Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Bức tường lửa” nơi biên giới

Không chỉ “nóng” về ma túy, trong nhiều năm qua, Quế Phong còn là một trong những địa phương có số người nhiễm HIV nhiều nhất tỉnh Nghệ An, với 1.261 người, trong đó, 518 người đã tử vong. Và, những con số ám ảnh, đau thương ấy có thể vẫn chưa dừng lại…

 Lâu nay, Quế Phong nổi tiếng là điểm nóng về ma túy của cả nước. Khi đặt chân lên bất cứ bản làng nào ở huyện biên giới nằm mút ngọn miền tây xứ Nghệ này, người ta cũng có thể bắt gặp vô số những gia đình, những phận đời bầm rập vì ma túy. Ở đây, có cả một "thế giới người nghiện" lên tới hàng nghìn, rồi nhiễm HIV, rồi chết rục trong sự hắt hủi, xót xa. Đại họa ma túy, HIV/AIDS, nó chả khác gì "cơn gió độc" cuốn đi những trai Mông, gái Thái tuổi mười tám, đôi mươi, đẩy nhiều gia đình lâm vào thảm cảnh: mẹ mất con, vợ mất chồng, trẻ con côi cút như đá cuội.

Để ngăn không cho những"cơn lốc ấy" tiếp tục tàn phá các bản làng, trong suốt những năm vừa qua, chính quyền và các lực lượng chức năng huyện Quế Phong đã và đang ngày đêm dốc sức dựng lên "bức tường lửa" vững chãi nơi biên giới.

“Lá xanh” rụng xuống đại ngàn…

Theo con số thống kê của cơ quan chức năng, hiện Quế Phong có 743 người nhiễm HIV, sống trải đều trên cả 14 xã và thị trấn. Trong rất nhiều con đường dẫn đồng bào ở đây đến với “căn bệnh tử thần” thì tiêm chích ma túy là con đường “chính ngạch”, bởi nó chiếm tỷ lệ  tới 90,4%. Chỉ tính trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện Quế Phong có 14 người chết vì liên quan đến HIV/AIDS và ma túy. Còn trước đó, năm 2015, con số tử vong là 47 người. Toàn những trai Mông, gái Thái tuổi mười tám đôi mươi đổ đời vào ma túy, dùng chung kim tiêm, rồi dính “ết”, rồi “giã biệt đường trần” ra nằm bên lối đá hoang vu.

Ma túy - nghiện - dính “ết” rồi chờ chết, cái “vòng luân hồi chết chóc” ấy đã hủy hoại quá nhiều mái đầu xanh ở nơi này. Vẫn biết muốn ngăn được đại họa HIV/AIDS, không cho nó tiếp tục tàn phá các bản làng, trước hết cần phải ngăn chặn, đẩy lùi được tội phạm và các tệ nạn về ma túy, kiểm soát và kiềm chế được số người mắc nghiện. Song nhiều năm qua, qua công tác điều tra, bóc tách, phá án của lực lượng công an đã làm bật ra một sự thật đau buồn: Có quá nhiều gia đình mà cả bố mẹ và con cái đều phạm tội về ma túy. Như trường hợp gia đình ông Hà Văn Dũng, SN 1947 ở Quế Sơn chẳng hạn. Cứ vợ ra tù thì ông nhập trại, hai đứa con mới sắp sửa mãn hạn thì vợ ông đã vội vã vào thay.

“Bức tường lửa” nơi biên giới

 

Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong: “Phải “cứu” đồng bào bằng mọi giá…”


Đó là chưa kể đến những mối quan hệ làng xóm, thân quen, đồng môn, đồng ngũ; sự chằng chịt quan hệ, vai vế, ân tình của đồng bào cùng với tỷ lệ “con nghiện” luôn vào hàng… cao nhất tỉnh với 777 người, trong đó có đến 91% đối tượng đã bị nhiễm HIV - những yếu tố đó đã khiến cho cuộc chiến chống ma tuý ở Quế Phong thậm khó. Con nghiện là đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, thậm chí có đứa trẻ vừa mới sinh ra đã làm quen với thuốc phiện khi phải bú dòng sữa của bà mẹ nghiện.

