Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khổng Minh Gia Cát Lượng và những lời tiên tri sấm truyền

Trong văn hóa Trung Hoa, Gia Cát Lượng là bậc quân sư lỗi lạc, đại tài khiến đời đời thán phục. Đến nay, những lời tiên tri ông để lại cho hậu thế vẫn là bí ẩn chưa giải mã hết.

Theo Thục chí, tài liệu được cho là chính xác nhất về Gia Cát Lượng, ông vốn là người Lang Nha, Dương Độ (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông). Gia Cát Lượng sinh năm 181, tự là Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh.

Ngay từ nhỏ, Khổng Minh là đứa trẻ vô cùng thông minh, hiếu học, đọc đủ loại sách vở và tầm sư học đạo khắp nơi. Sau này, ông là quân sư giỏi của Lưu Bị nước Thục, thời hậu Hán.

Không những thế, ông còn là học giả và nhà phát minh kỹ thuật đại tài. Khổng Minh sáng tạo ra các chiến thuật quân sự nổi tiếng như Bát trận đồ (Hình vẽ tám trận), Liên nỏ (Nỏ Liên Châu, tên bắn ra liên tục), Mộc ngưu lưu mã (trâu gỗ ngựa máy).

Ngoài ra, tương truyền ông còn là người phát minh đèn trời (còn được gọi là Khổng Minh đăng) và món màn thầu nổi tiếng của Trung Quốc.

 

Tranh chân dung Gia Cát Khổng Minh.


Tài tiên đoán như thần

Những chuyện Khổng Minh xem bói, đoán trước tương lai được kể khá nhiều trong dã sử và chính sử. Chuyện nổi tiếng nhất là việc ông khiến Lưu Bá Ôn - danh tướng văn võ song toàn thời nhà Minh - phải phục sát đất, dù Lưu sinh sau Khổng Minh tới hơn 500 năm.

Trong phiên bản được nhiều người ưa thích nhất, Lưu Bá Ôn có lần thân chinh dẫn tướng sĩ vượt núi băng rừng truy kích quân địch, không may ngã vào một hang núi. Lần mò trong hang, Lưu gặp tấm bia đá khắc 14 chữ “Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng, thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn”. Dưới bia khắc dòng chữ nhỏ “Gia Cát Lượng thủ bút”.

Hàng chữ kia mang nghĩa: “Gia Cát Lượng xứng đáng là quân sư của mọi thời đại, nhưng làm tướng thống nhất sơn hà thì có Lưu Bá Ôn”. Sau tấm bia còn vẽ đường rời khỏi hang núi, nhờ đó Lưu Bá Ôn thoát khỏi cảnh chết đói chốn hoang vu. Sau này, Lưu Bá Ôn giúp Minh thái tổ Chu Nguyên Chương đoạt được thiên hạ.

Còn trong Gia Cát Lượng dã sử thì viết, trước lúc lâm chung, Gia Cát Lượng dặn dò con cháu: “Sau khi ta chết, trong số các con sẽ gặp phải đại họa chết người. Tới lúc ấy, hãy dỡ nhà, lấy từ trong tường ra một bọc giấy, trong đó có cách cứu mạng”.

Sau khi ông qua đời, Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế. Nghe tin trong số quan quân triều đình có viên tướng quân là hậu thế của Gia Cát Lượng, Viêm bèn nghĩ cách trừng trị người này.

Một hôm, Tư Mã Viêm tìm cớ định tội chết cho viên tướng nhà Gia Cát. Trên Kim điện, Viêm cất lời hỏi: “Trước khi chết, tổ phụ nhà ngươi đã nói những gì?”.

Kẻ “tội đồ” bèn thật thà truyền đạt tới vua lời dặn của Gia Cát Lượng. Nghe thấy vậy, Tư Mã Viêm bèn ra lệnh cho quân lính dỡ nhà, lấy bọc giấy ra xem. Bên trong chỉ có một phong thư kín, phía trên viết rằng: “Ngộ hoàng nhi khai” (nghĩa là Đúng hoàng thượng mới mở ra xem).

Đám binh sĩ bèn dâng thư lên vua. Trong thư có mấy chữ: “Xin lùi ba bước”. Tư Mã Viêm dù nghi ngờ nhưng vẫn làm theo. Vừa đứng vững đã nghe thấy một tiếng “rầm”, chiếc xà rơi thẳng xuống chỗ vua ngồi, khiến bàn ghế tan tành.

