Sự nguy hiểm của 6 căn bệnh lây qua đường tình dục
- 07:40 13-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo bác sĩ Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa Medic (TP.HCM), khoảng 50% số người nhiễm bệnh lây qua đường tình dục (BLQĐTD) không có triệu chứng. Trong khi đó, những bệnh này rất dễ lây cho nhiều người. Chẳng hạn, nếu quan hệ tình dục một lần với người bệnh lậu, nam giới có 25% khả năng lây, ở nữ giới con số này là 50%. Dưới đây là những căn bệnh lây qua đường tình dục đáng lo ngại:
Trùng roi (trichomonas)
Khi nhiễm loại ký sinh trùng này, nam giới thường không có triệu chứng, chỉ một số ít người thấy dương vật tiết mủ, tiểu buốt. Bệnh ở nam giới thường tự hết mà không cần chữa trị, nếu trùng roi lan truyền sang tuyến tiền liệt, có thể gây vô sinh.
Đa số phụ nữ khi nhiễm trùng roi thường có biểu hiện dịch âm đạo ra nhiều, màu vàng xanh, hôi, ngứa, đau khi tiểu tiện, giao hợp. Phụ nữ mang thai nhiễm trùng roi dễ đẻ non hoặc sinh con thiếu cân. Bác sĩ có thể phát hiện trùng roi và điều trị dễ dàng bằng kháng sinh đặc hiệu.
Lậu và chlamydia
Đây là hai bệnh hay đi kèm với nhau. Lậu và chlmaydia thường xuất hiện ở cổ tử cung phụ nữ và đường tiết niệu nam giới. Nam giới nhiễm bệnh thường có hiện tượng ra mủ ở dương vật, tiểu buốt. Nam giới mắc bệnh nếu không điều trị sớm có thể viêm ống dẫn tinh và mào tinh, thậm chí vô sinh. Lậu không được điều trị còn có thể biến chứng đến các khớp xương, tim, não.
Nữ giới không có biểu hiện đặc trưng. Nhiều người sau khi bị tắc ống dẫn trứng, chửa ngoài tử cung mới phát hiện mắc bệnh. Cả hai bệnh đều có thể lây từ mẹ sang con, làm cho bé bị đau, mù mắt nếu không điều trị kịp thời.
Lậu và Chlmaydia có kháng sinh đặc biệt, nếu phát hiện khi chưa biến chứng có thể chữa khỏi.
Dùng bao cao su là cách tốt nhất ngăn ngừa BLQĐTD, trừ bệnh ghẻ và rận mu. Ảnh: Health.
Giang mai
Giang mai là bệnh lây qua đường tình dục nguy hiểm, phát triển theo ba giai đoạn:
- Giai đoạn sớm: Khoảng 10-90 ngày sau khi nhiễm xoắn khuẩn, người bệnh có vết loét dày ở bên ngoài hoặc bên trong cơ quan sinh dục, hậu môn (cũng có khi trên cổ tử cung, miệng và những nơi khác). Vết loét thường không gây đau, không có mủ nên ít được để ý. Chúng tự biến mất trong khoảng 2-6 tuần.
- Giai đoạn hai: Người bệnh có thể có một vài triệu chứng như sốt, suy nhược cơ thể, người nổi các vết màu hồng đỏ gọi là đào ban (hết trong vài tháng). Sau đó, các sẩn giang mai nổi cao trên mặt da. Các sẩn trợt, sẩn phì đại chứa rất nhiều vi trùng, xuất hiện ở các cơ quan sinh dục, hậu môn và miệng. Người bệnh cũng có thể qua giai đoạn này mà không xuất hiện triệu chứng.
- Giai đoạn muộn: Nếu không chữa trị, nhiều năm, thậm chí hàng chục năm sau, chúng có thể biến chứng vào các cơ quan, gây các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, mù, điếc, liệt và dẫn đến tử vong.
Bác sĩ có thể chẩn đoán người mắc giang mai bằng cách thử máu và sử dụng thuốc đặc hiệu để điều trị.
Mụn rộp sinh dục
Đây là bệnh do virus Herpes gây ra. Herpes có nhiều chủng, gây bệnh khắp cơ thể.
Triệu chứng khi mới nhiễm là sốt, đau đầu, mệt mỏi, tiểu đau, âm đạo hay đường tiết niệu tiết dịch nhiều, sưng hạch ở háng, cơ quan sinh dục và hậu môn nổi lên các nốt mụn rộp, rất ngứa và rát.
Sau đó, các triệu chứng tự mất, các nốt mụn tự lành, nhưng virus còn tồn tại trong cơ thể suốt đời. Khi làm việc quá căng thẳng, suy nghĩ nhiều, ốm, virus có thể kích thích để tái hoạt động, làm phát sinh các mụn rộp.
Ở nam giới, bệnh chỉ gây khó chịu, không có tác hại lớn. Nhưng ở nữ giới, bệnh có thể truyền cho con khi mang thai, gây đẻ non. Đứa trẻ sinh ra sẽ yếu hoặc nhiễm bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng, mắc các dị tật thần kinh bẩm sinh.
Bác sĩ điều trị bằng cách cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau, vết thương mau lành, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể.
Bệnh hạ cam
Bệnh do trực khuẩn Ducrey gây ra. Triệu chứng là những vết loét đau, có mủ ở bên ngoài hoặc bên trong cơ quan sinh dục, hậu môn, thường kèm theo nổi hạch ở bẹn. Nếu chỉ bị loét bên trong, người bệnh có thể tiểu buốt, đau khi đi ngoài và khi giao hợp, tiết dịch bất thường, chảy máu ở hậu môn. Bệnh được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
Biện pháp để không mắc BLQĐTD |
Tác giả bài viết: Hạ Nhi
Nguồn tin: