Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Di tích vua Lê bên sông Lam

Dọc theo bờ sông Lam, trên địa phận H.Hưng Nguyên (Nghệ An), có một quần thể di tích lịch sử lâu đời, độc đáo thuộc triều đại nhà Lê cách nay hơn nửa thiên niên kỷ.

Đền vua Lê ở Nghệ An Ảnh: T.Đ.T
 

Người bản địa kể rằng, vùng này là đất Triều Khẩu xưa, được xem là vùng đất linh thiêng, in đậm những chiến tích hào hùng của Lê Lợi chống quân xâm lược nhà Minh. Sau khi xâm lược nước ta, quân nhà Minh đã xây dựng thành lũy, đồn ải trên núi Lam Thành, án ngữ cửa Hội và chia cắt vùng đồng bằng Nghệ An.

Năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo và nhân dân Triều Khẩu đã vây hãm thành Nghệ An, giết hàng vạn quân xâm lược. Sử sách mô tả thuyền giặc trôi ngổn ngang, thây chết tắc cả sông Lam, vũ khí thu được chồng chất như núi.

Tháng 4.1428, vua Lê Lợi ra chỉ dụ đặt lỵ sở trấn Nghệ An tại Triều Khẩu. Các vị vua từ Lê Lợi, đến Lê Thánh Tông và Quang Trung Nguyễn Huệ đã từng dừng chân ở đây. Vào năm 1470, vua Lê Thánh Tông cho xây đền thờ các vua Lê. Hơn 500 năm qua, đền thờ Lê Thái Tổ và bà Trinh Ý Nguyên phi được thờ tại đây.

Đến triều Chính Hòa (cuối thế kỷ 17), vua Lê Hy Tông tiếp tục rước linh vị Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông về đây cùng với gian thờ hổ tướng Lê Khôi.

Tài liệu của Ty Văn hóa Nghệ An đề ngày 25.1.1957 cho biết, đền được tu bổ vào năm 1859, có bốn tòa nhà, đặt kề nhau theo hình chữ I. Ở tòa thượng chính thờ vua Thái Tổ, bên hữu thờ vua Thái Tông, bên tả thờ vua Thánh Tông. Ở tòa trung từ dọc, thờ ba vị Đại Vương, con vua Thái Tổ. Còn tòa trung từ ngang thì để các tế khí. Bên phải bốn tòa nhà này là ngôi đền thờ bà Trinh Ý, vợ vua Thái Tổ, mẹ vua Thái Tông. Đền là một kiến trúc lớn, là công trình điêu khắc tinh xảo.

Di tích đến nay chỉ còn lại nhà thượng điện, còn nguyên đá mặt tròn đục chạm hình hoa thị, hương án sơn son thếp vàng, lư hương bằng đá xanh xám. Phía trong cùng của gian thờ còn nguyên bàn đặt long ngai.

Đầu long ngai được thể hiện bằng tượng mặt nguyệt viền tia lửa, phần mình và bệ trang trí rồng, hoa lá. Trên long ngai viết chữ Nho, được phiên âm là: Thái tổ Cao Hoàng đế, gian bên phải còn nguyên tượng công thần Kỳ lân Hổ vệ Thượng tướng quân Lê Khôi (cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột). Tượng cao 62 cm, vai rộng 37 cm... làm bằng gỗ quý, rất linh. Người trông coi đền cho biết muốn chụp được ảnh phải thắp hương khấn, nếu không thì chẳng lên hình.

Cách đền thờ các vua Lê khoảng 1 km, chúng tôi được đưa đến thăm đền Bạch Đế (đền Hai Voi) và đọc thấy nhiều sắc phong cổ từ các triều đại nhà Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Đây là ngôi đền xây dựng bên bờ sông Lam đã hơn 500 năm với kiến trúc trầm mặc, có tượng hai voi đá chầu hầu phía trước. Tương truyền khi vua Lê Thánh Tông đưa quân vào đánh Chiêm thành, gặp sóng to gió lớn đã quay về đây trú tránh. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, vua quay về xây đền để tạ ơn trời đất.

Đền vua Lê được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia từ đầu năm 1997, hai trụ cổng cao vút chìm khuất và gãy đổ dưới những lớp phù sa đã được khai quật, phục hồi tạo lại một cảnh quan uy nghiêm bên tả ngạn sông Lam.

Cũng từ chiến thắng quân Minh trong lịch sử, vùng Hưng Nguyên từ xưa đã tổ chức trang trọng lễ hội truyền thống mang tên "Lễ hội vua Lê" bằng hình thức diễn lại trận thủy chiến giữa nghĩa quân Lam Sơn trên sông Lam và các nghi lễ dân gian, tín ngưỡng khác. Các cụ già ở xã Hưng Khánh cho biết, cứ 12 năm một lần, lễ hội được tổ chức đúng ngày giỗ vua Lê Thái Tổ vào tháng 8 âm lịch.

Tác giả bài viết: Trương Điện Thắng