Có những gia đình ba bốn đời nối nhau nghiện; có những bà mẹ mang nặng đẻ đau ngót nghét chục lần, rồi kỳ cụi, sấp ngửa, lần hồi nuôi con trong bóng tối. Đến khi chúng vừa mới thấc lên một chút thì nhất loạt cuồng quẫy lao vào ma túy để rồi thằng dựa cột, đứa nghiện phơ phếch, vật vờ như những bóng ma. “Lá xanh” cứ lặng lẽ rụng trước “lá vàng”. Có chi tộc tuyệt tự do không có người nối dõi, vì từ ông đến cháu đều nghiện oặt rồi theo nhau “về nơi chín suối”. Có gia đình chồng lây nhiễm HIV do tiêm chích, rồi trước khi thành người thiên cổ, anh cũng kịp mang con vi rút chết người ấy về hồn nhiên gieo lên đủ khắp vợ con. Đó là trường hợp của gia đình chị Lô Thị Vui, ở xã Tiền Phong…

Ở Quế Phong, có những bản, làng chỉ cần gọi tên cũng đã gợi cho người ta những dự cảm chẳng lành, như Tiền Phong, Thông Thụ, Châu Kim và đặc biệt là Mường Nọc. Nói Mường Nọc đặc biệt là bởi chỉ với hơn 1.400 hộ dân, nhưng có những thời điểm số đối tượng phải đi tù vì những tội danh liên quan đến ma tuý của xã này lên tới 100 người. Còn hiện nay, theo con số thống kê của các cơ quan chức năng, Mường Nọc có đến 120 người nghiện, và trên 200 đối tượng nhiễm HIV. Đó là con số trên sổ sách, chứ trên thực tế, có thể nó còn lớn hơn nhiều.

Nếu nói Mường Nọc là “điểm nóng” ma túy của Quế Phong với 37 điểm bán lẻ, 42 đối tượng, thì Mường Mừn là “điểm đen” của Mường Nọc. Cả bản có 87 hộ thì có đến 65 hộ liên quan đến ma túy. “Có những gia đình 3,4 người nghiện; có những đôi vợ chồng chỉ vì muốn tránh “tai mắt” công an mà lôi cả con ruột của mình vào việc buôn ma túy. Người nghiện già có, trẻ có, nhưng nhiều nhất phải kể đến những đối tượng từ 20 – 39 tuổi, chiếm tới 79%”, ông Lương Trường Sơn, Trưởng Công an xã Mường Nọc chia sẻ.

Trong số hàng trăm kẻ “giời đày” bập vào “cơm đen” và “cái chết trắng” ở đây có đủ thành phần, từ dân thường đến cán bộ, thậm chí cả cựu Bộ đội Biên phòng cũng nghiện, như trường hợp của Vi Thanh Lịch, SN 1978, nhà ở bản Nà Phày. Còn cách nhà Lịch cũng chỉ một thôi đường, có ông bố Lô Văn Thái chả hiểu “dìu dắt” thế nào, giờ hai người con trai của ông là Lô Văn Cả và Lô Văn Tâm ngày nào cũng nằm gác “bàn đèn” cùng với bố. Cứ thế, những u mê, mông muội đã ủ nhiều đồng bào người Mông, người Thái trong khói phù dung. Những cái tên “xóm ma tuý” hay “làng “ết”” dần được gắn với một số thôn bản ở đây như một nỗi hổ thẹn, một nỗi đau không thể nguôi ngoai.

“Phải “cứu” đồng bào bằng mọi giá…”

“Đồng bào ở đây, từ đời cha, đời ông, rồi đến đời họ đều sống lang bạt trong những cánh rừng già, sống với con ma rừng, với bệnh tật và sự lạc hậu tột cùng. Nhìn những thanh niên người Mông, người Thái vâm vam như đại bàng núi mà cứ đổ đời vào ma túy rồi dính “ết” thì mình phải nghĩ ra cách gì đó để cứu họ, để “đánh thức” họ chứ? Chẳng lẽ để họ chìm lút trong u mê, lầm lạc mãi như thế hay sao? Nhất định phải ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn về ma túy, qua đó kéo giảm số người nghiện và nhiễm HIV trên địa bàn xuống. Phải “cứu” đồng bào bằng mọi giá”, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong quả quyết.

Với quyết tâm ấy, Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, phòng chống AIDS và tệ nạn xã hội huyện Quế Phong được thành lập do đích thân ông Lê Văn Giáp làm Trưởng ban; ông Vi Văn Giang, Trưởng Công an huyện làm Phó ban; còn Ủy viên thường trực và Thành viên Ban chỉ đạo gồm thủ trưởng các đơn vị như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Biên phòng, Y tế… Nhiệm vụ chống “bão”, ngăn “gió độc” giờ không còn phó mặc cho riêng lực lượng công an mà huy động cả hệ thống chính trị rùng rùng vào cuộc. Mỗi cá nhân, đơn vị đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Mục tiêu chung là phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp nhằm kiểm soát, làm giảm tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.

“Bức tường lửa” nơi biên giới

 

Cán bộ Công an huyện Quế Phong và Công an xã Mường Nọc tích cực vận động đồng bào “Nói không với ma túy”


Tất cả từ Trưởng, Phó ban đến các Thành viên Ban chỉ đạo đều thống nhất: Chủ trương phải bám dân, bám địa bàn, đối mặt với thực tế. Công tác vận động, tuyên truyền bắt đầu được triển khai quyết liệt. Băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy được cán bộ các cơ quan đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên chằng buộc sau xe, vượt đường rừng lên tận xã, “cõng” vào từng bản treo rợp lối ngõ; Đài phát thanh và truyền hình của huyện liên tục phát các chương trình có nội dung về phòng chống ma túy và HIV; hàng trăm buổi tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cũng được các cơ quan, Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội ở các xã, bản phối kết hợp tổ chức với nhiều nội dung phong phú, thu hút hàng nghìn lượt đồng bào tham dự, nhất là những người nghiện ma túy và người nhiễm HIV.

Còn Tòa án huyện thì gần như tháng nào cũng cử cán bộ khiêng, vác vành móng ngựa “vén mây vượt núi”, đưa các phiên tòa xét xử tội về phạm ma túy đi xét xử lưu động tại những xã bản vùng sâu vùng xa, nhằm tuyên truyền kiến thức pháp luật cho đồng bào. Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm qua, trung bình mỗi năm Tòa án huyện đưa ra xét xử 60 – 70 vụ án ma túy, tuyên phạt tù từ 100 đến 120 đối tượng. Những kẻ chuyên gieo rắc “cái chết trắng” dần bị cách li khỏi cộng đồng.

Cùng với đó, Công an, Biên phòng liên tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, đồng thời tăng cường cử cán bộ về “cắm bản”, “ba cùng” với đồng bào; phối kết hợp với chính quyền cơ sở vận động đồng bào “Nói không với ma túy” và tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Ở những xã bản được liệt vào hàng “điểm nóng” về ma túy của huyện như Thông Thụ, Tiền Phong, Châu Kim, Mường Nọc luôn được đặt trong sự giám sát chặt chẽ của các lực lượng chức năng. “Nhất cử nhất động” của các đối tượng liên quan đến ma túy ở đây đều nằm trong “tầm ngắm” của cán bộ “nằm vùng”.

Trong cuộc chiến cam go với những đại ca, ông trùm ma túy, biết bao mồ hôi, công sức và thậm chí là cả máu của cán bộ, chiến sỹ đã phải đổ xuống. Như trường hợp Trung úy Lê Văn Tuấn, cán bộ Đội Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện Quế Phong. Vào ngày 16/9/2016 vừa qua, trong quá trình vây bắt hai đối tượng Thò Chông Pó và Thò Hua Lỳ (cùng trú tại huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào) khi chúng đang trên đường vận chuyển heroin vào Việt Nam qua Mường Phú (Thông Thụ, Quế Phong), Trung úy Tuấn bất ngờ bị một tên dùng súng chống trả quyết liệt. Dù trúng hai viên đạn vào vùng mông và đùi trái, Trung úy Tuấn vẫn dũng cảm lao vào quật ngã, khống chế một tên. Ngay sau đó, đồng đội anh cũng ập vào hỗ trợ và bắt giữ tên còn lại.

Dù máu đào có đổ giữa thời bình như thế, vẫn không ngăn được các lực lượng chức năng của huyện Quế Phong dựng lên “bức tường lửa”, từng bước chặn “dòng thác tử thần” hêroin, thuốc phiện, ma tuý chảy vào nước ta từ phía bên kia biên giới, đẩy đuổi những “cơn gió độc” khỏi các bản làng. Và đặc biệt, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị mà mấy năm nay tệ nạn ma túy và số người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS cũng giảm dần. Nếu năm 2013, Quế Phong có đến 844 người nghiện và 1.261 người nhiễm HIV, thì hiện nay số người nghiện ở đây chỉ còn 777 người, và nhiễm HIV là 743 người…

Đó là những thành quả hết sức đáng khích lệ sau những cố gắng của chính quyền và các cơ quan ban ngành trong huyện. Thế nhưng, làm sao để vận động được số người nghiện còn lại đi cai và người nhiễm HIV tích cực tham gia điều trị? Câu hỏi đó vẫn luôn đay đả trong đầu mỗi cán bộ tâm huyết và mẫn cán của vùng đất biên viễn Quế Phong này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trung Thành