Bí mật 'lò thanh trừng' thời thế chiến II
- 08:04 21-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời Chiến tranh thế giới thứ hai ở Ukraine, người Do Thái đã bị làm nhục và bị giết hại một cách hết sức dã man. Hôm nay, các nhân chứng đã phá vỡ “Luật im lặng” để tường thuật cho nhân loại biết về bí mật của một nơi gọi là “Lò thanh trừng” chuyên lùng và diệt các nạn nhân Do Thái ở Ukraine.
Từ 1,4 đến 1,6 triệu người Do Thái đã bị sát hại ở Ukraine hồi Đại chiến thế giới thứ hai, họ bị chôn vùi trong các ngôi mộ tập thể, như ngôi mộ lộ thiên Kamianets-Podilskyi
Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đầy nghiệt ngã, và quy mô chấn động của nạn tàn sát người Do Thái ở Ukraine cuối cùng đã được tiết lộ nhờ công sức và hành động quả cảm của một vị linh mục Công giáo người Pháp khi ông dành nhiều năm để nghiên cứu về quy mô tàn sát tàn bạo này.
Tội ác kinh hoàng
Có khoảng 2.000 ngôi mộ tập thể an táng các nạn nhân người Do Thái, nơi cánh đàn ông, đàn bà và trẻ con, đã bị chôn vùi bởi quân Đức. Trong nhiều trường hợp, người Do Thái được lệnh phải đào những cái hố lớn, rồi bị ép lột đồ trần truồng trước khi bị bắn chết bởi những tên sát nhân “máu lạnh”. Một số nạn nhân bị chôn sống.
Linh mục Pháp, đức cha Patrick Desbois, người từng là một tù binh chiến tranh bị nhốt trong một trại tập trung ở Ukraine dưới thời Chiến tranh thế giới thứ hai, đã có một cuộc tìm kiếm công phu. Ông đã khám phá ra hàng tá tài liệu chỉ rõ cách thức làm thế nào mà người Do Thái bị hành quyết để “mua vui” cho Đức Quốc xã.
Tờ Mail Online dẫn lời sử gia hàng đầu Ukraine, Mikhail Tyaglyy, nói rằng số lượng người Do Thái là nạn nhân của các đợt thanh trừng chỉ riêng ở Ukraine nằm trong khoảng từ 1,4 triệu đến 1,6 triệu người, cao hơn mức công bố trước đó áng chừng ở mốc 1 triệu người.
Cuộc tìm kiếm đã đưa cha Desbois đến địa điểm có 4 ngôi mộ tập thể quanh vùng Rava Ruska, nằm kề biên giới Ba Lan, với khoảng 15.000 người Do Thái đã bị sát hại, cũng là nơi tồn tại một trại của Đức Quốc xã mà ông nội Claudius Desbois của đức Cha Desbois từng bị giam hãm.
Dần dần, những dân làng cao niên – từng sống yên lặng trong suốt đời mình, chủ yếu dưới chính quyền Liên Xô – đã mở lòng với Cha Desbois, cùng hàng trăm nhân chứng khác tại nhiều ngôi làng và thành phố ở khắp Ukraine.
Một phụ nữ Do Thái bị lính Đức cưỡng bức cởi truồng, rồi đánh đập đến chết
Lời kể ám ảnh
Một trong các câu chuyện từ Rava Ruska là của một sĩ quan Đức Quốc xã – người đã nhìn thấy một thiếu nữ Do Thái rời khỏi khu “nhà thổ” ra chợ để mua bơ. Viên sĩ quan khi đó lệnh cho cô gái phải khỏa thâncho người bán bơ trét bơ lên khắp người rồi dùng gậy đánh cô gái đến chết.
Trong một câu chuyện khác, cựu sĩ quan Đức Quốc xã này kể rằng đã nhìn thấy cái cảnh “một lính Đức tìm cách cướp đứa bé con từ một người mẹ Do Thái. Đứa nhỏ cỡ 2 tuổi, tên lính đã dộng đầu đứa bé vào tường cho đến khi nó chết... Đầu đứa bé vỡ toang, máu tuôn xối xả trong ánh mắt đau khổ tột độ của cha mẹ bé”.
Còn một nhân chứng cao tuổi được biết đến dưới cái tên Yaroslav đã dẫn Cha Desbois đến một địa điểm ngoài thành phố Rava Ruska, và nói rằng ông cụ đã tận mắt chứng kiến một hành vi giết hại man rợ một bé trai 13 tuổi vào năm 1942.
Yaroslav là người cao tuổi đầu tiên trong làng kể với Cha Desbois về cái thời khắc mà cụ ám ảnh mãi không quên. Cụ Yaroslav mô tả, dòng người Do Thái đi chân trần và bị ép lột bỏ quần áo trước khi họ tập trung tại “một ngôi mộ” ở Rava Ruska.
Cha Desbois với giọng nói đầy vẻ xúc động, kể: “Cụ Yaroslav dẫn tôi vào rừng cùng với 50 cụ già nông dân khác, họ đều rất khắc khổ, từng chứng kiến vụ giết người. Họ mô tả các nạn nhân bị bắn chết lần lượt.
Một cụ nói rằng một tên lính Đức đến “mộ” bằng xe gắn máy. Hắn lái xe quanh làng. Cùng lúc đó mọi người ngờ ngợ chuyện gì đang diễn ra. Hóa ra, tên lính Đức đang thẩm định địa điểm chính xác để “đào mả”, đó chính là “ngôi mộ tập thể dành cho các nạn nhân Do Thái ở Rava Ruska”.
