V.League và quyền lực của bầu Hiển
- 09:53 13-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi thành lập VPF năm 2012, bầu Kiên đã lên tiếng “tấn công” ông Hiển vì câu chuyện “1 ông chủ, 2 đội bóng”. Ông Hiển không đôi co, mà chỉ ra tuyên ngôn, tất cả nên nói ít đi, và làm nhiều hơn.
Bầu Hiển (phải) chúc mừng chủ tịch CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội sau chiến thắng quan trọng trước Quảng Ninh cuối tuần qua. Ảnh: VSI
Thanh tra Bộ VH-TT&DL sau đó vào cuộc, bầu Hiển tuyên bố rút vốn khỏi cả 2 công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng lẫn Hà Nội T&T. Bầu Kiên giờ đã thành “người cũ” trong bóng đá, nhưng ông Hiển thì vẫn tiếp tục con đường thành công, cả trong sân cỏ và trên thương trường.
Đúng với phương châm “nói ít, làm nhiều”, người ta thấy ông Hiển ngày càng ít ra mặt hơn trong các sự kiện thể thao, nhưng quyền lực của ông Chủ tịch ngân hàng SHB thì ngày càng lớn mạnh. Hồi năm 2015, ông Hiển một tay đưa nhà vô địch Ngoại hạng Anh, Manchester City sang Việt Nam, thương vụ khiến ông Hiển phải chi hàng chục tỷ đồng nhưng đã giúp hình ảnh SHB đẩy lên rất cao.
Dù rút vốn khỏi cả 2 công ty thể thao, bầu Hiển không vì vậy mà suy giảm quyền lực cũng như ảnh hưởng đối với CLB SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T. Tại cuộc họp cổ đông của ngân hàng SHB hồi cuối tháng 4/2016, bầu Hiển cho biết, đầu tư vào bóng đá đã đem lại “tiền tươi thóc thật”, chứ không phải chỉ là những lợi ích chung chung. Cái thật được liệt kê ra sau đó, như sổ đỏ 5 ha đất dưới chân cầu Tiên Sơn (Đà Nẵng).
Ngoài ra, SHB còn có sổ đỏ 14 ha ở Liên Chiểu, và sắp xây thêm trụ sở ở đường Nguyễn Văn Linh, trung tâm thành phố Đà Nẵng. Theo ông Hiển, việc đầu tư vào bóng đá đem về giá trị tài sản rất lớn, có thể tính toán, định giá được.
Nhiệm kỳ VII LĐBĐVN (VFF) xác định đầu tư cho bóng đá trẻ là định hướng mang tính chiến lược, có vai trò quan trọng đối với cả nền bóng đá. Tuy nhiên, bầu Hiển khẳng định đây là việc của các CLB chứ không phải nhà tài trợ SHB. Ngân hàng sẽ không bao giờ đi đầu tư trung tâm đào tạo trẻ vì đây không phải ngành nghề, hoạt động chính. Thay vào đó, thông qua việc hợp tác với các CLB lớn trên thế giới như Barcelona hay Manchester City, thương hiệu của SHB đã ngày càng được mở rộng, việc làm ăn thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Đấy là chuyện kinh doanh, còn trên sân cỏ, bầu Hiển cũng thắng lớn ở nhiều mặt trận. Sau thời điểm năm 2012 khi chỉ gắn tên với SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, ảnh hưởng của ông Hiển giờ đã lan toả sang cả những đội bóng khác, như FC Sài Gòn và QNK Quảng Nam. FC Sài Gòn tiền thân là CLB bóng đá Hà Nội, vốn cùng được “nuôi dưỡng” chung nguồn sữa của ông Hiển với Hà Nội T&T. Cho đến đầu mùa giải vừa qua, đội bóng của HLV Nguyễn Đức Thắng đã được đổi tên, chuyển trụ sở với thời gian ngắn kỷ lục, để trở thành “công dân” Tp Hồ Chí Minh.
Ở mùa giải năm nay, các đội bóng chịu chung ảnh hưởng từ ông Hiển đều đạt được thành tích rất tốt. Ngoại trừ FC Sài Gòn do còn mới, chỉ đứng thứ 11, thì QNK Quảng Nam đứng thứ 6, SHB Đà Nẵng chiếm vị trí thứ 3 và Hà Nội T&T đang dẫn đầu bảng xếp hạng, chỉ cách chức vô địch đúng 1 trận đấu. Đây là năm kỷ niệm 10 năm thành lập CLB Hà Nội T&T, giới trong cuộc dự báo chiếc cúp vô địch khó thoát khỏi tay đội bóng của ông Hiển.
Nếu cộng cả thành tích của SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, bầu Hiển hiện đã nắm tới 4 chức vô địch V.League, trong đó SHB Đà Nẵng 1 lần (năm 2012), và Hà Nội T&T 3 lần (2010, 2013), chưa kể vô số lần Á quân và các chức vô địch Siêu cúp, cúp Quốc gia. Người ta ví ông Hiển như vị vua Midas của bóng đá Việt Nam, khi chạm vào đâu cũng ra vàng.
Khi đã hướng tới một mục tiêu nào đấy, dường như khó điều gì có thể ngăn cản được ông Hiển thành công. Điểm yếu lớn nhất bầu Hiển vẫn chưa đạt được, có lẽ chỉ là việc các đội bóng của ông đều có rất ít CĐV. Sân vận động Hàng Đẫy thường xuyên hoe hoắt người hâm mộ mỗi lần Hà Nội T&T thi đấu. Nhưng chẳng chóng thì chầy, người hâm mộ thủ đô ắt có khó cưỡng được sức hút của Hà Nội T&T.
Tác giả bài viết: N.P