Yên Thành (Nghệ An): Cần xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm
- 15:00 12-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
► Yên Thành (Nghệ An): Ai cho phép cán bộ đánh dân?
Theo ông Hòe, hành vi ông Công đạp vào bụng bà Hiền và đá vào cổ bà Tâm là có thật. Và hôm phóng viên về làm việc, đích thân ông Hòe đã dẫn ông Công xuống tận nhà bà Hiền và bà Tâm để xin lỗi. Tuy nhiên, theo ông Hòe, bà Hiền và bà Tâm là những công dân “không phải dạng vừa” nên việc xin lỗi của ông Công không thành mà lại trở thành vụ cãi vã to tiếng.
Trụ sở UBND xã Công Thành
Sai từ Chủ tịch xã
Ông Hòe giải thích: “Lúc bà Hiền lên phòng tôi, giữa tôi và bà Hiền có tranh luận về việc tại sao UBND xã không công nhận kết quả bỏ phiếu bầu trưởng xóm của xóm Ngọc Thượng. Tôi giải thích là vì số lượng người tham gia bỏ phiếu hôm đó chỉ có 39/109 hộ. Theo Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTUMTTQVN ngày 17/4/2008 thì bà Hiền chưa đủ điều kiện để công nhận là trưởng thôn vì số lượng người dự họp quá ít”.
Phóng viên hỏi ông Hòe: “Tại buổi họp hôm đó, đích thân ông và đại diện MTTQ xã dự, nếu nói số người tham dự họp không đủ theo yêu cầu sao ông không chỉ đạo dừng cuộc họp lại mà vẫn cho thực hiện bỏ phiếu bầu?”. Ông Hòe giải thích: “Khi đầu thì đông người dự họp, nhưng đến phần bỏ phiếu thì họ bỏ về chỉ còn 39 người”.
Xác minh lại thông tin này, bà Hiền khẳng định: “Hôm đó, cuộc họp không đông lắm. Cuối buổi họp, một số người bỏ về nấu cơm tối nên chỉ còn 39 người tham gia bỏ phiếu. Lãnh đạo xã về sự họp cùng với ông Hòe còn có ông Nguyễn Văn Hà- Xã Đội trưởng, ông Lê Văn Luân- Phó Chủ tịch UBMTTQ xã, ông Lương Văn Lộc- Bí thư Chi bộ xóm, chị Nguyễn Thị Duyên- đại biểu Hội đồng nhân dân xã, ông Nguyễn Văn Lục- xóm trưởng cũ, bà Nguyễn Thị Trinh- Chi hội Phụ nữ xóm, ông Nguyễn Văn Bình- công an viên của xóm cùng dự cuộc họp:
Theo bà Hiền, cuộc họp giới thiệu 2 người để bầu chọn làm xóm trưởng xóm Ngọc Thượng là bà Hiền và ông Nguyễn Văn Hoàng. Qua kết quả bỏ phiếu, bà Hiền được 21/39 phiếu, ông Hoàng được 18/39 phiếu. Những người dự họp đều vỗ tay chúc mừng bà Hiền trúng Trưởng xóm. Tại cuộc họp, ông Hòe không có ý kiến phản đối gì mà còn thừa nhận kết quả bầu trưởng xóm này.
Sau nhiều ngày chờ đợi không thấy xã có quyết định công nhận bà Hiền là xóm trưởng xóm Ngọc Thượng, bà Hiền đã lên gặp ông Hòe để hỏi lý do thì được ông Hòe nói là kết quả bỏ phiếu tại buổi họp không đúng quy định. Cụ thể hơn, ngày 20/9/2016, ông Hòe đích thân ký văn bản thông báo gửi Chi bộ, Ban Công tác mặt trận xóm Ngọc Thượng với nội dung “không công nhận kết quả bầu cử xóm trưởng”.
Bà Hiền phân trần: “Tại cuộc họp thì vỗ tay chúc mừng, sau cuộc họp thì không công nhận kết quả. Như thế chẳng khác gì ông Hòe lấy dân chúng tôi ra làm trò đùa à?”
