Lớp học bị cắt điện chiếu sáng, quạt mát vì kinh phí quá ít
- 11:08 20-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lớp học bị cắt điện chiếu sáng và quạt mát
Muốn dùng điện trong lớp phải báo cáo!
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con em theo học tại Trường THCS xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn, từ đầu năm học 2016-2017 đến thời điểm này, con em của họ phải học trong điều kiện thiếu ánh sáng và quạt mát.
Vấn đề này được thầy Nguyễn Thọ Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Bình Sơn giải thích, năm học này, trường có 4 lớp, kinh phí chi thường xuyên của nhà trường được cấp là 20 triệu. Trong đó trừ 2 triệu tiền tiết kiệm 10%, còn lại 18 triệu, được chi cho tất cả các hoạt động từ giấy thi, kiểm tra, hội họp, công tác phí... Những năm trước, do xã hội hóa giáo dục nên tiền điện là do các bậc phụ huynh hỗ trợ.
Học sinh học trong điều kiện thiếu ánh sáng
Theo giải thích của thầy Bình thì nguyên nhân bắt nguồn từ việc trước đây nhà trường có thu xã hội hóa tiền điện, nhưng cán bộ trong trường có đơn kiện lên cấp trên, thanh tra đã vào cuộc và yêu cầu nhà trường phải dừng lại và trả tiền cho phụ huynh.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về phản ánh của phụ huynh đối với việc học sinh không có điện chiếu sáng và quạt mát, thầy Bình khẳng định: “Có điện chứ, như hôm nay tôi cắt vì trời mát mẻ, kế cả phòng thầy cũng phải cắt. Anh vô tôi bật chứ không là cắt hết, tiết kiệm đến mức tối đa. Học sinh ra chơi, toát mồ hôi vào bật quạt tôi không cho, chỉ có trường hợp nóng quá mới cho, buổi trưa, hoặc tiết 3, tiết 4 cho điện”.
“Phương án” mà nhà trường đề ra cho vấn đề “tiết kiệm điện” là giao bảo vệ chịu trách nhiệm, không cho học sinh tự đóng, mở điện. Trong trường hợp trời tối quá, báo cáo xin hiệu trưởng đồng ý cho mở, đến lúc học sinh cảm thấy sáng rồi thì giáo viên bộ môn có trách nhiệm xuống báo cắt; trời nóng quá thì báo cáo để đóng điện cho dùng quạt.
Được biết, kinh phí hỗ trợ tiền điện nằm trong nguồn kinh phí chi thường xuyên cấp cho đơn vị trường học. Trước đây, với quy mô 8 lớp, mỗi năm, Trường THCS Bình Sơn được cấp 40 triệu đồng. Trong đó có tiết kiệm 10%, còn 36 triệu, theo lãnh đạo nhà trường, số tiền này chi cho nhiều hoạt động chuyên môn của nhà trường nên dẫn đến chi phí tiền điện còn rất ít.
“Các phòng học quạt như thế, điện như thế thì làm sao đủ ngân sách chi cho tiền điện của học sinh, cái này phụ huynh học sinh muốn cho con em học sáng, quạt mát tự nguyện chứ chúng tôi cũng không vận động gì cả”, thầy Bình nói.
Thời tiết nóng nực phải dùng sách vở để quạt
Theo báo cáo kế hoạch năm học 2016-2017 của Trường THCS Bình Sơn thì kinh phí xã hội hóa giáo dục tiền điện và hỗ trợ bảo vệ làm vệ sinh thay cho học sinh bị kiện và Thanh tra huyện đã yêu cầu hội phụ huynh nộp kho bạc 40 triệu đồng đã chi cho bảo vệ và chi tiền điện trong 2 năm học 2014-2015 và 2015-2016. Do đó, năm học 2016-2017, nhà trường không cho phụ huynh thu khoản tiền này. Đề nghị UBND xã hỗ trợ nguồn kinh phí để học sinh có điện chiếu sáng.
Bản thân hiệu trưởng, nóng cũng phải chịu!?
Xã Bình Sơn là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, địa hình hay có sương mù. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, thời tiết tuy không nắng nhưng oi bức, trong phòng học thiếu ánh sáng, học sinh ngồi chen chúc, phải dùng sách thay quạt. Trong khi đó, hệ thống điện và quạt chỉ để làm cảnh còn học sinh không được phép dùng. Nói như thầy Bình: “Nếu hôm nay mở điện thì cả năm mở điện luôn”.
