hai tự chọn cho đến khi học sinh Việt Nam nói được ngoại ngữ thứ nhất, chứ không phải nói "một thứ na ná tiếng Anh" như hiện nay. Các trường như lý luận chính trị, ngoại giao, công an, quân đội… tiếp tục giảng dạy bất cứ thứ tiếng nào cần.

Hãy để yên cho các cháu học sinh được học thứ tiếng mà trong đó 95,9% tài liệu khoa học, công nghệ, xã hội nhân văn của nhân loại được xuất bản.

Tác giả bài viết: Nguyễn Phương