Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chủ tịch Quốc hội: Mỗi ông lãnh đạo về hưu thành lập một hội, xin đủ thứ

“Cứ mỗi ngành ông lãnh đạo về hưu là đứng ra thành lập một hội, nói là theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự trang trải kinh phí nhưng sau đó xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí có nơi xin biên chế…”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Sáng nay, 22-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội.

Thảo luận về báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật về hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo luật cấm cán bộ công chức tham gia điều hành, lãnh đạo hội có đăng ký và chỉ được thực hiện quyền này khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công.
 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thảo luận tại phiên họp

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu thực trạng: “Nhiều đồng chí chuẩn bị nghỉ hưu thì xin thành lập ban vận động thành lập Hội. Chuyện này rất nhiều nên trong dự thảo Luật về hội chúng tôi đề nghị đối với cán bộ công chức lãnh đạo từ cấp Vụ trở lên thì sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội”.

Theo ông Tuấn, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua cũng có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc cán bộ công chức tham gia quyền lập hội để tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lợi dụng ảnh hưởng trong lĩnh vực mình tham gia phụ trách để mang lại lợi ích cá nhân, vụ lợi và khắc phục thực trạng cứ chuẩn bị nghỉ hưu thì làm chủ tịch các hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình quan điểm này: “Cứ mỗi ngành ông lãnh đạo về hưu là đứng ra thành lập một hội, nói là theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự trang trải kinh phí nhưng sau đó xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí có nơi xin biên chế…”

“Khi bàn luật này một số Bộ trưởng gặp tôi nói, tôi lo lắm đó chị, vì Bộ tôi đã có mấy hội rồi, mà họ xin tiền nhiều quá, xin chỗ làm việc, xin xe… Bây giờ ra luật này họ cứ xin đủ thứ, rất là mệt. Tôi nói rõ, khi thành lập thì cứ chiếu theo tôn chỉ, mục đích, rất rõ ràng, có những quy định mang tính nguyên tắc”, bà kể.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ, như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cứ mỗi một Thứ trưởng về hưu thì thành lập một hội. Nào là Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội xuất khẩu lao động, Hội thương binh, Hội thương binh sản xuất…

“Cùng một lĩnh vực có rất nhiều hội. Các hội này hoạt động tốt, huy động nguồn lực ngoài xã hội để giúp người, tuân theo tôn chỉ, mục đích… Tuy nhiên do quá nhiều hội nên việc đi vận động các doanh nghiệp, vận động tài trợ khiến doanh nghiệp cũng than”, Chủ tịch Quốc hội nêu, cho rằng luật được ban hành sẽ quy định những nguyên tắc, chính sách, quyền và nghĩa vụ và những điều cấm để quản lý Nhà nước.

Về quan điểm có cho phép tổ chức hay cá nhân người nước ngoài thành lập hội ở Việt Nam hay không, Chủ tịch Quốc hội khẳng định những Nghị định của Chính phủ từ năm 2008 đã cho phép người ta làm rồi. Vì thế nên xem lại để luật hoá những Nghị định đó vào luật này cho phù hợp.

“Nếu sợ họ hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích hay gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoặc gây phương hại đến an ninh quốc gia… thì ta đã có những điều cấm để quản lý rồi (Điều 9). Nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Quỳnh Vinh