Đừng im lặng: 58% độc giả ủng hộ việc cấm dạy thêm
- 08:05 15-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa
Nên cấm dạy thêm, học thêm
Sau khi tuyên bố thẳng của Giám đốc Sở GDĐT TPHCM một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ đã lên tiếng. Bạn Thanh Nguyen viết: “Tôi đồng ý với việc cấm dạy thêm kiểu ép buộc và trù dập học sinh. Nếu học sinh yếu, kém môn nào thì nên đi học thêm môn đó, để có thể hiểu bài nhiều hơn”.
Hay bạn Quân Bảy viết: “Tôi rất đồng tình với chỉ đạo cấm dạy thêm của Sở GDĐT TPHCM. Nhưng cũng mong Sở điều chỉnh chương trình học và cách thi cử phù hợp không quá nặng nề. Đừng thay đổi thường xuyên như thí nghiệm làm cho học sinh phụ huynh quá mệt mỏi. Sở cần có chính kiến và cương quyết cấm triệt để dạy thêm là đúng đắn. Qua theo dõi ý kiến phản hồi thì đa số phản đối đều là giáo viên, phụ huynh học sinh. Nếu là người thụ hưởng kết quả tốt từ việc học thêm thì lẽ ra họ mới là người đề xuất để được học thêm nhưng không như vậy”.
Bạn Hồ Quê Hương viết: “Xin các thầy, cô hãy ủng hộ chủ trương không dạy thêm để đứa trẻ còn có tuổi thơ, một phần giá trị cơ bản của kiếp làm người. Để cho thế hệ mai sau mạnh mẽ hơn, phát triển đa dạng hơn. Và thiết thực là cha mẹ của chúng không phải tốn tiền, tốn sức để đi rước cái họa từ học thêm”.
Nhiều bạn đọc cũng khá bức xúc khi một hiệu trưởng lên diễn đàn khóc. Bạn Dung viết: “Hiệu trưởng lên diễn đàn khóc lóc xem ra gì không? Tôi ủng hộ không dạy thêm học thêm, nếu học sinh học quá tải thì tại sao ngành GDĐT không rút ngắn các môn học để học đúng sức? Trong khi đó các nước tiên tiến trên thế giới môn học của họ gọn nhẹ”.
Không nên so sánh nghề giáo viên với nghề khác đó là bình luận của bạn H.Hai. Bạn viết: “Các thầy, cô cũng đừng suy bì làm ngoài giờ như kĩ sư, bác sĩ..., khập khiễng lắm. Suy luận như thế thì bộ đội, công an có thể làm ngoài giờ bằng vác súng đi săn bắn được chăng? Còn nếu trình độ của thầy cô thực sự có tài, đáng để hậu thế "tầm sư" thì bằng lòng tự trọng của mình sao các thầy cô không in thành đĩa, các bài giảng của mình mà bán ra trên thị trường, có ai cấm đâu? Thị trường, phụ huynh, các em học sinh sẽ tự thẩm định và chọn lựa các thầy cô. Tôi giám chắc nhân tài sẽ chẳng bao giờ bị bỏ sót, mà thu nhập thêm như thế sẽ rất văn minh và đàng hoàng mà không kém phần vẻ vang”.
Không nên cấm nhưng quản lý chặt
Nhiều bạn đọc đưa ra ý kiến cho phép dạy thêm nhưng không phải theo kiểu ép buộc, trù dập để học sinh phải đi học. Bạn Phạm Mạnh Khôi viết: “Bài viết có cái lý của tác giả nhưng cần tôn trọng ý kiến đa chiều đặc biệt là trái chiều. Quan điểm của tôi, dạy thêm không phải là một tội và theo luật pháp thì giáo viên có quyền dạy thêm để phù hợp với nhu cầu vươn lên trong học tập của học sinh. Dĩ nhiên tôi cũng phản đối một số giáo viên trù úm để cưỡng bức học sinh phải học thêm. Học thêm là nhu cầu cần thiết cho những học sinh có chí tiến thủ, kém vươn lên giỏi. Đã giỏi rồi học thêm để có thể thành tài. Chỉ học sinh nào không muốn vươn lên mới không cần học thêm. Trừ những học sinh bẩm sinh, học một biết mười nhưng số này hiếm. Còn cho rằng vì lương thấp mà dạy thêm là cướp đi tuổi thơ của học sinh nhận định đó tôi thấy hơi quá. Bởi lẽ, thời kỳ những năm 50 thế kỉ trước thầy dạy thêm không hề có thù lao mà vẫn hăng hái vui vẻ”.
Bạn Nghề Dạy Học đưa ra ý kiến: “Nếu sách giáo khoa cứ thay đổi, chương trình học ngày một khó và thời gian dạy trên lớp rất ít, giáo viên không được dạy thêm nữa thì yêu cầu các em học sinh phải có khả năng tự học rất cao. Nhưng hầu hết các em học sinh đều ít có khả năng tự học, tự tìm tòi. Tôi nghĩ rằng chuyện các em có thể thi đỗ vào một trường đại học trung bình là khó chứ chưa nói tới những trường đại học hàng đầu. Hãy cứ thử cấm dạy thêm triệt để xem, khi đó các bạn mới biết được tương lai của con các bạn như thế nào”.
Bạn Trần Chinh viết cũng nói thêm: “Việc học thêm để trở nên tiến bộ hơn, giỏi hơn là cần thiết. Miễn đừng học thêm quá nhiều, học thêm cần song song với tự học”.
Không đồng tình với quan điểm bình luận trong bài viết: “Không cấm được đâu thưa ông Giám đốc sở!” của tác giả Hà Phan, bạn Đỗ Mạnh Hào viết: “Tôi không đồng tình với những bình luận trong bài báo này. Tác giả so sánh việc dạy thêm với việc khám bệnh, thuê luật sư… là khập khiễng. Ở đây khách hàng là đối tượng học sinh, không đủ tuổi công dân và bố mẹ là người bảo hộ cho các cháu. Bố mẹ bắt buộc phải cho con đi học phần lớn vì sợ thầy cô trù dập, sợ tâm hồn non nớt của con mình bị tổn thương chứ không phải do xuất phát từ nhu cầu cần học thêm. Hãy trả lại tuổi thơ cho các cháu, đừng biến các cháu thành con mồi để các thầy cô vơ vét”.
Hay Lang Thang viết: “Bài viết không đứng trên tư cách của học sinh mà nhìn. Toàn đứng trên phương diện giáo viên kiếm tiền nhờ dạy thêm. Nếu bạn là giáo viên ngoại thành, vùng sâu, thì lấy ai mà dạy thêm, vậy mà nói mình ở ngoại thành là sao? Chẳng thấy viết mấy bài trên phương diện học sinh gì cả. Các em không thể tự viết được, vì trình độ các em chưa tới. Các em cũng không có thời gian nghĩ tới vấn đề này vì lo học thêm, thi cử mất rồi”.
Tác giả bài viết: Ngô Chuyên