Viêm trông thấy vậy mà sợ hãi lạnh người, rồi lại xem tiếp những dòng ở cuối thư: “Ta cứu mạng ngươi, ngươi hãy giữ lại mạng sống của con cháu ta”. Xem xong thư, Tư Mã Viêm thầm thán phục tài tiên đoán như thần của Gia Cát Khổng Minh rồi ra lệnh phục nguyên chức cho vị tướng quân này.

Ngoài ra, những lời tiên tri của Khổng Minh trong cuốn Mã Tiền Khóa (trước ngựa gieo quẻ) vẫn là một bí ẩn mà nhiều người chưa thể lý giải hết. Tương truyền, đây là những bài thơ mà ông sáng tác trong những lúc nhàn hạ khi ở quân ngũ, dự đoán đại sự trong thiên hạ theo từng thời đại lịch sử.

Khi mỗi thời đại lịch sử qua đi, người ta xem lại mới thấy Khổng Minh tiên tri chính xác. Đương nhiên, những người phản đối cho rằng, đó chỉ là cách suy diễn của đời sau, khi sự đã rồi. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu tiên tri lại đưa ra biện giải riêng.

 

Đền thờ Khổng Minh ở Thành Đô, Trung Quốc. Ảnh: Wordpress
 

Cách nhìn người của Gia Cát Lượng

Trong bộ sách Tướng Uyên, Khổng Minh từng đưa ra nhận xét về tính cách con người rằng: “Tính người thật khó hiểu. Dung mạo bất nhất, hành động trăm ngàn lối. Kẻ trông hiền lành nhu thuận mà vô đạo, kẻ bề ngoài cung kính mà trong lòng trí trá vô lễ. Kẻ trông rất hùng dũng nhưng lại nhát sợ. Kẻ có vẻ thật tận lực mà rất bất trung”.

Trong bộ sách này, ông đưa ra 7 cách để hiểu được lòng người bao gồm: Đem điều phải lẽ trái hỏi họ để biết “chí hướng” / Lấy lý luận dồn họ vào thế bí để biết “biến thái” / Lấy mưu trí trị họ để trông thấy “kiến thức” / Nói cho họ những nỗi khó khăn để xét “đức dũng” / Cho họ uống rượu say để dò “tâm tính” / Đưa họ vào lợi lộc để biết tấm lòng “liêm chính” / Hẹn công việc với họ để đo “chữ tín”.

Nhờ những phép thử rất hữu hiệu này mà Gia Cát Lượng đã giúp cho Thục vương Lưu Bị chọn lựa ra những người có đủ cả tài, đức, trí, dũng, chính, tín; xây dựng nên triều đại nhà Thục hùng mạnh, sánh ngang hai cường quốc bên cạnh là Ngụy và Ngô.

Khi ra Kỳ Sơn lần thứ sáu, Khổng Minh lâm bệnh nặng, cho quân đóng ở gò Ngũ Trượng, tránh giao chiến với quân Ngụy. Ông bèn dùng phép dâng sao, trong vòng 7 ngày bày ra 49 cây đèn quay quanh cây đèn chủ mạng của ông nhằm xin trời cao cho kéo dài mạng sống.

Đến ngày thứ bảy, Tư Mã Ý nhìn thiên tượng biết Khổng Minh bị bệnh, cho quân đến thăm dò trước trại thách đánh. Ngụy Diên chạy vào trướng báo tin, chẳng ngờ đạp mạnh quá làm tắt ngọn đèn chủ vị.

Khương Duy giận lắm, rút gươm muốn giết Ngụy Diên, Khổng Minh cản lại, than rằng: "Số trời như thế, không sao trái được". Ông gọi Khương Duy lại truyền thụ 24 thiên binh thư do ông viết ra.

Sau đó, ông dặn các tướng phải đề phòng quân Ngụy tới đánh và Ngụy Diên làm phản cùng kế sách đối phó. Sau Thục chủ sai sứ tới hỏi việc hậu sự, Khổng Minh đáp rằng Tưởng Uyển có thể thay ông làm thừa tướng, sau đó là Phí Y, nói tới đó thì mất, hưởng dương 54 tuổi.

Sau khi Khổng Minh mất, Ngụy Diên quả nhiên làm phản nhưng Khổng Minh đã tiên đoán trước nên bày kế cho Mã Đại chém chết Ngụy Diên. Tư Mã Ý tới đánh, quân Thục đẩy xe có tượng gỗ Khổng Minh ra trận, Tư Mã Ý sợ hãi bỏ chạy, hỏi các tướng rằng đầu mình có còn không. Thế là quân Thục rút an toàn trở về Thành Đô. Sau này trong dân gian có câu: "Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống".

Tác giả bài viết: Tống Hoa

Nguồn tin: