Ba thầy trò tự chế thiết bị dạy học “thần kỳ” chỉ với 150.000 đồng
- 10:33 12-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Điểm đặc biệt của bộ thí nghiệm này là có thể áp dụng cho nhiều bài giảng trong môn Vật lý ở cấp THPT và Công nghệ lớp 11 với chi phí chế tạo chỉ khoảng 150.000 đồng.
“Bộ ba” tác giả của bộ thí nghiệm vật lý đa năng trên là thầy giáo trẻ Cao Khiêm (Giáo viên Vật lý trường THPT số 4 Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, Nguyễn Anh Cường (sinh viên trường Cao đẳng Nghề Lào Cai) và Nguyễn Thanh Huyền (sinh viên trường Đại học Y Hà Nội).
Bộ thí nghiệm vật lý đa năng giúp học sinh lớp 12 hiểu hơn về dao động điều hòa khi có thể tự động vẽ đồ thị dao động điều hòa một cách tương đối chính xác. Đồng thời, bộ thí nghiệm này còn minh họa cho các bài học về tạo dòng cảm ứng, mô phỏng được chuyển động tròn đều và mô phỏng hoạt động của động cơ đốt trong 2 kì và 4 kì.
Bộ thí nghiệm vật lý đa năng.
Gian nan biến ý tưởng thành thực tế
Cách đây hai năm, thầy Khiêm nảy ra ý tưởng tạo ra một bộ thí nghiệm vì đa số các học sinh của mình đều cảm thấy khó hiểu bài khi phải học “chay” về dao động điều hòa trong môn Vậy Lý lớp 12. Thầy Khiêm quyết định chọn hai học sinh của mình là Anh Cường và Thanh Huyền để hoàn thành ý tưởng này vì Cường là người rất khéo tay và giỏi nghề mộc, trong khi đó, Huyền lại có tài phản biện.
Bản vẽ nguyên tắc hoạt động của bộ thí nghiệm vật lý đa năng.
“Ý tưởng ban đầu của tôi là muốn tạo ra một bộ thí nghiệm minh họa cho dao động điều hòa nhưng khi bắt tay vào làm thì cứ như “lạc vào mê cung”. Tôi và Cường đúng kiểu “vừa làm vừa mò” vì có quá nhiều điều phát sinh” – thầy Cao Khiêm kể về quá trình sáng tạo thiết bị vật lý đa năng của mình.
Thầy Khiêm cũng cho biết thêm rằng nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của một học sinh hiểu rõ về nghề mộc như Cường, thầy Khiêm sẽ không bao giờ hoàn thành công trình. “Trên lớp, mình chỉ học khá môn Vật lý. Nhờ tự tay làm công trình này, mình cũng hiểu và yêu thích môn Vật Lý hơn rất nhiều. Dù phải lắp ráp rồi tháo gỡ nhiều lần nhưng càng làm mình càng hứng thú” – Nguyễn Anh Cường chia sẻ.
Anh Cường và Thanh Huyền trong quá trình sáng tạo ra Bộ thí nghiệm vật lý đa năng.
Sau hơn 3 tháng miệt mài, “bộ ba” thầy trò đã hoàn thành tác phẩm và mang thử nghiệm tại lớp. Theo thầy Cường, các học sinh đều rất hào hứng với bài giảng và khá ngạc nhiên khi xuất hiện một dụng cụ có thể vẽ gần đúng đồ thị hình Sin của dao động điều hòa. Đồng thời, bộ thí nghiệm còn phục vụ giảng dạy ở các bài giảng về mối quan hệ giữa chuyển động tròn đều và dao động điều hòa, biểu diễn chuyển động tròn đều, tạo được dòng điện cảm ứng (Sáng bóng led) giải thích được hiện tượng cảm ứng điện từ và mô phỏng được nguyên tắc hoạt động của động cơ xăng, điêzen 4 kì, 2 kì.
Đáng chú ý, vì chủ yếu làm bằng gỗ nên chi phí để tạo ra một bộ thí nghiệm vật lý đa năng như vậy chỉ mất khoảng 150.000 đồng. Bộ thí nghiệm đa năng cũng không quá cồng kềnh nên các giáo viên hoàn toàn có thể mang theo trong mỗi giờ đến lớp.
Mong muốn bộ thí nghiệm sẽ được ứng dụng rộng rãi
Hiện nay, “bộ ba” thầy trò đang mang công trình Bộ thí nghiệm Vật lý đa năng dự thi chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục – một cuộc thi dành cho những phương pháp, sáng kiến, công trình nghiên cứu về giáo dục.
“Khi mang công trình đi thi, mình rất mong công trình sẽ được đánh giá cao. Nếu có cơ hội rất mong chiến thắng giải thưởng 100 triệu đồng của chương trình” – Nguyễn Anh Cường chia sẻ.
Bộ ba thầy trò là tác giả của Bộ thí nghiệm Vật lý đa năng.
Còn đối với thầy Cao Khiêm, mong muốn lớn nhất của thầy là có thể ứng dụng rộng rãi công trình Bộ thí nghiệm Vật lý đa năng trong thực tế. Theo thầy Khiêm, để được nhân rộng côn trình này cần phải có nguồn kinh phí để sản xuất đại trà và quan trọng hơn, công trình cần được công nhận bởi giới chuyên môn để các thầy cô tự tin ứng dụng trong giảng dạy. Chính vì vậy, thầy Khiêm hi vọng rằng công trình này sẽ được các giám khảo uy tín của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục thẩm định và đánh giá cao.
Tác giả bài viết: A.D