25 trẻ chen chúc trong phòng học 12m2
- 08:41 15-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là thực trạng cô và trò Trường mầm non xã Ân Hòa phải "chịu đựng" trong 4 năm qua. Năm học mới 2016 - 2017 bắt đầu, giáo viên nhà trường lại “gồng mình” vượt qua những khó khăn để đảm bảo công tác dạy và học “ươm những mầm non tương lai”.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, cô trò Trường Mầm non Ân Hòa không có nơi dạy và học tập bởi công trình xây trường mới được khởi công từ năm 2010, tuy nhiên sau 6 năm mới chỉ xây được phần thô của tầng 1 rồi bỏ hoang đến nay.
Không có trường học, 4 năm qua cô trò trường Mầm non Ân Hòa phải học nhờ công sở cũ của UBND xã.
Theo đó, dự án ngôi trường mới này gồm dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học kiên cố, các công trình phụ chợ, nhà vệ sinh, sân chơi cho trẻ. Vốn xây trường được lấy từ nguồn “Dự án chống xuống cấp trường lớp học” của UBND tỉnh Ninh Bình. Sau khi khởi công xây dựng Trường mầm non Ân Hòa, địa phương không nhận được nguồn vốn trên nên công trình phải dừng thi công từ đó.
Ghi nhận của phóng viên, công trình Trường mầm non Ân Hòa nằm ngay giữa trung tâm xã, trên diện tích hàng nghìn mét vuông. Hiện phần thô tầng 1 của dãy nhà 2 tầng 8 phòng này do thời gian dài không được thi công nên đang có dấu hiệu xuống cấp, nhiều nơi rêu mốc, mảng bám phủ kín, cỏ dại mọc um tùm khiến ngôi trường này chẳng khác gì căn nhà hoang.
Kể từ khi ngôi trường mới khởi công xây dựng rồi bị bỏ hoang, hàng trăm học sinh cùng giáo viên nhà trường phải dạy và học nhờ ở trụ sở cũ UBND xã. Cô Trần Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm 2010 đến năm 2012, trường phải tổ chức lớp học ở nhà văn hóa các xóm. Đến cuối năm 2012 thì chuyển về học tại trụ sở cũ của UBND xã.
Phòng học chật trội khiến các cháu học sinh phải chen chúc nhau, 25 trẻ/12 m2
Mới đến nơi dạy và học của trường Mầm non Ân Hòa hiện tại, không ai nghĩ đó lại là trường học, bởi các lớp học được tổ chức dạy ngay trong các phòng công vụ cũ, nhà mái bằng có, nhà ngói cấp 4 có. Nhà trường cùng UBND xã đi chung một cổng, sân của UBND xã cũng là nơi vui chơi của các cháu học sinh.
Cô Yến chia sẻ, do không có cơ sở vật chất kiên cố nên nhà trường hiện phải tổ chức học ở 2 khu khác nhau gồm: khu trung tâm (học nhờ tại công sở cũ của UBND xã) với 3 nhóm lớp 3 đến 5 tuổi (2 lớp 3 tuổi, 2 lớp 4 tuổi và 3 lớp 5 tuổi) và khu Thuận Hậu với dãy nhà cấp 4 gồm: 1 lớp 4 tuổi, 1 lớp 2 tuổi.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Ân Hòa, do cơ sở vật chất không đảm bảo, thiếu phòng học nên nhà trường gặp nhiều khó khăn. Vào năm học mới, công tác huy động trẻ đến trường gặp nhiều cản trở. Nhiều phụ huynh thấy trường lớp không đảm bảo nên đã cho con đi học ở các trường khác trong huyện như: Mầm non Như Hòa, Mầm non Hoa Hồng…
“Thực tế, theo dân số độ tuổi của địa phương thì nhà trường sẽ huy động được 400 trẻ đến lớp. Nhưng hiện chỉ huy được được 2/3 trong tổng số trẻ”, cô Yến nói.
Nhiều phòng học dạy ở nhà cấp 4 chật chội, đang xuống cấp nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ cũng gặp nhiều khó khăn, công tác nuôi không đảm bảo do bếp nấu xuống cấp chật trội khó khăn cho chế biến.
Đặc biệt, do học nhờ công sở cũ của xã nên phòng học nhỏ, hẹp không bố trí được góc chơi, góc học tập cho trẻ… Hiện có những lớp học của trường bị quá tải, 25 trẻ chen chúc trong phòng học chỉ rộng có 12m2, chưa kể 2 giáo viên và nhiều đồ dùng học tập khác (đối với nhóm lớp 3 - 4 tuổi). Đối với nhóm lớp 5 tuổi, tình trạng quá tải cũng xảy ra tương tự, 35 trẻ chen chúc trong phòng học rộng chưa đầy 40m2.
“Việc lớp học chật chội khiến công tác giảng dạy, học tập không được phát huy. Trẻ mầm non là phải vừa học vừa chơi. Phòng học chật, các cháu ngồi thì được chứ khi hoạt động thì quá bí, điều này làm hạn chế sự phát triển của trẻ cũng như giáo viên”, cô Yến tâm sự.
Các lớp học không thể tổ chức theo đúng quy định do quá tải.
Trước việc không có cơ sở vật chất, thiếu thốn đủ đường, những năm học trước Trường mầm non Ân Hòa được xếp hạng thi đua thấp nhất huyện Kim Sơn. Cô Yến trăn trở: “Ban giám hiệu cũng như giáo viên năm học nào cũng nỗ lực hết mình nhưng kết quả đánh giá thì rất thấp khiến chúng tôi không khỏi tự ti. Nhà trường cũng nhiều lần tham mưu cho địa phương, kiến nghị lên cấp trên nhưng do nguồn ngân sách khó khăn nên mãi vẫn không có được cơ sở mới”.
Cô Yến mong muốn: “Sắp tới, công trình trường mầm non mới tái xây dựng lại, sớm hoàn thành để các cháu học sinh có nơi học tập ổn định, giáo viên nhà trường có nơi công tác tốt, phù hợp với môi trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường lên từng bước”.
Trường mầm non học nhờ công sở cũ của UBND xã.
Tác giả bài viết: Thái Bá