Cần xử lý nghiêm cán bộ sai phạm
Thời gian gần đây, tại huyện Yên Thành xảy ra một số vụ việc mà sai phạm lại chính là từ phía cán bộ. “Lớn chuyện” nhất, phải kể đến sự việc liên quan đến 55 trường hợp giáo viên mầm non do ông Nguyễn Tiến Lợi- nguyên Chủ tịch UBND huyện ký hợp đồng trước khi nghỉ hưu khi đã bị Thanh tra Tỉnh Nghệ An chỉ rõ.
Văn bản thông báo của Chủ tịch UBND xã Công Thành không gửi cho người được dân tín nhiệm
Tiếp đó là những sai phạm liên quan đến huy động sức dân trong các khoản đóng góp xây dựng Nông thôn mới, có dấu hiệu tham ô, tham nhũng diễn ra ở xã Hợp Thành. Gần đây nhất là việc Công an xã Bắc Thành tự ý bắt 19 hộ dân có máy gặt lúa muốn tham gia phục vụ bà con ở địa phương phải nộp 2 triệu đồng/máy. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành cùng nhiều cán bộ khác cũng chặn đường không cho máy gặt lúa ở xã khác sang gặt lúa cho nông dân địa phương mình.
Từ phản ánh của báo chí, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã có những chỉ đạo kịp thời, yêu cầu các xã kiểm tra xác minh thông tin báo nêu và cũng đã có những biện pháp xử lý thích hợp. Tuy nhiên, những cán bộ trực tiếp gây ra sai phạm, là nguyên nhân gây nên bức xúc cho người dân thì vẫn chưa được xử lý.
Cụ thể như: Việc ông Nguyễn Tiến Lợi- nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã ký các văn bản cho phép 55 trường hợp giáo viên mầm non được tiếp tục dạy hợp đồng tại các trường, đến nay vẫn chưa được xử lý. Vụ việc ở thôn Đông Tiến (xã Hợp Thành) liên quan đến sai phạm từ trưởng thôn đến Bí thư, Chủ tịch xã, vẫn đang bị Thanh tra huyện “câu giờ” và xử lý quanh co. Những chủ nhân máy gặt bị Công an xã Bắc Thành thu tiền trái quy định, nay đã được trả lại, nhưng hành vi sai phạm của cán bộ thì sẽ xử lý ra sao? Hành vi “ngăn sông, cấm chợ” của cán bộ UBND thị trấn Yên Thành có bị xem xét?
Riêng hành vi đánh dân của cán bộ xã Công Thành thì đã rõ ràng, người vi phạm đã bị đình chỉ công tác, nhưng với kiểu hành xử với dân như thế của ông Võ Chí Công thì cần phải cách chức, đuổi việc. Bên cạnh đó, kiểu giải quyết công việc theo lối “tiền hậu bất nhất”, thấy cán bộ đánh dân ngay trước mặt, ngay tại trụ sở UBND xã mà ông Hồ Phi Hòe không can ngăn, không chịu xử lý ngay, để người dân bức xúc cũng cần có biện pháp kỷ luật thích đáng.
Phải thật sự công bằng mà nói, nhiệm kỳ mới ở Yên Thành đang tạo nên những khí thế mới trong lao động sản xuất của người nông dân. Nhiều xã làm tốt việc vận động sức dân, minh bạch, công khai các khoản thu xã hội hóa nên người dân đã đồng sức, đồng lòng trong mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Điển hình như xã Khánh Thành, Liên Thành, Tây Thành, Sơn Thành, Tăng Thành, Phú Thành, Hồng Thành, Trung Thành, Nam Thành…
Là huyện thuần nông, giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ vẫn đang chiếm tỷ lệ thấp, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện vẫn còn cao. Để tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, của các cấp chính quyền, tạo lòng tin bền vững cho người dân, những sai phạm của cán bộ, đảng viên cần phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Tác giả bài viết: Thu Hoài