Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Việc học đang được đẩy căng tới… dương vô cùng"

Một cựu học sinh ở Khánh Hòa, vừa tốt nghiệp THPT năm 2016, hiện là sinh viên năm thứ nhất một trường đại học tại TP.HCM, cho biết điều mà mà em nản nhất trong năm học lớp 12 vừa qua chính là việc tăng tiết.

Sau khi đọc được bức thư "ghét học" trên VietNamNet, A. (nhân vật xin được giấu tên) chia sẻ rằng “em bác bỏ một quan điểm rằng chúng em học giỏi nhưng biết gì chuyện người lớn mà nói, họ tưởng chúng em hãy còn trẻ con, không hiểu chuyện xã hội”.
 

Phụ huynh đứng chờ con trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại TP.HCM (Ảnh Đinh Quang Tuấn)


Sự căng thẳng đang tới "dương vô cùng"

Theo A., việc nhà trường chịu áp lực vì một số học sinh trượt tốt nghiệp của khóa trước mà bắt học sinh khóa sau phải học tăng tiết lại có phần nào đó chưa thỏa đáng.

“Đầu tiên, việc học là chúng em học. Sao nhà trường chỉ hỏi ý kiến phụ huynh mà không hỏi ý kiến chúng em? Có câu hiểu con không ai bằng cha mẹ. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu phụ huynh là giới trí thức hiểu chuyện, và bao nhiêu phụ huynh suốt ngày lo việc đồng áng chân lấm tay bùn. Họ thì làm sao hiểu được chúng em cần gì, thiếu gì trong học tập?”.

A. cho rằng rất nhiều phụ huynh đồng ý với nhà trường trong việc tăng tiết vì con mình kém. Một số phụ huynh khác không rõ thực hư, dù không hoàn toàn đồng ý cũng gật đầu.

“Họ lo cho con em họ, nhưng cái đó một phần là do hiệu ứng đám đông. Như thể giữa một rừng người tâm thần mà bạn cố tỏ ra bình thường thì bạn mới chính là người tâm thần” – A. nhận xét.

“Giáo viên vẫn bảo “Chúng tôi trực tiếp đứng lớp, chúng tôi hiểu các em cần gì, các em đi học tăng tiết đi, tôi bảo đảm điểm của các em được cao. Ở bên ngoài người ta cứ lên lớp dạy xong rồi thôi, sao quan tâm các em bằng chúng tôi được?”.

Nhưng em thấy một lớp 40 học sinh, giáo viên có thể quan tâm bằng một lớp năm bảy học sinh như lớp chũng em học luyện thi sao? Bản thân người dạy luyện thi đại học cũng là cả danh tiếng của họ nữa mà, họ dễ dàng mặc kệ học sinh như thế sao?”.

A. cũng liệt kê thời khóa biểu mà em đã từng trải qua trong năm học trước: Sáng 5h phải dậy, vệ sinh cá nhân xong, ăn sáng vội một chút, bỏ sách vở vào cặp rồi lên xe chạy tới trường cho kịp giờ. 11h ra khỏi lớp, về tới nhà cũng đã 11h30, ăn uống được một chút rồi phải đi nghỉ ngơi, 13h thì lại phải dậy để tăng tốc tới trường học tăng tiết.

“Nội bấy nhiêu đó thôi, 5 ngày liền là đã thấy mệt mỏi rồi” – A. nhớ lại những ngày tháng vất vả.

“Đó là chưa kể chúng em phải ở lại học thêm một môn gì đó, lượng kiến thức tăng tiết sao cho đủ thi đại học, sao cho đủ vào các trường đại học hàng đầu?

Giả dụ ra khỏi lớp lúc 19h, với lượng học sinh đông hơn cả ong vỡ tổ, có khi 10 phút sau chúng em mới ra được khỏi trường, về tới nhà thì đã 19h45. Lúc đó thời sự cũng hết rồi, muốn xem cũng không có để mà xem, thế thì bài nghị luận xã hội của môn Văn, chúng em làm thế nào?”.

Tiếp đó là ngồi vào bàn học ở nhà thì cũng đã 20h30, ôn bài làm bài cũ cũng đến 22h30.

“Nếu chúng em muốn đọc thêm tài liệu, làm thêm thì cũng chỉ được dăm ba bài. Lắm khi, các môn không thuộc khối thi đại học của em lại cho một loạt yêu cầu về nhà, thú thật là đầu óc em cũng chẳng nhồi thêm vào được nữa…”.

“Nói một cách tổng thể thì em thấy bản thân không còn thời gian để luyện tập thể thao, cũng không có thời gian để giải trí, xem một tập phim hay nghe một bản nhạc, như thế này thì làm sao gọi là phát triển toàn diện? Sự căng thẳng đang tiến dần tới ngưỡng dương vô cùng”.

“Trong một thế giới mà hằng ngày người ta lại càng đề cao sự năng động trong công việc… thì em học cũng ngồi, ăn cũng ngồi, đi xe đến trường cũng ngồi và một chuyện khác nữa cũng phải ngồi, như vậy có tốt không? Bệnh trĩ và béo bụng đang chờ đón tụi em ở phía trước”.

A. kể rằng em có một đứa bạn nhà vừa xa, gia cảnh lại nghèo, không dám về nhà nên ở lại trường để tiếp tục học tăng tiết. "Mọi chuyện tưởng chừng như bình thường nếu như không nhắc đến việc bạn ấy nhịn đói tới chiều vì chẳng có tiền mà mua thứ gì để lót dạ? Đói rã ruột, đói mốc miệng… Có hôm, em còn mở mắt không nổi, suýt nữa thì tông luôn một người đi đường…".

