Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nguyễn Mạnh Cầm – Niềm tự hào của những người làm khuyến học

Nếu gọi ông Nguyễn Mạnh Cầm là Nhà ngoại giao thì hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi ông đã hầu như dành gần hết cuộc đời mình cho sự nghiệp đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đúng bởi ông là một nhà ngoại giao có tên tuổi, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được Đảng và Nhân dân ghi nhận. Đúng bởi ông là người đứng đầu ngành ngoại giao của thời ngoại giao đổi mới - hội nhập, mở cánh cửa ra với thế giới rộng lớn kéo dài hơn 10 năm.

Song, chưa đủ bởi ông còn là nhà khuyến học, khuyến tài hàng đầu Việt Nam, niềm tự hào của những người làm khuyến học, khuyến tài. Tuy không phải là người sáng lập ra Hội Khuyến học, cũng không phải là Chủ tịch đầu tiên nhưng cho tới thời điểm hiện nay, trong tổng số 20 năm kể từ ngày thành lập, ông là người chèo lái “con thuyền khuyến học” 11 năm. Đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của tổ chức chính trị, xã hội rộng lớn, mang tính đặc thù này.
 

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm


Đôi nét về Nhà ngoại giao thời đổi mới – hội nhập Nguyễn Mạnh Cầm

Nguyễn Mạnh Cầm tiêu biểu cho một thế hệ trí thức lớn lên trong Cách mạng, trưởng thành trong Kháng chiến và thành tựu trong Đổi mới. Thời điểm ông Nguyễn Mạnh Cầm là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này cũng là lúc đất nước hội nhập với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.

Cả cuộc đời công chức, từ khi theo cách mạng lên Chiến khu Việt Bắc cho đến ngày về hưu, trừ mấy năm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại thương (phụ trách thương mại đối ngoại), Nguyễn Mạnh Cầm gắn chặt đời mình với công tác ngoại giao. Đây cũng là mảnh đất nâng đỡ ông, một thanh niên yêu nước trải qua tất cả các chức vụ, lên đến đỉnh cao nhất của ngành ngoại giao Việt Nam.

Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, có nhiều cột mốc lịch sử, trong đó có một cột mốc được gắn liền với tên tuổi của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm. Đó là giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Ông là người tham gia vào việc bình thường hóa quan hệ Việt - Trung, chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao Việt – Trung để chính thức quyết định việc bình thường hóa; thay mặt Chính phủ Việt Nam ký hiệp định lập lại hòa bình ở Campuchia; trực tiếp thực hiện chủ trương gia nhập ASEAN làm thành viên thứ 7 của tổ chức liên kết khu vực này; ký các văn kiện hợp tác với các liên minh châu Âu và các quốc gia khác; thay mặt Chính phủ ký kết gia nhập tổ chức liên khu vực, đặt mối quan hệ liên châu lục như Diễn đàn hợp tác Á – Âu, Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình dương; thay mặt Chính phủ gửi thư gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO…

Cuộc “chuyển hướng” của “số phận”

Sau khi chính thức nghỉ công tác Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ở tuổi 73, Nguyễn Mạnh Cầm có nhiều dự định quan trọng. Đó là tập trung thời gian và sức lực để đọc, tìm hiểu toàn bộ tiến trình phát triển của ngành ngoại giao Việt Nam. Từ đó, tìm ra những bài học kinh nghiệm cho cả những thành công và thất bại nhằm tham mưu cho công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Để làm việc này, ông dự định thành lập Hội Đối ngoại Việt Nam với mục đích tập trung sức mạnh trí tuệ của những cán bộ ngoại giao trong mọi thời kỳ, đặc biệt là các nhà ngoại giao lão thành và các đại sứ, tham tán đã nghỉ hưu.

