Dai dẳng nỗi đau 5 người bị dòng lũ dữ Khe Ang cuốn trôi
- 14:11 17-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ba năm trước, dòng lũ dữ Khe Ang đã lạnh lùng cướp đi sinh mạng của 5 người thân trong cùng một gia đình.
Ông Trần Văn Ngọ đã ổn định tinh thần sau ba năm bị thủy thần cướp đi sinh mạng 5 người thân trong gia đình
Ba năm trước, dòng lũ dữ Khe Ang đã lạnh lùng cướp đi sinh mạng của 5 người thân trong cùng một gia đình. Sự việc xảy ra trên hành trình những nạn nhân xấu số về quê ăn giỗ và đón Tết Trung thu... Vì vậy, dù Khe Ang giờ đã có cầu nhưng với ông Ngọ (người chồng, người cha, người ông của các nạn nhân), ký ức buồn vẫn còn vương vấn...
Ngày đi ăn giỗ thành ngày giỗ 5 người...
Chúng tôi tìm về gia đình ông Trần Văn Ngọ (SN 1954, xóm Đại Đồng, Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn) sau vừa tròn ba năm ngày thủy thần Khe Ang cướp đi sinh mạng của 5 người thân trong gia đình ông. Tới nhà, chúng tôi mới biết cả gia đình đều đi vắng. Hàng xóm của ông Ngọ cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này là cả gia đình ông Ngọ lại chia nhau đi thắp hương cho người thân. Hôm nay cũng là ngày giỗ đoạn tang ba năm của bà thông gia, vợ, con gái và hai đứa cháu ông.
Theo những người dân địa phương, sự việc xảy ra cách đây ba năm khiến cả xóm đều xót thương. Bởi lẽ đến giờ cũng chẳng ai nghĩ, ngày gia đình ông Ngọ đi ăn giỗ lại trở thành ngày giỗ của 5 thành viên trong nhà. Ba năm sau tai họa, hiện gia đình ông Ngọ đã từng bước vượt qua được khó khăn, trở lại cuộc sống trong sự quan tâm đùm bọc của chính quyền và nhân dân địa phương.
Đang dở câu chuyện với những người hàng xóm thì vợ chồng người con trai cả của ông Ngọ trở về. Thấy có khách, anh Trần Đình Phúc (SN 1984, con trai ông Ngọ) vội mời chúng tôi vào nhà. Anh Phúc cho biết: “Sáng ni, cha Ngọ đi lên nhà chị Nga (con gái của ông Ngọ đã mất trong vụ trôi xe - PV) để thắp hương cho con gái và các cháu. Em với vợ thì đi thắp hương cho mẹ, chiều mới qua thắp hương cho mẹ vợ được”.
Anh Phúc cho biết: Từ ngày xảy ra sự việc, cả gia đình đều suy sụp, nhất là anh Võ Bá Thanh (chồng chị Nga) phải chịu nỗi đau nặng nề nhất khi mất cả vợ và hai con, một khoảng trống quá lớn mà không gì có thể bù đắp được. “Năm nào cũng rứa, cứ đến ngày rằm tháng 8 là cả gia đình lại cùng nhau đi về Hòa Bình thắp hương cho ông ngoại. Do mẹ Nhâm lấy chồng xa nên ngày giỗ cũng là ngày gia đình cố gắng sắp xếp công việc để về thăm họ hàng. Mọi năm chưa có điều kiện, cả gia đình đi xe khách hoặc thuê xe, năm nay có chú Thái (em kết nghĩa của bố) mới mua xe ô tô, nên cả nhà rủ chú cùng về thăm quê, nhận họ hàng, ai ngờ tai họa ập đến”, anh Phúc bùi ngùi.
Anh Phúc còn nhớ như in khoảnh khắc cuối cùng cả gia đình đoàn tụ: Lúc đó khoảng 13h chiều, trời mưa tầm tã mấy ngày liền. Chú Thái đưa xe đến đón mọi người. Theo lịch trình hàng năm, đoàn sẽ từ nhà đi lên xã Nghĩa Xuân để đón chị và các cháu, sau đó đón bà thông gia rồi theo Tỉnh lộ 531 xuống đường Hồ Chí Minh ra Hòa Bình. Thế nhưng, mọi người mới đi được gần ba tiếng, anh Phúc nhận được điện thoại của anh Thanh báo tin, xe chở cả gia đình bị nước cuốn ở tràn Khe Ang. Lúc này, anh Phúc vẫn cố nuôi hy vọng mọi người sẽ bình an vô sự. Nhưng khi đến nơi thấy mênh mông nước lũ đục ngàu cuộn chảy thì mọi hy vọng đều vụt tắt.
Ước nguyện bao đời của người dân thành hiện thực khi cầu Khe Ang được xây dựng, khánh thành năm 2014
Mong không còn Khe Ang thứ 2
Quá trưa, ông Ngọ trở về nhà sau khi lo toan chu đáo ngày giỗ cho con và cháu. Tâm sự với chúng tôi về cuộc sống hiện giờ, ông Ngọ cho biết: “Sau sự việc ba năm trước, tôi gần như đã chết. Nhưng được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, bà con hàng xóm và gia đình, tôi mới dần hồi tỉnh. Đến nay, tuy sự việc vẫn luôn hiện hữu, trở thành nỗi đau khắc khoải trong tâm trí nhưng tôi nghĩ mình cần phải cố gắng vươn lên, sống vì con cháu”.
