Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


ĐH Kinh doanh Công nghệ đào tạo chui y dược: Sẽ trả du học sinh Lào về nước?

"Vì chưa được cấp phép nên đại bộ phận các sinh viên Lào đã chuyển đi trường khác. Còn một số ở lại chúng tôi tiếp tục dạy cho họ tiếng Việt, Toán.... Nếu chúng tôi không được cấp phép đào tạo, chúng tôi đành “trả” họ về nước hoặc học trường khác"

Trường ĐH Kinh doanh &Công nghệ HN đào tạo "chui" ngành y dược cho du học sinh?

Trong bài viết “Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ HN đào tạo "chui" ngành y dược cho du học sinh?” đã đề cập tới việc ĐH Kinh doanh Công nghệ chưa được cấp phép đào tạo ngành y đa khoa nhưng lại cho lưu học sinh người Lào học “cầm chừng” một số môn cơ bản như Tin học, Tiếng Anh...

 

ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội chưa được cấp phép đào tạo ngành y đa khoa nhưng lại cho lưu học sinh người Lào học “cầm chừng” một số môn cơ bản như Tin học, Tiếng Anh... để chờ đợi được cấp phép


Trong khi đó, hơn một nửa số sinh viên người Lào đã xin chuyển sang trường ĐH Y Dược Thái Bình và ĐH Y Dược Sơn La.

Vậy trong câu chuyện này, lãnh đạo trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội phải “chịu trách nhiệm” tới đâu khi họ giới thiệu và hứa hẹn với lưu học sinh Lào về chương trình đào tạo mà mình chưa được cấp phép?

Liên quan đến vấn đề trên, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội.

 

GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh&Công nghệ Hà Nội


GS.TS Vũ Văn Hóa cho hay: “Thực ra, việc đào tạo ngành y đa khoa và dược học của ĐH Kinh doanh&Công nghệ về cơ bản đã đủ điều kiện. Bởi lẽ, với một trường ĐH mà Bộ cho mở mã ngành cũng như cho chỉ tiêu thì đương nhiên phải được đào tạo.

Tuy nhiên, với ngành y đa khoa và ngành dược học còn thêm bước nữa là cần phải thẩm tra lại xem cơ sở vật chất của trường đã đầy đủ chưa. Với một trường tự chủ hoàn toàn, được cấp mã ngành và chỉ tiêu nhưng cho tới thời điểm hiện tại Bộ GD&ĐT lại không quyết định xem chúng tôi có được phép đào tạo hay không mà lại “đẩy” sang Bộ Y tế.

Trong khi đó, Bộ Y tế lại nói Bộ GD&ĐT cần phải kiểm tra. Việc kiểm tra này đã diễn ra từ năm 2015. Về cơ bản, chúng tôi đủ yêu cầu, giờ chỉ bổ sung thêm một số thiết bị. Cho tới thời điểm hiện tại chúng tôi đã đầu tư hơn 80 tỷ tiền mua thiết bị. Về đội ngũ cán bộ, giảng viên chúng tôi cũng đã bổ sung đầy đủ.

Chúng tôi đã gửi công văn hoàn thiện bổ sung lên Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế từ 7/6/2016 nhưng tới thời điểm hiện tại cả 2 Bộ cũng không tới kiểm tra lại và không có ý kiến gì thì không biết khi nào chúng tôi mới được cấp phép đào tạo?

Trong khi cơ sở vật chất chúng tôi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư mà hai Bộ lại “im lặng”, điều này gây cho chúng tôi rất nhiều khó khăn.

Với người Việt, chúng tôi chưa đào tạo ngành y đa khoa và ngành dược nhưng với những lưu học sinh người Lào, họ sang Việt Nam 2 năm nay và mục tiêu của họ là được đào tạo ngành y và dược tại trường chúng tôi.

Vì chưa được cấp phép nên đại bộ phận các sinh viên Lào đã chuyển đi trường khác. Còn một số ở lại chúng tôi tiếp tục dạy cho họ tiếng Việt, Toán.... Nếu chúng tôi không được cấp phép đào tạo, chúng tôi đành “trả” họ về nước hoặc đi học ở các trường khác”.

Vậy trách nhiệm của ĐH Kinh doanh Công nghệ tới đâu khi 1 năm trước cán bộ của trường này sang Lào giới thiệu về chương trình đào tạo y đa khoa và dược học với các học sinh người Lào và cho tới giờ họ học tiếng Việt được hơn 1 năm lại trả họ về nước hoặc cho họ đi học ở trường khác?

Khi phóng viên thắc mắc, hiện nay các lưu học sinh người Lào đã được dạy một số môn cơ bản như: Triết học, Tiếng anh, Tin học... chuẩn bị cho việc học chuyên ngành y và dược thì vị phó hiệu trưởng này cho biết: “Học những môn đó là chuyện bình thường, học y dược hay học những ngành khác thì vẫn phải học những môn cơ bản kia”.

Theo TS. Lê Khắc Đóa – phụ trách đối ngoại của trường ĐH Kinh doanh Công nghệ - lưu học sinh Lào sau khi học xong chứng chỉ Tiếng Việt để học các chuyên ngành khác, nhà trường không tổ chức thi tuyển mà chỉ kiểm tra đầu vào bằng hình thức phỏng vấn.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của PV báo Infonet, nếu số lưu học sinh Lào đang được học một số môn như: Triết học, Tin học, Tiếng Anh... tại ĐH Kinh doanh Công nghệ mà muốn chuyển xuống học ngành y đa khoa của trường ĐH Y Dược Thái Bình thì họ vẫn phải học lại những môn nêu trên.

Bởi, lãnh đạo ĐH Y Dược Thái Bình cho hay: “Nếu ĐH Kinh doanh Công nghệ không tổ chức thi tuyển đầu vào thì chúng tôi không chấp nhận việc sinh viên đã học những môn trên. Vì chưa tổ chức thi tuyển đầu vào thì cũng chỉ là học sinh THPT, không phải đại học. Về trường chúng tôi, họ phải thi tuyển, nếu đạt chúng tôi mới đào tạo.

Hiện tại, hơn một nửa số lưu học sinh người Lào đã xin chuyển đi nơi khác, số còn lại quyết định ở lại trường nhưng cũng rất lo lắng vì nhà trường vẫn không được cấp phép thì họ “bơ vơ” không biết đi đâu về đâu.

Nói về vấn đề này, TS. Vũ Văn Hóa cho hay: “Không bơ vơ gì cả. Chúng tôi đã giải thích rất rõ với họ, nếu họ quyết tâm ở lại chúng tôi vẫn đào tạo khi được phép”.

Thế nhưng vấn đề là bao giờ trường ĐH Kinh doanh Công nghệ được phép đào tạo ngành y đa khoa? Trong khi để ở lại Việt Nam các lưu học sinh Lào tốn kém rất nhiều chi phí cho việc ăn, ở và mệt mỏi nhất là... chờ đợi?

Liên quan đến Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ chưa được cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa mà trường này đã tuyển sinh du học sinh Lào, lãnh đạo Vụ Đào tạo Quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đó là lỗi của trường ĐH Kinh doanh Công nghệ khi sang chiêu sinh và quảng bá về chương trình đào tạo trong khi chưa được cấp phép”.

Tác giả bài viết: Hoàng Thanh