 

Thí sinh ôn lại bài trước giờ thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại TP.HCM (Nhân vật không liên quan tới bài viết) Ảnh Đinh Quang Tuấn


Tại sao không bao giờ là “giảm”?

A. cho rằng cuộc sống là luôn phải tìm cho mình một thế cân bằng để đứng, em cũng phải cân bằng việc nhà và việc học, việc học và việc chơi.

A. băn khoăn “Tại sao tăng tiết mà không có động thái “giảm tiết” nào cho học sinh?".

“Ý em không phải là giảm số tiết mà là giảm yêu cầu của các môn phụ, quãng thời gian ấy và việc tăng tiết ít ra cũng có thể bù trừ, cho chúng em thêm ít thời gian cho cái mà thầy cô vẫn gọi là “tự học””.

Theo A., các nhà trường có thể thay đổi việc học tăng tiết để nếu học sinh có nhu cầu có thể hứng thú hơn, theo kiểu: Ở môn Toán, tập trung hướng dẫn học sinh cách trình bày các bài, các dạng toán sao cho chặt chẽ nhất, ngắn gọn nhất và tối ưu nhất; Sửa các lỗi sai thường gặp, cơ bản khi làm bài và có lẽ là cho thêm các bài khó tầm cỡ đại học.

Ở môn Lí Hóa: Cho thêm các công thức, hướng dẫn những thủ thuật, mẹo hay, hướng xử lí nhanh tối ưu để giải bài nhanh nhất, chính xác nhất; Hệ thống kiến thức giúp học sinh một tay theo từng dạng câu hỏi (ví dụ môn Hóa: các chất nào sau đây tác dụng được với X lập bảng).

Ở môn Anh: Hướng dẫn viết luận, làm bài đọc hiểu (bài chiếm số lượng điểm lớn), chia sẻ cho học sinh các nguồn mà bài đọc hiểu thường lấy.

A. cũng cho biết em còn một số mong muốn để trường học thật sự là ngôi nhà thứ hai đối với học sinh, vì thời gian học sinh ở trường bây giờ rất nhiều.

Thứ nhất, các giáo viên cần tâm lí hơn. “Xin các thầy cô đừng nói mạnh bạo, hung dữ khiến học sinh không những sợ, khó học mà còn dễ stress. Nhưng cũng đừng theo cách nói nhẹ nhàng mà cứ như cứa trong gan ruột, nói nhấn mạnh, lên xuống khiến chúng em phát hoảng”.

Thứ hai, giáo viên các môn không thi đại học giảm áp lực, yêu cầu cho học sinh. “Em đảm bảo là không những chúng em không khinh thường mà trái lại còn rất quý trọng”.

Ngoài ra, giáo viên hãy kể cho học sinh những câu chuyện, những ví dụ ngoài để học sinh thích thú hơn trong học tập, những em học lệch sẽ dễ học bài hơn.

Điều mong mỏi thứ ba của mỗi học sinh, theo A., đó là thầy cô khi dò bài đừng bao giờ hỏi “Ngày hôm qua em làm gì? Tuần trước em làm gì?”. Bởi vì, “Thưa cô, thưa thầy, chúng em còn phải học bài môn khác nữa”.

Mặt khác, giáo viên cũng từng là học sinh, cũng từng học văn chắc cũng biết từ cấp 2 môn Văn đã có bài “Nói giảm nói tránh”.

“Một thành quả của một học sinh thầy cô có thể nói là tốt, chưa đủ ý, sơ sài, cần chỉnh sửa, cập nhật thêm hay thậm chí dở ẹc nhưng xin đừng phán: “Bài của em không ra gì!”. Mục đích cuối cùng là tạo cho học sinh động lực thay đổi trong học tập, chứ không phải cho vào phản ứng hóa học một chất ức chế”.

Một giờ học “đáng sợ” khác, với A, là thể dục. “Em biết tập thể dục là yêu cầu của Bộ, nhưng tập trong một điều kiện vô cùng nắng thì hơi gay! Bất công hơn, thầy giáo ở trong mát điểu khiển, yêu cầu học sinh ra nắng đứng”.

A cho rằng việc học bị đẩy lên căng thẳng bởi ở nhà trường, giữa học sinh với các giáo viên bộ môn, với hiệu trưởng thực sự chưa hiểu nhau cần gì.

“Học sinh kém cần đậu tốt nghiệp. Học sinh trung bình cần đậu một trường cao đẳng chẳng hạn. Học sinh khá cần đậu một trường hạng trung. Còn một học sinh giỏi hiển nhiên phải biết vươn cổ ra xa ba ngàn thế giới.

Nhưng với hình thức tính điểm như hiện nay, một học sinh 8.0 chỉ cần thi mỗi môn 2 điểm là đậu tốt nghiệp, bằng tốt nghiệp đâu có xếp loại nên 5 điểm cũng như 9 điểm thôi!

Với số điểm 8.0, học sinh đó nhất định có thể thi 3 môn trong khối thi của mình vào khoảng 7 đến 8 điểm, vậy thì môn còn lại cũng không quá quan trọng nữa, huống hồ là các môn phụ khác…”.

Tác giả bài viết: Phương Chi