Liên quan đến thông tin, học sinh phải đưa quạt mo và đèn thắp sáng kèm theo đến lớp, thầy Bình khẳng định: “Cái đó là đúng, bởi vì đơn giản đầu vào không có và đầu ra phải có mà chúng tôi không nợ được. Trong giáo dục nợ lấy gì để bù, bán thì không có tài sản, dịch vụ gì cả. Trong khi nguồn kinh phí nhà nước hạn hẹp không đủ, chứ không phải có tiền mà không thực hiện. Chính bản thân hiệu trưởng cũng không có quạt, ngồi nóng cũng phải chịu”.
Còn hệ thống bóng điện và quạt trần không được phép dùng
Được biết, Trường THCS Bình Sơn có 161 học trong, trong đó 40% là con em dân tộc Kinh, 30% học sinh dân tộc Thái và con em dân tộc Mường chiếm 30%.
Trước vấn đề trên, ban giám hiệu nhà trường đã có tờ trình sang xã, còn UBND xã thì “trình bày hoàn cảnh” đang làm hội trường và xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn cho nên kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất, trang trải cho nhà trường không đủ. Xã có nhã ý “nhờ” nhà trường kêu gọi xã hội hóa giáo dục.
Còn về phía phụ huynh thì “xin” được đóng góp để chi tiền điện cho con em nhưng nhà trường không đồng ý. Lý do là năm học 2015-2016, liên quan đến vấn đề thu chi, chính cán bộ trong trường đã có đơn gửi cấp trên đề nghị thanh tra, làm rõ.
Trả lời câu hỏi về việc thiếu điện chiếu sáng và quạt mát có ảnh hưởng đến sức khỏe, việc dạy học của giáo viên và học sinh thì lãnh đạo nhà trường cho rằng, có kém hơn khi có điện. “Những bữa mà như hôm nay sáng bình thường như thế này học sinh quan sát tốt, mặc dù kém hơn khi có điện, nên chúng tôi thông báo học sinh tạm cắt điện cho đến lúc nóng quá, lớp trưởng xuống thông báo với nhà trường, tuyệt đối học sinh không được đóng, ngắt điện vì không may xảy ra chập nổ ảnh hưởng đến tính mạng con người trong nhà trường”, thầy Bình giải thích.
Bà Cù Thị Liên - Hội phó hội cha mẹ học sinh Trường THCS Bình Sơn cho biết, nếu huyện cho điện để con em chúng tôi học thì phải đảm bảo từ đầu đến cuối. Trước kia chưa có điện, chúng tôi phải mua dầu cho con ăn học rồi. Từ đầu mùa đến giờ, con em chúng tôi chỉ được dùng bằng số tiền huyện cho thôi. Không có ánh sáng, con em chúng tôi không học được, giáo viên cũng kém mắt".
Thầy Nguyễn Thọ Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Bình Sơn cho rằng, do nguồn kinh phí quá ít, không đủ trang trải
Còn ông Lê Văn Thanh - Hội trưởng hội cha mẹ học sinh cho rằng, do đặc thù vùng miền núi thời tiết xấu, mưa gió, giông tố ảnh hưởng đến hệ thống điện, dẫn đến học sinh nhiều lúc không có đủ điện chiếu sáng, quạt mát trong lớp. Do kinh phí quá ít không đủ để chi trả tiền điện. Các cháu, các cô trên lớp cũng kêu không đủ điện để đảm bảo việc học. Chúng tôi đề nghị cấp trên xem xét tình hình cụ thể, đặc thù trên này cấp thêm kinh phí tiền điện để cho nhà trường chi trả, phục vụ cho việc dạy và học ngày càng tốt hơn.
Về phía UBND xã Bình Sơn, ông Ngân Văn Qúy - Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương hỗ trợ tiền điện 300 nghìn đồng/ tháng, do điều kiện còn rất khó khăn, chỉ đảm bảo được phần nào. Ông Qúy cũng cho rằng, tiền điện và tiền bảo vệ là phụ huynh phải lo? Xã có nhận được phản ánh của phụ huynh về vấn đề này, nhà trường mới có báo cáo xã và chưa có kế hoạch báo cáo huyện.
Trong khi nhà trường thì kêu thiếu kinh phí, địa phương than hoàn cảnh khó khăn, các bậc phụ huynh "bó tay" thì hàng trăm em học sinh, giáo viên phải dạy và học trong môi trường điện chiếu sáng và quạt mát chập chờn, lúc có, lúc không...
Tác giả bài viết: Duy Tuyên
Nguồn tin: