Phụ huynh gấp gáp cho con đi học thêm khi nghe tin môn toán thi trắc nghiệm
- 16:19 15-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phụ huynh tự đứng ra lập lớp học thêm cho con
Làm công nhân ở khu công nghiệp Quế Võ II (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) tuy lương của hai vợ chồng cộng cả tiền làm thêm được 8 triệu/tháng nhưng chị Nguyễn Thì Lành vẫn cố gắng chắt bóp, nhịn ăn, nhịn mặc để dành tiền cho con đi học thêm với lý do năm nay con cuối cấp. Chị Lành tâm sự: “Cuối tuần qua, đi họp phụ huynh về nghe cô giáo phổ biến dự kiến môn toán thi trắc nghiệm, không thi tự luận như mọi năm nữa, hơn nữa năm nay tỉ lệ ảo đăng kí vào các trường vẫn còn rất nhiều. Đặc biệt, có học sinh đạt 27 điểm không đậu nguyện vọng 1. Tôi lo thay đổi hình thức thi con mình cũng gặp phải tình huống dở khóc dở cười hơn, nên ngoài học ở lớp, tôi cùng một số phụ huynh nữa bảo nhau tổ chức lớp học thêm tại nhà cho con”.
Hay chị Hoài (40 tuổi), bán ra ở chợ Đông Du (Quế Võ, Bắc Ninh) vừa nói, vừa buông tiếng thở dài: “Nhà mình có hai mẹ con, chỉ dựa vào việc bán rau. Nghe báo, đài đưa tin năm nay thi trắc nghiệm hết mà lo quá, con thì bỏ ăn để đi học, hết học chính rồi lại học thêm bù hết cả đầu nhìn con mà xót hết cả ruột”.
Cùng tâm trạng với hai phụ huynh trên, anh Ngô Đức Thắng (Can Lộc, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mong bộ sớm quyết định đi chứ, đừng cứ dự kiến gần sát ngày mới công bố. Giả sử, nếu công từ khi con chúng tôi còn học lớp 10, 11 thì bây giờ có phải đỡ không. Đây nước đến chân mới nhảy, hiện nay ngoài học cả ngày ở trường đêm về con chưa kịp ăn đã phải đi học, nhịn đói 10 giờ đêm về. Từ trước đến nay toán thi tự luận, học tự luận bây giờ đùng đùng quay sang trắc nghiệm. Con chúng tôi là người chứ có phải rôbốt đâu mà chỉ cần cài đặt phầm mềm là chạy được”.
Học sinh bất an
Sau khi có dự kiến phương án thi THPT 2017, dường như nhiều học sinh rơi vào trạng thái bất an, chạy đua với lịch học thêm dày đặc. Nguyễn Thị Vân Anh lớp 12A7 THPT Đông Du (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) cũng nằm trong số đó: “Khó quá chị ơi, 12 năm đi học chúng em chưa thi trắc nghiệm toán bao giờ, nguy cơ năm nay em không vào được trường đại học mình mong muốn. Bên cạnh đó học trắc nghiệm kiến thức dài miên man, mà thi trắc nghiệm có phải mỗi lý thuyết đâu cả tính toán để ra kết quả nữa, nên tự luận cũng vậy. Nếu tính toán sai một bước xem như là sai đáp án. Nếu thi tự luận dù sai đáp án nhưng các bước đúng vẫn được tính điểm”.
Vân Anh cũng đề cập đến những khó khăn khi đưa môn toán thi trắc nghiệm. Vân Anh nói: “Bọn em không biết phần nào là trọng tâm để học. Giờ bộ đề hướng dẫn còn chưa có, một ít thông tin xoay quanh phần thi trắc nghiệm cũng chưa có. Thầy cô dạy chúng em cũng hoang mang, lo lắng chúng em chưa học được gì đã phải bước vào kỳ. Thời gian từ giờ cho đến kỳ thi cũng không phải quá dài”.
Để trấn an tinh thần, cũng như bỗ trợ thêm kiến thức ngoài thời gian đi học cả ngày ở trường, đêm về Vân Anh vẫn phải chạy đua với lớp học thêm tại các trung tâm. Vân Anh nói: “Không học thì lo, mà học thì thực sự về đến nhà mệt lã rồi, không có sức học tiếp ở nhà. Nếu phương án dự kiến này mà có từ khi chúng em đầu lớp 10 hoặc 11 thì chắc giờ lượng kiến thức cũng như kỹ năng về môn toán thi trắc nghiệm đã hòm hòm, không có cảnh mất định hướng như bây giờ”.
Chia sẻ về vấn đề môn toán thi trắc nghiệm, thầy Văn Như Cương – Chủ HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: “Tôi phản đối việc thi trắc nghiệm toán trong kỳ thi 2017 bởi nếu làm không khéo học sinh sẽ kéo nhau đi học thêm tràn lan”.
Thầy Cương cũng chia sẻ từ trước đến nay thi toán không thi trắc nghiệm mà chỉ thi tự luận. Đề thi, sách vở, cách dạy cũng theo tự luận. Bây giờ thì các em lấy đâu ra cơ sở để học, nghiên cứu và có thể tự mình trả lời các câu hỏi cho chắc chắn và đúng đắn? vì vậy, nguy cơ học thêm tràn lan rất cao, điều này đi ngược với chủ trương cấm dạy thêm học thêm của Bộ GDĐT hiện nay.
Tác giả bài viết: Ngô Chuyên