Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mùa Trung thu về thăm 'làng đèn ông sao' Báo Đáp

Ít ai biết rằng những chiếc đèn ông sao từ Bắc vô Nam, từ những con phố nhộn nhịp như Hàng Mã đến những con đường làng quê yên bình đều được làm ra ở ngôi làng Báo Đáp (Nam Định).
"Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu

Cán đây rất dài, cán cao qua đầu..."

Hình ảnh chiếc đèn ông sao đã gắn liền với kí ức tuổi thơ của mỗi người, một món quà đồ chơi truyền thống không thể thiếu và đã trở thành biểu tượng của đêm Trung thu. Nhưng ít ai biết rằng hàng triệu chiếc đèn ông sao được bán khắp miền Nam Bắc hầu như đều có xuất xứ từ một ngôi làng yên bình của đồng bằng Bắc Bộ: làng Báo Đáp.

Làng Báo Đáp nằm cách thành phố Nam Định 8 km, thuộc địa phận xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, với hơn một nửa số hộ trong làng gắn bó với nghề truyền thống làm đèn ông sao, mỗi năm sản xuất ra khoảng hơn 2 triệu chiếc đèn.

 

Từ cổng làng ta đã bắt gặp hình ảnh những chiếc đèn ông sao quen thuộc.

Về làng những ngày này ta mới có thể cảm nhận hết không khí náo nhiệt, nhộn nhịp của những ngày Tết Trung thu. Nhà nhà làm đèn, người người làm đèn, từ làng trên xóm dưới đi đâu ta cũng bắt gặp hình ảnh người dân đang tỉ mẩn bên những chiếc đèn ông sao.
 

Từ người già
 

Đến trẻ nhỏ...
 
 
Từ trong nhà...
 

Ra ngoài ngõ, ai ai cũng cầm trên tay chiếc đèn.

Để chuẩn bị cho một vụ làm đèn, người dân phải bắt đầu từ tháng Giêng, khung đèn được làm sẵn rồi ép lại chất trong bếp hoặc trên gác xép, giấy bóng kính được cắt xếp gọn gàng chỉ chờ đến khoảng tháng 5, tháng 6 mang ra sử dụng.
 

Cán đèn...
 

Khung đèn...
 

Và giấy bóng kính đều được chuẩn bị từ tháng Giêng.

Gần 30 công đoạn từ chẻ vót tre, in hoa văn, màu sắc trên giấy bóng đến cắt khung, làm xương đèn, lắp cán hoàn toàn thủ công mới sản xuất ra đèn ông sao với những vật liệu đơn giản như: tre nứa, giấy bóng kính, và xương cây đay làm cán. Từ sườn khung làm bằng tre nứa cột kẽm lại với nhau, sau đó dán giấy bóng kính lên và sau cùng là công đoạn vẽ. Nghe tưởng chừng có vẻ đơn giản nhưng mỗi một công đoạn, một chi tiết nhỏ cũng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ dưới những bàn tay khéo léo của người dân làng Báo Đáp.
 
 

Đầu tiên là dán giấy bóng kính...
 
 

Rồi dán viền
 
 

 Làm vòng bao quanh đèn
 

Hay buộc cán, tất cả đều đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì.
 

Thành quả là những chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu...
 

Được đem bán rộng rãi trong cả nước.

Cuộc sống ngày càng hiện đại với vô số đồ chơi ngoại nhập bắt mắt, nhưng chiếc đèn ông sao trong đêm rằm Trung thu vẫn là một nét truyền thống văn hóa đẹp không thể thay thế. Bởi món đồ chơi giản dị này không chỉ mang hồn và bản sắc dân tộc Việt mà nó còn chứa đựng tất cả tình cảm mộc mạc mà vẫn sáng ngời như những chiếc đèn sao đêm rằm của người dân Báo Đáp.

Tác giả bài viết: Trịnh Hiền