Gạo Việt đua nhau gắn mác ngoại
- 11:14 22-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều loại gạo trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long được gắn thêm mác Thái Lan, Campuchia… bỗng trở nên hút hàng dù giá bán cao hơn vài nghìn đồng.
Khảo sát một số cửa hàng tại chợ An Nhơn (quận Gò Vấp), đa phần các loại gạo gắn mác ngoại như gạo sữa Thái Lan, gạo thơm Đài Loan, gạo Sóc Miên… đều được trưng bày ở vị trí bắt mắt, dễ lựa chọn và giá bán cao hơn vài nghìn đồng mỗi kg so với gạo đặc sản trong nước.
Điển hình như gạo thơm dẻo Đài Loan có giá 21.000 đồng một kg, thơm dẻo Thái Lan 17.000 đồng, trong khi đó cùng với đặc tính này nhưng các loại gạo mang tên địa phương An Giang, Đồng Tháp… chỉ được bán với giá dao động khoảng 13.000-15.500 đồng mỗi kg.
Chị Ngọc (ngụ quận Tân Phú) cho biết, trước đây gia đình thường nấu bằng gạo nàng thơm Chợ Đào nhưng thỉnh thoảng bị mối mọt và đá sỏi nếu không nhặt kỹ. Khi được người quen giới thiệu gạo tám Thái, dù không biết xuất xứ nhưng chị vẫn mua thử và dùng đến giờ.
Điển hình như gạo thơm dẻo Đài Loan có giá 21.000 đồng một kg, thơm dẻo Thái Lan 17.000 đồng, trong khi đó cùng với đặc tính này nhưng các loại gạo mang tên địa phương An Giang, Đồng Tháp… chỉ được bán với giá dao động khoảng 13.000-15.500 đồng mỗi kg.
Chị Ngọc (ngụ quận Tân Phú) cho biết, trước đây gia đình thường nấu bằng gạo nàng thơm Chợ Đào nhưng thỉnh thoảng bị mối mọt và đá sỏi nếu không nhặt kỹ. Khi được người quen giới thiệu gạo tám Thái, dù không biết xuất xứ nhưng chị vẫn mua thử và dùng đến giờ.
Gạo ngắn mác ngoại được người dùng chọn lựa nhiều hơn. Ảnh: Phương Đông.
Chủ một đại lý gạo cho biết, tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam vẫn đánh giá cao chất lượng hàng ngoại nên dù chênh lệch giá tương đối nhiều nhưng doanh số bán ra luôn ổn định. Mỗi tuần cửa hàng này nhập thêm vài tấn từ một vựa gạo lớn ở miền Tây, trong đó tỷ lệ cho nhóm gắn mác ngoại thường vượt trội.
Theo chủ một cửa hàng gạo ở quận Bình Thạnh, trừ những quán ăn và tiệm cơm quen dùng loại gạo có đặc tính mềm xốp, dư cơm (nở) thì phần đông các bà nội trợ đều ưa chuộng sản phẩm kèm tên một quốc gia khác nên rất dễ tiêu thụ.
“Hiện cửa hàng tôi nhập hai loại gạo huyết rồng. Dù chưa rõ nguồn gốc trồng có phải ở Thái Lan không nhưng trên bao bì xuất hiện một vài dòng chữ Thái thì giá từ đại lý phân phối đã khoảng 38.000 đồng một kg, trong khi hàng Việt Nam xấp xỉ 30.000 đồng một kg mà chẳng mấy người quan tâm”, chủ cửa hàng này chứng minh.
Thực trạng trên không chỉ diễn ra tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ mà ngay các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Co.opmart, Aeon Mall… cũng chứng kiến điều tương tự. Nhiều loại gạo nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc hướng đến phân khúc cao cấp, giá trung bình không dưới 100.000 đồng một kg vẫn rất hút khách. Đặc biệt là những thương hiệu gạo có thiết kế bao bì đẹp mắt, quảng cáo nhắm vào nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch và an toàn của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, phần lớn các loại gạo gắn mác ngoại có trên thị trường hiện nay không phải từ nguồn nhập khẩu mà là lai tạo giống và canh tác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì yếu tố tên gọi ảnh hưởng nhiều đến việc lựa chọn sản phẩm nên mới xuất hiện tràn lan gạo giả danh và chất lượng.
Theo đại diện Công ty TNHH Cỏ May Sài Gòn, một trong những bài toán nan giải của gạo nội địa đến thời điểm hiện tại vẫn là xây dựng thương hiệu. Dù chất lượng gạo của Việt Nam được khẳng định không thua kém bất cứ quốc gia nào, nhưng yếu kém về thương hiệu khiến người tiêu dùng không mặn mà.
“Nếu không tính các loại gạo giả danh, gạo nhập khẩu từ Campuchia bán lẻ ra thị trường dao động tầm 30.000-40.000 đồng một kg. Cũng với số tiền này, người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng chục loại gạo đặc sản trong nước đang ít được biết đến mà vẫn đảm bảo độ ngọt, thơm dẻo trội hơn”, vị này nêu dẫn chứng.
Ngoài việc mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ tại TP HCM, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh phát triển thương hiệu cho dòng sản phẩm cao cấp thơm dẻo Long Châu 66. Cùng với đó, động thái ráo riết phát triển thương hiệu của nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc trời với thương hiệu hạt ngọc trời, Công ty VinEco (thuộc tập đoàn Vingroup) hợp tác cùng Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) phát triển thương hiệu gạo sạch VinEco… cho thấy quyết tâm chiếm lĩnh lại thị trường gạo nội địa đang nhiễu loạn về nguồn gốc và định danh sản phẩm.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, việc nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo nhưng người tiêu dùng không tin tưởng sản phẩm nội địa mà lại chuộng gạo gắn mác nước ngoài là một nghịch lý đau lòng. Ngày càng xuất hiện nhiều loại gạo gieo trồng tại Việt Nam nhưng khi bày bán lại khoác áo Thái Lan, Campuchia sẽ sớm trở thành mối đe dọa cho những doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ gạo chân chính.
Bà Hạnh cho biết thêm, từ ngày 6/10 đến 9/10 tới, đơn vị này sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại khu vực phía Bắc để tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhận diện và tiếp cận nhiều loại gạo ngon và nông sản sạch. Ngoài ra, vấn đề hướng phát triển thị trường cho gạo sạch để thoát khỏi tình trạng “đội lốt” thương hiệu ngoại cũng tiếp tục được nhiều doanh nghiệp cùng bàn luận.
Tác giả bài viết: Phương Đông