Nói về phút sinh tử khi đối mặt với thủy thần Khe Ang, ông Ngọ kể: “Ngày hôm đó, sau khi đón được đầy đủ các thành viên trong gia đình, cháu Nga đã hướng dẫn ông Thái đưa xe đi theo Tỉnh lộ 531 (con đường hàng năm chúng tôi vẫn đi) để về đường Hồ Chí Minh ra Bắc. Trước khi tới Khe Ang, chúng tôi đã đi qua hai cầu và một tràn ở Nghĩa Thịnh. Khi qua tràn, tôi thấy mực nước cao hơn bình thường nhưng xe vẫn chạy được. Đến khoảng gần 16h khi xe tới tràn Khe Ang, trời mưa rất to, phía trước tối sầm. Trước khi vào tràn, tôi thấy có barie đặt ở một phần đường, không có người đứng gác, nên không nghĩ là có nước lũ. Chú Thái vẫn tiếp tục cho xe qua tràn như bình thường. Ai ngờ khi đi qua 2/3 tràn, nước ở thượng nguồn cuộn dâng ngang cửa rồi đẩy cả xe xuống khe”.
“Lúc đó, xe bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn, kính xe đập vào đá vỡ tung, nước tràn vào cuồn cuộn khiến mọi người không kịp phản ứng gì. Tôi bị nước đẩy ra ngoài rồi cũng bị nhấn chìm luôn. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm ở gò đất. Chẳng kịp định hướng, tôi cứ chạy băng băng đến nhà dân gần nhất để báo tin, nhờ mọi người đến ứng cứu”, ông Ngọ nhớ lại.
Giờ đây, ông Ngọ ở với vợ chồng con trai cả. Hàng ngày, ông làm vườn và chơi với cháu nội, loanh quanh hàn huyên với hàng xóm để khuây khỏa, che lấp nỗi trống vắng của tuổi già.
Cách nhà ông Ngọ chừng 20km là nơi ông Trương Văn Thái, tài xế trong vụ trôi xe sinh sống. Hiện, ông Thái đã kết thúc thời gian thi hành án và trở về với gia đình được hơn một năm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thái không muốn nhắc lại chuyện cũ, bởi theo ông đó là sự việc đau buồn xảy ra ngoài ý muốn, nó đã ám ảnh, dày vò ông suốt ba năm qua.
Sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, ông Trương Văn Thái bị kết án 36 tháng tù giam. Quá trình thi hành án, do cải tạo tốt nên ông được ân xá và ra tù trước thời hạn. Để sớm nguôi ngoai nỗi đau mất mát, bớt cảm giác dày vò, ông Thái đã xin vào làm việc ở Hạt Quản lý đường bộ Tri Lễ (huyện Quế Phong). Ông Thái hy vọng rằng, với công việc tuần đường, ông sẽ giúp người tham gia giao thông phòng tránh được những mối nguy hiểm khi thiên tai xảy ra.
Cuộc sống hàng ngày, gia đình ông Thái và ông Ngọ vẫn giữ mối giao tình năm xưa. “Những năm đang thi hành án thì không nói làm gì, nhưng khi trở về cứ đến ngày Tết, rồi trước ngày giỗ của mọi người tôi lại tới thắp hương cho bác và các cháu”, ông Thái tâm tư.
Khi được hỏi về mong ước lớn nhất của mình, cả ông Ngọ và ông Thái đều chung một điểm: Chỉ mong Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, xây dựng thêm những cây cầu qua các ngầm, suối để người dân vùng núi không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi qua sông, suối hay các khe tràn. Mong rằng sẽ không còn vụ việc nào như tràn Khe Ang năm xưa nữa.
Khoảng 17h ngày 19/9/2013, chiếc xe Innova do ông Trương Văn Thái (trú tại TX Thái Hòa, Nghệ An) chở vợ chồng ông Trần Văn Ngọ cùng bà thông gia và ba mẹ con chị Trần Thị Nga (con ông Ngọ), trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp trên đường đi đám giỗ tại tỉnh Hòa Bình. Khi chiếc xe đến đập tràn Khe Ang thuộc xã Nghĩa Hồng, xe chết máy và bị nước cuốn trôi. Hai người trên xe thoát được ra ngoài là ông Ngọ và ông Thái, 5 người còn lại bị mất tích cùng chiếc xe. Sau bốn ngày quần thảo trên sông với hàng nghìn lượt người tham gia tìm kiếm, đến sáng 22/9, khi nước rút, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đã phát hiện chiếc xe bị trôi cách hiện trường khoảng 500m, bên trong có bốn thi thể. Đến ngày 23/9, thi thể nạn nhân cuối cùng được người dân xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn trên sông Lam phát hiện, cách vị trí trôi xe khoảng 100km. Công trình cầu Khe Ang được khởi công xây dựng ngày 22/3/2014 tại Km 46+300 trên Tỉnh lộ 531, cách vị trí tràn Khe Ang 100m. Cầu được thiết kế bằng bê tông cốt thép, bố trí ba nhịp (3x24m), chiều dài cầu tính đến đuôi mố là 81m, bề rộng cầu 9m. Do đây là công trình cấp bách nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, được sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ GTVT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Sở GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nguồn lực, máy móc thiết bị, thi công tăng ca, áp dụng giải pháp thi công đồng bộ công trình để phấn đấu rút ngắn thời gian thi công. Đến nay, sau 5 tháng thi công, công trình cầu Khe Ang đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, thông tuyến trước mùa mưa lũ, vượt tiến độ 10 tháng. Cầu Khe Ang hoàn thành không chỉ giúp cho 3 vạn dân Nghĩa Đàn xóa thế cô lập trước mỗi mùa nước lũ mà còn tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa, thông thương khu vực Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Đây được xem là công trình giao thông cấp bách mang ý nghĩa xã hội, được các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là Bộ GTVT rất quan tâm. |
Tác giả bài viết: Văn Thanh