Thế rồi như một định mệnh của số phận khiến cuộc đời ông bỗng dưng chuyển sang một hướng khác. Vào một buổi chiều mùa thu năm 2005, ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã trực tiếp đến gặp ông Cầm. Sau những lời thăm hỏi của những người bạn cũ, ông Oanh đề nghị ông Cầm thay mình đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam sau khi ông Oanh hết nhiệm kỳ.

Trước lời đề nghị có phần đường đột, lại nghĩ mình chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này nên ông Cầm tế nhị từ chối. Cứ tưởng câu chuyện rồi sẽ trôi qua, trong Kỳ họp Quốc hội cuối năm 2005, ông Nông Đức Mạnh (khi đó là Tổng Bí thư) đã đến thăm hỏi và vận động ông đảm nhận trọng trách này.

- Nhưng thưa anh, tôi chưa hề làm giáo dục và có hiểu gì về công tác khuyến học đâu? Vả lại, tôi đang có dự định xin ý kiến anh để thành lập Hội Đối ngoại nhằm nghiên cứu, đề xuất những ý kiến về công tác ngoại giao thời kỳ mới. Ông Cầm báo cáo Tổng Bí thư.

- Thế thì tốt quá – Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói – Nhưng việc đó có thể để thư thư một chút, công việc này đang cần gấp. Còn việc anh ngại chưa từng làm khuyến học bao giờ, tôi nghĩ đã từng nhiều năm làm công tác ngoại giao, anh có điều kiện đi nhiều nơi, có điều kiện tiếp cận với giáo dục, đào tạo của nhiều quốc gia nên rất có lợi cho công việc. Tôi được nhiều đồng chí gợi ý về anh…

- Vâng, xin Tổng Bí thư cho tôi thời gian để tìm hiểu và suy nghĩ thêm - Ông Cầm đáp.

Cuộc trao đổi với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh làm ông Cầm suy nghĩ nhiều. Việc thành lập Hội Đối ngoại cũng rất cần thiết và đó là tâm nguyện đồng thời cũng là dự định từ lâu nhưng trước lời mời gọi của ông Vũ Oanh, đặc biệt là cuộc trò chuyện với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh làm ông khó có thể từ chối. Sau khi nghiên cứu kỹ tôn chỉ mục đích của Hội Khuyến học Việt Nam, ông thấy Hội có mục tiêu rất quan trọng, nếu thực hiện được thì sẽ rất có lợi cho đất nước nên mình có thể đảm nhận được công việc. Còn một “động lực” nữa, đó là ông không khỏi thấy tự hào khi được làm tiếp công việc mà trước đây Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đảm nhiệm.

 

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học


Mặt khác, là trí thức có tầm hiểu biết sâu rộng đồng thời cũng nhà là nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, ông hiểu rằng vai trò của khoa học kỹ thuật trong sự nghiệp phát triển đất nước quan trọng như thế nào. Vì thế, khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lần thứ hai nhắc lại lời đề nghị, ông đã vui vẻ nhận lời. Và càng hạnh phúc hơn đối với ông, đó là tại Đại hội III Hội Khuyến học Việt Nam, ông đã nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối từ tất cả các đại biểu tham dự.

Cũng tưởng do tuổi tác đã cao (năm đó ông 75 tuổi), chỉ làm một nhiệm kỳ rồi nghỉ để trở lại với ý tưởng thành lập Hội Đối ngoại mà ông từ lâu ấp ủ, thế nhưng tại Đại hội IV, dù ông đã nhiều lần xin rút, nhưng Đại hội vẫn tín nhiệm bầu ông tái nhiệm.

11 năm chèo lái con thuyền mang tên “khuyến học”

Công bằng, ông không phải là người sáng lập, cũng không phải là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đầu tiên nhưng cho tới thời điểm này, với 20 năm tồn tại của hội, ông đã chèo lái “con thuyền khuyến học” hơn một thập kỉ, chính xác là 11 năm. Đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của tổ chức chính trị, xã hội rộng lớn, mang tính đặc thù này.