Nhân dịp có mặt đức Cha Desbois, ước độ 1.500 người Do Thái đã tuần hành đến khu vực có hố đào khổng lồ, nơi vùi xác những người Do Thái bị sát hại bằng thuốc nổ. Cụ Yaroslav kể lại thảm cảnh khi đám người Do Thái bị bắn chết, những tử thi nằm xếp chồng lên nhau, trên cùng là xác những thanh niên trẻ người dân địa phương bị lính Đức trưng dụng đào mộ trước đó.
Quần áo của các nạn nhân bị lính Đức tranh giành để lột tiền bạc và tài sản quý. Sau khi lấp đất, ngôi mộ tập thể có dấu hiệu như bị ai đó đào bới cho thấy rất có khả năng các nạn nhân vẫn chưa chết và cố đào mộ để thoát ra ngoài. Một tuần sau đó, máu người chết vẫn không ngừng rỉ ra từ ngôi mả rùng rợn này.
Cụ bà Olha Havrylivna – năm đó (năm 1942) khoảng 12 tuổi và đã tận mắt chứng kiến sự tàn bạo ở đây. Giọng run rẩy, cụ Havrylivna thều thào nhớ lại: “Chúng tôi liên tục nhìn thấy cảnh bắt bớ, giết hại đến tàn nhẫn.
Người Do Thái ở Ukraine không những bị lính Đức thanh trừng mà họ còn là đối tượng để bị hành hạ nơi công cộng
Đám lính Đức mang những người Do Thái đến làng chúng tôi, bắt các nạn nhân đứng bên miệng hố và lần lượt bắn chết họ. Bọn tôi trông thấy ngôi mộ như có sự dịch chuyển chứng tỏ một vài người vẫn còn sống. Hồi đó, tụi tôi còn nhỏ quá, nên thật khó để hiểu chuyện gì đang diễn ra. Đó là một bi kịch, một tấn bi kịch thảm sầu.
Ngày đó, chúng tôi đến xem đám lính Đức dẫn người Do Thái, đa phần các nạn nhân ở ngưỡng 60 hay 70 tuổi. Chúng tôi nhìn thấy họ nhưng không được phép đến quá gần”. Cụ Olha Havrylivna nhớ lại, có khoảng 15 tên lính Đức đứng quanh “ngôi mộ” và các “tử tội” đứng thành từng tốp. Những người Do Thái đầu tiên rơi vào huyệt trong tình trạng tuyệt vọng cùng cực.
Không thể tha thứ
Một nhân chứng khác là cụ ông Gregory Haven, nhớ lại cảnh bọn lính Đức trước khi hành quyết các nạn nhân đã ra lệnh cho toàn bộ người Do Thái trong làng phải mang một cái băng trên cánh tay phải, có hình ngôi sao David.
Quần áo của các nạn nhân màu trắng và có một ngôi sao đen. Bọn lính Đức bắt đầu “bắn chết người già và trẻ con, để lại những người tuổi từ 18 đến 45 để làm việc cho chúng. Cách đó 3 km, bọn lính Đức giết hại các nạn nhân.
Tôi không nhìn thấy các nạn nhân nhưng nghe tiếng súng nổ liên hồi. Tôi trông thấy cảnh một người Do Thái trẻ mang những tử thi trên một chiếc xe bò để chở đến một nghĩa địa Do Thái.
Suốt mùa Đông năm 1942, máu tươi nhuộm đỏ nền đất”. Ở một trong những vụ giết người hàng loạt, ngay buổi tối hôm đó, cụ Gregory Haven rùng mình nhớ lại: “Chúng tôi bắt đầu ngửi một thứ mùi lạ, đó là mùi của chết chóc, lính Đức buộc những người có xe ngựa chở cát đến lấp các ngôi mộ tập thể. Bọn họ đổ Chlorine vào mộ nhằm khiến cho mộ sụt sâu thêm một mét, rồi máu tươi bắt đầu ngừng chảy”.
Ông nội của Cha Desbois – một tù chính trị Pháp – đã về được đến nhà sau một thời gian cố gắng duy trì sự sống bằng cách ăn hoa cỏ dại. Cha Desbois lặng người nhớ lại: “Nội tôi im bặt kể từ lúc đó. Cụ chỉ nói rằng ngoài trại vậy là kinh khủng hơn bên trong. Tôi muốn hiểu tại sao, và rồi tôi khám phá ra rằng 18.000 người Do Thái đã bị bắn chết tại Rava Ruska”.
Các tình tiết đã trở nên rõ ràng cho Cha Desbois cũng như các cụ già Ukraine như cụ Yaroslav, những nhân chứng của các tội ác kinh tởm, muốn kết thúc “Luật im lặng” đối với những hình ảnh khủng khiếp mà họ đã nhìn thấy khi còn trẻ.
4.000 người Do Thái bị thủ tiêu ở Lviv, cách thành phố Rava Ruska khoảng 31 dặm.
Cha Desbois kết luận: “Những người có mặt tại các vụ thanh trừng chỉ muốn nói hết những gì mà họ biết trước khi nhắm mắt xuôi tay. Nhiều người bị lính Đức trưng dụng để đào mồ chôn tập thể, rồi cuối cùng họ cũng chung số phận với nạn nhân. Thật kinh khủng! Đó là những tội ác không thể tha thứ của chủ nghĩa phát xít”...
Tác giả bài viết: Thanh Hải – Hải Nguyễn