Em Bí thư Hà Giang: Tức vì thông tin không đúng sự thật
- 11:06 20-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trao đổi với VietNamNet chiều qua về việc “cả họ làm quan”, Bí thư huyện Quang Bình Triệu Tài Phong kể: Cũng tức đôi chút, nhưng không ảnh hưởng đến công việc.
Ông Phong là em ruột Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh. Ông cho biết không đồng tình với việc "một số tờ báo gọi qua điện thoại chỉ hỏi thông tin để xác nhận ông có phải em ruột Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh không", sau đó đưa bài và hình ảnh của ông lên trang mạng là không minh bạch, khách quan.
“Đó không phải là cuộc phỏng vấn đích xác. Tôi không đồng tình cách đó”.
Ông còn cho biết: Tôi cũng công tác trong ngành báo chí, truyền hình nhiều năm. Tôi vẫn có thẻ nhà báo và từng làm lãnh đạo trong Hội Nhà báo tỉnh.
“Đó không phải là cuộc phỏng vấn đích xác. Tôi không đồng tình cách đó”.
Ông còn cho biết: Tôi cũng công tác trong ngành báo chí, truyền hình nhiều năm. Tôi vẫn có thẻ nhà báo và từng làm lãnh đạo trong Hội Nhà báo tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Quang Bình Triệu Tài Phong, em ruột Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh. Ảnh: Kiên Trung
Về câu chuyện đang ồn ào dư luận vừa qua, ý kiến của cá nhân ông khi biết được sự việc này như thế nào?
Dư luận chỉ là dư luận, cá nhân tôi chẳng thấy nó có gì liên quan cả. Nếu bảo có tức thì có tức đôi chút vì nó không đúng sự thật. Chúng tôi đi từ cơ sở, phải lăn lộn từ cơ sở mới làm được. Cũng phải học thì mới làm được chứ đâu phải tự nhiên làm được đâu.
Thứ hai, thông tin đó nói không đúng sự thật ở chỗ, có những cái họ biết nhưng cứ cố tình nâng lên thì sao. Cho nên, tôi cũng không quan tâm đến việc họ nói đúng hay sai, vì đằng nào họ cũng đưa lên rồi, chúng tôi không có trách nhiệm đi giải trình hay làm rõ cái đó.
Ông có thể cho biết quá trình học tập và công tác của ông?
Tôi đi công tác trước anh Vinh rất nhiều. Từ năm 1989 tôi bắt đầu đi công tác rồi. Anh Vinh mãi từ 1995 mới đi công tác.
Tôi công tác ở Phòng văn hóa Hoàng Su Phì từ tháng 8/1989. Đến tháng 8/1992 tôi ra Hà Giang là phóng viên ở Đài Truyền hình tỉnh.
"Anh ruột tôi làm Bí thư Tỉnh ủy nhưng huyện Quang Bình không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào"
Năm 1998 tôi được bổ nhiệm làm Phó phòng của Đài PTTH Hà Giang. Đến tháng 12/2003 tôi được bổ nhiệm lên PGĐ phụ trách nội dung. Tháng 5/2007 tỉnh điều tôi xuống làm PCT huyện Quang Bình. Tháng 3/2011 tôi làm Chủ tịch huyện.
Tháng 4/2015 tôi sang Huyện ủy làm Bí thư.
Tôi học Báo chí, lớp tại chức đầu tiên của Phân viện Báo chí Tuyên truyền (nay là Học viện BCTT) mở ở Thường Tín (Hà Tây cũ, giai đoạn từ năm 1992 – 1996). Năm 1998 – 2000 tôi được tỉnh cử đi học lớp cử nhân chính trị.
Trong gia đình, các anh em của ông có ai là không tham gia công tác chính quyền không?
Nhà tôi có 5 anh em ruột, cùng làm trong cơ quan nhà nước. Gia đình dù là dân tộc thiểu số nhưng sinh ra trong gia đình cán bộ, không phải là nông dân. Con gia đình cán bộ thì chắc là ở đâu cũng được học hành, còn học cái gì, làm cái gì thì có thể (mỗi gia đình) có sự khác nhau.
Tôi liền kề với anh Vinh, có một anh sinh đôi tên Triệu Tài Tân, đã học hết cấp 3 đâu, mới là công nhân bưu điện. Anh Tân cùng anh Vinh cũng chỉ đi học năm trước năm sau (khoảng năm 1981). Một người đi học trường Thiếu sinh quân, một người đi học trường An ninh 3 (tỉnh Bắc Thái cũ).
Do đi xa nhà không chịu được nên Tân bỏ học, sau đó xin chuyển sang học lớp ngắn hạn đào tạo cấp tốc của bên ngành Bưu điện, về chuyên kéo đường dây điện thoại. Năm 1987 anh đã đi công tác rồi, làm bưu điện ở Hoàng Su Phì. Anh Tân đi công tác sớm nhất trong 5 anh em, năm 90 đã lấy vợ, đẻ con, vợ có động viên đi học bổ túc để hoàn thành bằng cấp 3 đi, nhưng cũng lại không chịu…
Bây giờ anh Tân vẫn làm bộ phận hành chính của Bưu điện tỉnh chứ không phải PGĐ Viễn thông như người ta nói.
