Nghị lực vượt khó phát triển kinh tế của chàng khuyết tật Nguyễn Văn Hùng
- 10:41 20-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Về thôn Thọ Đồng, xã Quỳnh Thọ thăm Xưởng mộc của anh Nguyễn Văn Hùng trong những ngày hè oi nóng tháng 7 này không ai nghĩ rằng đó là Xưởng mộc của một người khuyết tật. Bởi anh điều hành, hướng dẫn công nhân làm việc rất khoa học, cẩn thận, sáng tạo.
Sinh năm 1986, trong một gia đình nông dân chất phác có 4 người con, Hùng là người con thứ 3. Khi sinh ra Hùng không may mắn như những đứa trẻ khác mà tuổi thơ của anh lớn lên cùng với bệnh tật. Được 15 ngày tuổi, gia đình phát hiện Hùng bị tắc ruột, phình đại tràng, được gia đình đưa đi cứu chữa từ bệnh viện tuyến huyện rồi lên tuyến Trung ương. Bước sang ngày tuổi thứ 25, bác sỹ chuẩn đoán Hùng phải phẫu thuật và có thể phải phẫu thuật đến 4 lần mới khỏi bệnh. Nhưng phẫu thuật lần 1 và trong giai đoạn chờ hồi phục thì Hùng có biểu hiện của viêm não Nhật Bản. Đến 9 tháng tuổi mọi cử chỉ vận động bình thường của một đứa trẻ ở Hùng không hề có. Bác sỹ kết luận, Hùng bị di chứng bại liệt toàn thân do viêm não Nhật Bản. Với cơ thể yếu ớt, Hùng lại bị thêm bệnh đường ruột. Khó khăn chồng chất khó khăn tưởng như Hùng và gia đình sẽ gục ngã. Nhưng bố mẹ và Hùng đã không đầu hàng trước số phận và quyết tâm chữa trị cho Hùng. Liên tục 4 năm, mổ 3 lần đường ruột, châm cứu thủy châm, kích thích bằng điện... chữa trị mất 7 năm bệnh đường ruột mới khỏi, nhưng rồi Hùng lại bị bại liệt và chân đi khập khiễng. Hồi đó, bố Hùng đang công tác ở cơ quan Nhà nước nhưng vì Hùng lâm bệnh, gia đình quá khó khăn nên bố phải xin nghỉ việc hưởng chính sách 176 giải quyết chế độ thôi việc một lần để về chăm sóc con. Dù đi lại khó khăn nhưng Hùng vẫn muốn đến trường nên lên 9 tuổi bố mẹ cho Hùng đi học và chiếc nạng là đôi chân hàng ngày đưa Hùng đến trường. Theo học được đến lớp 6, gia đình quá khó khăn nên Hùng đành phải nghỉ học. Khi nghỉ học, Hùng luôn suy nghĩ: "Mình không thể sống dựa vào gia đình và xã hội mà phải học một nghề gì đó vừa giúp cho bản thân, cho gia đình lại có ích cho xã hội”.
Anh Nguyễn Văn Hùng đang hướng dẫn công nhân làm việc
Cuộc đời của Hùng hoàn toàn bước sang một trang khác khi bố mẹ cho đi làm phụ ở xưởng mộc đóng đồ dùng dân dụng. Tại đây, Hùng nhận thấy mình có năng khiếu trong nghề mộc nên anh chăm chỉ học hỏi. Sau 5 năm tay nghề đã vững, với số vốn của gia đình và chế độ bảo trợ, năm 2013 Hùng quyết định mở xưởng mộc đóng đồ dùng dân dụng tại địa phương. Các sản phẩm mộc của anh làm gồm: Giường, tủ, bàn ghế và các loại đồ mộc gia dụng khác. Sản phẩm làm ra được người tiêu dùng tại địa phương và các địa phương khác trong vùng ưa chuộng vì thợ có tay nghề khá, có sự sáng tạo trong việc thiết kế mẫu mã sản phẩm và có uy tín. Hiện nay, Xưởng mộc của anh Hùng có từ 3 đến 5 công nhân, thợ chính có mức lương từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày, thợ phụ từ 80.000 - 100.000 đồng/ngày; riêng bản thân anh, hàng tháng sau khi trừ chi phí, bình quân thu được từ 5 - 7 triệu đồng. Hiện số vốn trong Xưởng của anh khoảng 300 triệu đồng. Đó là một khoản vốn không nhỏ đối với những người khuyết tật như anh.
Khi có tay nghề, có việc làm với mức thu nhập ổn định anh Hùng không quên giúp những người có cùng cảnh ngộ như mình. Vì vậy, tiêu chí tuyển dụng lao động và học nghề tại Xưởng mộc của anh là ưu tiên tuyển những người khuyết tật để tạo việc làm, giúp họ có cuộc sống ổn định. Ngoài ra, các cuộc vận động ủng hộ ở địa phương, nhất là đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi anh đều tự nguyện ủng hộ từ 3 - 5 triệu đồng. Bởi anh mong những người có hoàn cảnh như mình khi được nhận các khoản trợ cấp từ xã hội họ sẽ cố gắng vươn lên trở thành người có ích. Hiện tại anh Hùng đang sống rất hạnh phúc cùng với vợ và cô con gái 3 tuổi. Anh chia sẻ: “Ước mơ lớn nhất của anh bây giờ là có đất, có vốn để mở rộng nhà Xưởng, mua sắm thêm máy móc, vật liệu sản xuất để có thể làm ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ cao cấp hơn, từ đó tạo việc làm thường xuyên cho từ 10 - 15 lao động, trong đó có 35% là người khuyết tật”.
Nhìn khuôn mặt rạng ngời của anh Hùng, tôi hiểu rằng anh là một người đầy nghị lực, luôn kiên trì để chiến thắng số phận, là chỗ dựa vững chắc cho vợ và con, là niềm tin cho những người có cùng số phận./.
Tác giả bài viết: Hồ Lam (Ban Tuyên giáo huyện ủy)
Nguồn tin: