Nghệ An: Tiền cứu trợ của dân nghèo bị phường “cắt” lại hơn phân nửa!?
- 07:43 23-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thu lại để “san sẻ”
Theo đó, sau trận lụt lịch sử 2013, nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Hoàng Mai chịu thiệt hại vô cùng nặng nề.
Có những gia đình lâm vào cảnh trắng tay khi không còn một hạt thóc nguyên vẹn trong nhà để ăn, tài sản thì đều bị ngập nước hư hỏng hoặc trôi theo dòng nước lũ.
Để kịp thời chia sẻ khó khăn với nhân dân thị xã Hoàng Mai, các tổ chức, cá nhân … trên cả nước đã cùng nhau quyên góp ủng hộ với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách giúp đỡ đồng bào trong lúc khốn cùng nhất.
Ông Lê Khắc Trung – Bí thư chi bộ khối 12: “Khi đó đi thu lại người dân họ còn nói nặng lời, nhưng trên giao thì tôi phải làm”.
Tuy nhiên đến nay câu chuyện về việc phân phát số tiền hỗ trợ vào thời điểm đó giờ lại bỗng dưng khiến những người dân ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai phải suy nghĩ khi họ bị “cắt” lại hơn phân nửa số tiền hỗ trợ từ một tổ chức từ thiện.
Theo đó, sau trận lũ lịch sử phường Quỳnh Xuân tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Hội chữ thập đỏ Trăng Lưỡi Liềm quốc tế với số tiền là 55.000.000 đồng.
Cụ thể có 5 khối trên địa bàn phường gồm: Khối 11,12,13,14,16 với tổng số 24 hộ gia đình được nhận số tiền trên, nhằm giúp các hộ gia đình có thêm vốn để tái sản xuất ổn định cuộc sống.
Sau đó, Hội chữ thập đỏ trăng lưỡi liềm quốc tế phối hợp với Hội chữ thập đỏ Việt Nam và Hội chữ thập đỏ Nghệ An đã về trực tiếp từng hộ gia đình để khảo sát, đánh giá thiệt hại xem xét hỗ trợ.
Mức hộ trợ được quy định rõ: Đối với hộ 1 khẩu thì số tiền hộ trợ được nhận là 1.000.000 đồng, từ 2 – 4 khẩu được nhận số tiền là 1.400.000 đồng, trên 4 khẩu được nhận số tiền hỗ trợ là 2.100.000 đồng. Sau đó 24 hộ này được mời đến nhà văn hoá khối 11 phường Quỳnh Xuân để nhận tiền hỗ trợ.
Khi nhận tiền hỗ trợ các hộ dân được lưu ý rõ rằng số tiền này gia đình mình được nhận, được hưởng toàn bộ và không phải san sẻ, hay nộp lại cho bất kỳ ai.
Tuy nhiên khi chưa kịp vui mừng vì cầm được tiền hỗ trợ trên tay thì các hộ dân đã bị cán bộ hội chữ thập đỏ từng khối thu lại hơn phân nửa số tiền trên.
Lý do mà những hộ gia đình này phải nộp lại tiền là: Thu lại để phường chia sẻ cho những hộ gia đình khác cũng chịu thiệt hại nhưng không nhận được hỗ trợ.
Với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong khi hoạn nạn những hộ dân này đã nộp lại số tiền cứu trợ của mình theo yêu cầu của cán bộ.
Bà Trần Thị Lợi (SN 1977, vợ anh Nguyễn Đình Nghị) cho biết gia đình mình nhận được 1.400.000 đồng tiền hỗ trợ những phải nộp lại 900.000 đồng.
Ông Lê Khắc Trung (SN 1949) Bí thư chi bộ khối 12, phường Quỳnh Xuân cho biết: Khi đó sau khi Hội chữ thập đỏ phát tiền thì Hội chữ thập đỏ phường giao cho chúng tôi là Hội chữ thập đỏ khối đến từng hộ gia đình thu lại chỉ để lại cho mỗi hộ là 500.000 đồng.
Lúc đó họ nói thu lại tiền để san sẻ cho những hộ gia đình khác bị thiệt hại nhưng không nhận được hỗ trợ, để bà con cùng giúp đỡ nhau vượt lên khó khăn.
“Lúc đó tôi trực tiếp đi thu lại tiền cũng rất khó xử thậm chí còn bị người ta nói nặng lời. Nhưng vì ý kiến của trên xuống nên tôi làm theo. Phải vận động bà con mới thu lại đủ số tiền trên”, ông Trung phân trần.
Ông Trung cũng cho biết trên địa bàn khối 12 có 8 hộ nhận được số tiền trợ cấp này với mức là 1.400.000 và 2.100.000 / 1 hộ.
Sau khi các hộ dân nhận tiền, chính ông đã đi thu lại tiền của từng người và chỉ để lại cho mỗi hộ 500.000 đồng. Tức là với hộ 2.100.000 đồng sẽ bị thu lại 1.600.000 đồng, hộ nhận được 1.400.000 đồng sẽ bị thu lại 900.000 đồng, đó là quy định từ trên phường xuống nến ông Trung phải làm theo.
Sau khi thu đủ số tiền này, ông Trung đã nộp lại cho ông Nguyễn Đình Thao – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Quỳnh Xuân thời điểm bấy giờ.
Tiền không về phường?!
Thời điểm bấy giờ, sau trận lũ kinh hoàng các hộ dân đang lâm vào tình cảng khốn cùng nhất. Họ rất vui mừng khi nhận được số tiền cứu trợ quý giá để có thêm chút vốn, tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhưng vừa nhận tiền trên tay họ đã phải nộp ngay lại cho phường, mỗi hộ chỉ được giữ lại 1 phần nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Thìn (SN 1970, ở khối 12): Lúc đó mới nhận tiền xong thấy họ bảo thu lại để san sẻ cho người khác nên tôi cũng nộp lại.
Anh Nguyễn Đình Nghị (SN 1974, trú tại khối 12) một trong số 8 gia đình may mắn nhận được “những đồng tiền vàng” nhớ lại: Khi đó lụt to lắm, nhà tôi bị nước ngập hết, nhà được ít lúa thì cũng ngâm nước nảy mầm … khốn khổ vô cùng.
Sau khi họ về trực tiếp tận nhà để xác minh thì nhà tôi may mắn đủ tiêu chuẩn thuộc diện hỗ trợ nên được hỗ trợ 1.400.000 đồng. Nhưng khi vừa nhận tiền ở nhà văn hoá khối 11 thì đã bị thu lại mất 900.000 đồng. Tôi thấy họ nói là thu lại để san sẻ cho những gia đình khác khó khăn không được hỗ trợ nên đã đồng ý và nộp lại”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thìn (SN 1970, trú tại khối 12) cũng chung số phận: Bà Tình cho biết: Lúc đó ai cũng khốn khó cả, họ nói nộp lại để san cho những người khác thì ai nỡ lòng nào. Nhà tôi được 1.400.000 họ cũng thu lại mất 900.000 đồng.
Cũng với tinh thần tương thân tương ái, đồng cảnh trong cơn hoạn nạn những người dân đã nộp lại số tiền ít ỏi mà gia đình mình được nhận cứu trợ với mong muốn mọi người cùng vượt lên khó khăn sớm ổn định cuộc sống.
Nhưng nếu những đồng tiền ấy không đến được tay người cần san sẻ như “lời hứa” của các vị lãnh đạo thì những đồng tiên đó “bay” đi đâu?
Bản giao nhận số tiền 33.000.000 đồng thu lại từ người dân mà ông Thao cung cấp, ông Thao cho biết số tiền này đã được nạp cho ông Thụ.
Để làm rõ hơn vấn đề phóng viên đã tìm gặp ông Nguyễn Đình Thao – Người thời điểm đó là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Quỳnh Xuân và là người trực tiếp “lệnh” cho các khối thu lại tiền cứu trợ của dân và cũng chính ông đã mang những đồng tiền này lên nạp lại cho phường.
Ông Thao cho biết sau khi thu lại tiền đó ông đã nộp lại cho ông Hoàng Đình Thụ - Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường Quỳnh Xuân thời điểm bấy giờ và hiện tại là Phó bí thư Đảng ủy Phường Quỳnh Xuân: Tổng số tiền thu được là 33.000.000 đồng, tôi trực tiếp nạp lại 21 triệu còn một khối khác nạp lại 12 triệu. Đây là để nhường cơm sẻ áo cho nhau trong lúc hoạn nạn. Tuy nhiên sau đó chính ông Thao cũng không biết số tiền này đã “đi về đâu”.
Như vậy với tổng số tiền 55.000.000 đồng người dân được nhận từ Hội chữ thập đỏ trăng lưỡi liềm quốc tế, phường đã “cấn” lại mất 33.000.000 đồng còn các hộ dân chỉ được hưởng 22.000.000 đồng.
Để làm rõ hơn vấn đề phóng viên liên hệ làm việc với ông Vũ Văn Từ - Chủ tịch UBND phường Quỳnh Xuân. Ông Từ cho biết: Thời điểm đó có 2 nguồn qua ủy ban và qua mặt trận.
Nguồn từ ủy ban chúng tôi đã trao hết cho người dân rồi, rõ ràng lắm. Còn nguồn từ mặt trận thì tôi không nắm được. Ông Từ hướng dẫn phóng viên nên làm việc với ông Nguyễn Đình Thụ để rõ hơn.
Tuy nhiên ông Thụ lại cho biết: Cái đó Hội chữ thập đỏ họ làm tôi làm gì biết, làm gì có chuyện thu lại, ông Thụ cũng phủ nhận và cho rằng số tiền đó phường không thu lại…
Trong khi ông Thao cho biết đã trực tiếp nộp lại số tiền này cho cá nhân ông Thụ, cho phóng viên xem bản ký nhận, giao số tiền này cho ông Thụ. Vậy số tiền này đã đi đâu? Những đồng tiền mà người dân đã bị thu lại có được “san sẻ” cho những gia đình khác cũng chịu cảnh khốn khó sau cơn lũ lịch sử hay lại đi về đâu? Nhưng việc người dân nộp tiền cứu trợ lại là hoàn toàn có thật.
Ngay cả khi Hội chữ thập đỏ Trăng lưỡi liềm quốc tế đã làm rất chặt chẽ để những đồng tiền hỗ trợ về tận tay từng hộ dân lại còn bị “cấn” lại như vậy, thì những nguồn hỗ trợ khác người dân không biết sẽ như thế nào?
Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ số tiền cứu trợ của người dân bị cán bộ phường Quỳnh Xuân cắt lại đã đi đâu, sử dụng vào mục đích gì, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tác giả bài viết: Quang Phong