'Bố chẳng bao giờ đề xuất'
Thông tin ‘cả nhà làm quan” đang được đưa ra mấy ngày qua có ảnh hưởng nhiều tới gia đình ông hay không?
Những người không hiểu thì sẽ nghĩ có ảnh hưởng. Còn bọn tôi thì không có gì ảnh hưởng, vì đương nhiên, nói về sự thật thì không đúng. Thông tin như thế nào, mục đích ra sao thì đó là việc của họ. Chúng tôi không phải vì cái đó mà lại làm việc khác, vì từ lúc sinh ra lớn lên, chúng tôi đều làm việc thực sự, mình có đi làm việc giả gì đâu mà phải sợ. Còn họ có nói ngược thì là việc của họ.
Khi tôi làm PGĐ Đài thì anh Vinh mới bắt đầu làm Chủ tịch huyện. Khi anh Vinh gần lên làm Bí thư thì tôi vẫn làm PCT huyện. Còn khi anh Vinh lên làm Bí thư tỉnh thì tôi lúc đó lại là ở góc độ khác rồi…
Trước đó, cha của các ông (Triệu Đức Thanh) đã đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (giai đoạn 1991 - 2004). Có phải được ảnh hưởng của cha nên các con mới đi theo con đường chính trị như vậy?
Nếu ảnh hưởng của ông, thì tôi nghĩ khi đó chắc không có. Nhưng nếu ảnh hưởng của ông đến cách làm việc của chúng tôi, thì chắc chắn là có.
Tôi nói thật, ông cụ năm 2004 khi nghỉ hưu có phát biểu: “Kể từ giờ phút này, tỉnh Hà Giang chấm dứt cái việc sử dụng một cán bộ không có trình độ như tôi. Còn tôi cũng phấn đấu, tôi không dạy được các con thì cũng phấn đấu phải tạo điều kiện để các con đi học”.
Tháng 11/2003, ông Nguyễn Ngọc Kỳ (cố Bí thư Hà Giang) có sang Đài gặp tôi và nói: “Bố mày chỉ biết đẻ mày thôi, còn đến tao, tao cho mày lên chức”.
Đến một tháng sau, tỉnh xuống trao quyết định tôi lên PGĐ Đài. Tôi về có hỏi bố tôi thì ông nói: “Việc đó là việc của tổ chức chứ bố chẳng bao giờ đề xuất. Còn việc con làm được hay không còn có đánh giá của ngành đó chứ tỉnh làm sao đánh giá được”.
Tôi nghĩ, độ ảnh hưởng của bố tôi để tôi làm được như thế này chắc không có đâu.
10 năm làm lãnh đạo huyện Quang Bình, huyện có được hưởng đặc thù hay ưu ái gì không, thưa ông?
Dù anh ruột tôi làm Bí thư Tỉnh ủy nhưng huyện Quang Bình không được hưởng bất kỳ ưu đãi, khác biệt gì so với các huyện khác.
Trụ sở Huyện ủy Quang Bình. Ảnh: Hoàng Sang
Huyện gồm 15 xã sâu, xa, đặc biệt khó khăn được tách ra từ 3 huyện nên rất khó khăn.
Bây giờ, có lẽ cả Hà Giang chỉ có một huyện Quang Bình có mô hình thôn kiểu mẫu gắn với tổ chức lại sản xuất.
Về sản xuất nông nghiệp, tôi đưa vào nghị quyết Đảng bộ là phải xây dựng ra thương hiệu các loại gạo có chất lượng cao, từ 14 loại gạo chỉ giữ lại 4 loại; cố gắng nâng cao năng suất, sản lượng trước, sau đó sẽ đi vào chất lượng gạo.
Cùng cái đó, tôi yêu cầu mỗi xã có một loại sản phẩm riêng, một sản phẩm có chất lượng; đề ra phương phát triển hàng hóa gắn với tiêu thụ bao tiêu sản phẩm.
Tôi đề xuất với UB tỉnh về việc cho Quang Bình được thực hiện bao tiêu lúa cho nhân dân bằng cách: Đằng nào hàng năm tỉnh cũng chi phí 7 tỷ đồng để mua gạo cứu đói cho toàn dân trong tỉnh. Tỉnh mình đã nghèo, tại sao mình cứ phải ra ngoài mua gạo của tỉnh khác làm gì, trong khi mình cũng có.
Năm 2005, thu nhập GNP của huyện là 7 triệu đồng/người/năm; 2010: 11,5 triệu; 2015 là hơn 22,5 triệu. Còn thu ngân sách toàn huyện vượt lên gấp 4 lần, 2015 là 56 tỷ. Năm nay chúng tôi phấn đấu 68 tỷ.
Tác giả bài viết: Kiên Trung - Hoàng Sang