Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Liều mạng mưu sinh

Vào rừng lấy măng, chặt mây, vớt củi..., người dân tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa luôn đối mặt với bao hiểm nguy

Người dân xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng sau trận lũ quét làm hàng chục người chết và mất tích hôm 14-9. Lo sợ, hoang mang nhưng vì miếng cơm manh áo, nhiều người vẫn phải vào rừng lấy măng, chặt mây, vớt củi...
 

Người dân liều mình vớt củi trên sông Lam ở Nghệ An khi nước lũ đổ về. Ảnh: ĐỨC NGỌC


Làm nghề lấy măng rừng đã nhiều năm, bà Hoàng Thị Kiềm (trú bản Khúm, xã Châu Hội) cho biết vợ chồng bà có 3 con nhưng đất sản xuất quá ít, không đủ canh tác. Để có cái ăn cho cả nhà, nhiều năm nay, vợ chồng bà đi vào tận rừng sâu dựng lán sống nhiều ngày lấy măng đem về bán.

Theo người dân các huyện miền núi tỉnh Nghệ An, trước đây rừng chưa bị chặt phá, chỉ cần đi vài cây số là có thể lấy được nhiều loại lâm sản đem về dùng và bán. Nay rừng bị tàn phá, phải luồn sâu vào vài chục cây số mới có cái để khai thác.

Chị Hà Thị Phương (ngụ bản Piềng Cu, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) lo lắng: “Trước đây, măng, song mây, mật ong nhiều lắm, bà con muốn ăn hoặc lấy về bán thì vào rừng là có ngay. Giờ rừng bị chặt trọc hết rồi, số còn lại thì đều đã có chủ. Muốn kiếm gì bán phải đi bộ cả ngày mới có. Vất vả như thế nhưng tính ra cũng chỉ kiếm được chưa đến 100.000 đồng/ngày”.

Hái măng, lấy mật cũng là nghề được nhiều người dân ở xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa làm trong lúc nông nhàn. Đây là địa phương giáp ranh với huyện Quỳ Châu và cũng là nơi có người bị nạn trong trận lũ quét vừa qua. “Một ký măng khô bán được 70.000-90.000 đồng nhưng để có được thì vất vả trăm bề. Chúng tôi phải vào rừng dựng trại ở cả tháng hái măng luộc nhiều lần, đốt lửa sấy khô... Trời cho mưa nắng thuận lợi thì mỗi tháng cũng chỉ kiếm được khoảng 2 triệu đồng. Trời không thương thì tháng đó đói, không có tiền đong gạo” - chị Vi Thị Di, một trong những người thoát chết trong trận lũ quét vừa qua, cho biết.

Trong khi đó, công việc vớt củi trên sông cũng luôn đối mặt với nguy hiểm chực chờ. Tại những khe suối, sông, đập thủy điện ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn, Thanh Chương... (tỉnh Nghệ An), mặc cho nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về nhưng vẫn có rất nhiều người dầm mình vớt củi, kè gỗ. Tại một số cây cầu lớn, có người còn dùng dây buộc mình vào thành cầu cao hàng chục mét rồi thả mình xuống dòng nước xoáy để vớt những khúc cây trôi dạt.

Anh Vi Văn Bình (ngụ xã Tam Đình, huyện Tương Dương), thường xuyên vớt củi ở khu vực lòng hồ thủy điện Khe Bố, bày tỏ: “Củi, gỗ trôi bị nước cuốn về rất nhiều, thấy mọi người xuống vớt thì mình cũng đi theo. Dầm trong nước cả ngày cũng chỉ kiếm được khoảng 150.000 đồng nhưng sơ sẩy là bị nước cuốn trôi, sống chết khó lường”.

Ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, cho biết chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp, kéo ra sông, suối vớt củi, kè gỗ khi có mưa lũ.

 

Nhiều vụ tai nạn thương tâm

Trận lũ quét kinh hoàng hôm 14-9 không phải là lần đầu tiên rừng xanh nổi giận cướp đi nhiều sinh mạng của người dân ở Thanh Hóa. Trước đó, vào tháng 2-2015, 3 người dân vào khu vực núi Tý, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân đào đá thạch anh đã bị vùi chết trong hang. Gần đây nhất, ngày 5-6, tại khu vực hang Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước cũng xảy ra một vụ tai nạn làm 3 phu vàng bị thiệt mạng khi đang khai thác dưới hang sâu.

Tác giả bài viết: Đức Ngọc - Tuấn Minh