Nếu tại Đại hội Khuyến học Việt Nam lần thứ III, Hội có gần 4 triệu hội viên thì tại Đại hội lần này, số lượng hội viên đã lên tới gần 15 triệu, tăng xấp xỉ 5 lần và chiếm 15% dân số.

Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong nước và lan ra cả nước ngoài. Hiện, cả nước đã có hàng triệu gia đình hiếu học, hàng vạn dòng họ khuyến học và hàng ngàn cộng đồng khuyến học. Hội khuyến học đã có mặt ở tất cả các tỉnh thành, làng bản xóm thôn, tổ dân phố, cơ quan, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang… nói chung ở mọi địa bàn dân cư và đến tận gia đình.

 

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm - 11 năm chèo lái con thuyền mang tên "khuyến học"


Cách đây 6 năm (năm 2010), Hội Khuyến học Việt Nam được công nhận là hội đặc thù, góp phần to lớn vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Song, thành công của Hội Khuyến học Việt Nam hai nhiệm kỳ qua dưới sự “chèo lái” của ông còn ở chỗ đã gắn kết nhuần nhuyễn giữa khuyến học với khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập, đồng thời với hàng loạt các hoạt động khác có những bước phát triển to lớn như Chương trình Giải thưởng Nhân tài đất Việt hàng năm, Quỹ khuyến học với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng, cấp học bổng cho hàng triệu học sinh nghèo hiếu học, sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử Dân trí, hoạt động sâu rộng và có nhiều chuyển biến tích cực của các ban ngành trong Trung ương Hội cũng như tại các hội địa phương.

+ Nếu như còn một việc mong muốn nhất mà bác chưa làm được là gì? Có lần tôi hỏi.

- Đó là xây dựng mô hình giáo dục không chính qui ngoài nhà trường. Điều này, tôi đang chuẩn bị văn bản gửi các cơ quan có trách nhiệm bởi hiện nay, chúng ta mới chú trọng nhiều đến giáo dục chính qui mà giáo dục chính qui trong nhà trường nhằm đào tạo nhân lực cho tương lai. Còn đối với nhân lực hiện hành, cần phải nâng cao kiến thức, nâng cao chuyên môn, tay nghề để tiếp thu được khoa học, công nghệ ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hơn nữa, nhân lực hiện hành chính là những người thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng.

+ Được biết dù vẫn nhận được rất nhiều sự tín nhiệm nhưng nhiệm kỳ tới, bác đã quyết định không tham gia...?

- Đúng là như vậy. Tôi đã tham gia 2 nhiệm kỳ, lại 87 tuổi rồi nên không thể nấn ná thêm được nữa. 11 năm qua là một phần quan trọng của cuộc đời tôi gắn với công tác khuyến học, khuyến tài. Để Hội Khuyến học có được những thành tựu như hôm nay, đó là nhờ công sức của tập thể. Tôi sẽ không làm được gì nếu như không có sự hợp tác chặt chẽ của đồng nghiệp, của các đồng chí trong thường vụ và thường trực Trung ương Hội, nếu không có sáng kiến và hành động đầy tâm huyết của các tổ chức khuyến học ở các địa phương.

Hai kỉ niệm nhỏ với một nhân cách lớn

Lần đầu tiên tôi gặp ông Cầm là dịp Tết năm 1999. Ngày đó, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có mục “Mỗi tháng một cuộc đối thoại”. Lần đó, Nhà văn Lê Lựu được tòa soạn cử đi phỏng vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm về công tác đối ngoại. Lê Lựu kéo tôi đi với nhiệm vụ ghi âm và chụp ảnh.

15 năm đã trôi qua, tôi không nhớ rõ nội dung chính cuộc phỏng vấn là gì nhưng đọng lại trong tôi, đó là một cuộc trò chuyện ấm áp. Cứ nghĩ Bộ trưởng Ngoại giao, ông sẽ dùng những ngôn ngữ xã giao trong giao tiếp, song trái lại là sự giản dị và thân mật.

Với nhà văn Lê Lựu, hình như không có khoảng cách giữa một vị Phó Thủ tướng Chính phủ với một ông Đại tá, Nhà báo, Nhà văn. Ông nói với Lê Lựu như tâm sự với một người em ít tuổi, một người bạn văn chương. Có lẽ phải hơn 2 giờ, họ đã say mê kể với nhau những kỉ niệm về Liên Xô, về Mátxcơva, về mùa thu Nga, về các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ của nước Nga và của cả Liên bang Xô viết. Nguyễn Mạnh Cầm còn kể với Lê Lựu rằng ngày còn trẻ, ông rất thích thơ và tập làm thơ. Có phải vì thế mà bản dịch “Số phận một con người” của ông, theo nhà thơ Bằng Việt, một dịch giả tiếng Nga nổi tiếng nhận xét có những đoạn còn hay hơn nguyên bản.

 

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm trong đợt đi cơ sở khuyến học


Về phía mình, tôi không ngờ đây là bài phỏng vấn chính khách đầu tiên trong đời làm báo dù tôi chỉ hỏi ông có một câu. Đó là khi Lê Lựu bảo: “Chú có hỏi gì bác Cầm không?”, tôi mới rụt rè hỏi về bí quyết của đối thoại trong ngoại giao. Ông đã trả lời tôi rằng với nhà ngoại giao, sự thẳng thắn, chân thành và kiên định, đặc biệt lúc nào cũng phải đặt lợi ích và danh dự của đất nước, của dân tộc và của nhân dân lên trên hết và luôn nhớ, đằng sau một nhà ngoại giao là cả một dân tộc!

Đầu năm nay, tôi mời ông Cầm về thăm quê tôi. Lý do là khi còn sống, ông cụ thân sinh ra tôi nung nấu làm một việc gì đó cho khuyến học, khuyến tài của làng xã nên từ nhiều năm nay, mỗi năm vào dịp đầu năm mới, tôi đều tổ chức trao học bổng cho học sinh tiểu học quê tôi, nguồn kinh phí ít ỏi là từ các bài in trên báo tết của tôi.

Số tiền nhỏ mọn, chẳng đáng gì nhưng biết lần này, ông Cầm sẽ nghỉ nên tôi mời ông về chia vui với nhà trường và gia đình tôi. Không ngờ, lời mời của tôi lại được ông đón nhận rất vui vẻ. Đen đủi thế nào, đúng vào ngày trao giải thì chiều hôm trước, ông Cầm nhập viện. Khi tôi thông báo, mọi người đều thoáng buồn nhưng do đây là điều bất khả kháng nên cũng thông cảm. Thế nhưng tối đó, tôi nhận được điện thoại và ông Cầm thông báo là vẫn đúng y như kế hoạch.

Té ra chiều hôm trước, cụ Cầm đã năn nỉ bác sĩ: “Tôi hẹn lâu rồi, không để đầu năm họ thất vọng”. Và một phác đồ điều trị cấp tốc được tiến hành. Sáng hôm đó, từ bệnh viện, ông đi thẳng về quê tôi dù bữa đó trời mưa lạnh để rồi sau khi kết thúc buổi lễ, ông lại lên thẳng bệnh viện để tiếp tục ca điều trị.

Việc đi thẳng từ bệnh viện, vượt hơn 120 km trong mưa rét đến dự rồi lại từ đó trở về ngay giường bệnh làm tất cả chúng tôi xúc động. Và tôi chợt hiểu rằng vì sao ông luôn được Đảng tin cậy, Nhân dân yêu mến và những người làm khuyến học cả nước tự hào về ông. Và cũng mới biết làm khuyến học, ngoài uy tín, năng lực và cả tiềm lực thì hơn hết, cần phải có một trái tim nhân hậu, một bầu nhiệt huyết và một tấm lòng biết hi sinh vì người khác.

Tác giả bài viết: Bùi Hoàng Tám

Nguồn tin: