“Giờ ra chơi nào giáo viên cũng thảo luận về thi cử"
- 16:06 09-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Học sinh lo học thêm môn
Với học sinh, nếu theo phương án thi mới, số lượng các môn học mà các em phải phân bổ thời gian sẽ nhiều hơn năm ngoái.
Nguyễn Thị Hà My (Hà Tĩnh) rất lo lắng khi lượng kiến thức phải học nâng lên là 6 môn, sẽ rất nặng với khoảng thời gian chuẩn bị chỉ một năm học lớp 12.
Em chia sẻ: “Chỉ để đảm bảo vượt tốt nghiệp em đã phải học nhiều môn hơn. Nếu như năm ngoái ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ chỉ cần học thêm một môn nữa thì với phương án mới, em sẽ phải dành sự tập trung và thời gian học thêm 2 môn khác”.
Mặc dù phương án thi tốt nghiệp được đưa ra ngay sau ngày khai giảng, nhưng học sinh vẫn không khỏi lo lắng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Điều mà L.K Vân, người vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2016, băn khoăn nhất là môn Toán chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm.
Vân cho rằng, môn Toán với hình thức trắc nghiệm, sẽ có nhiều trường hợp thí sinh không biết cách làm, nhưng khoanh bừa vẫn có xác suất được điểm. Trong khi đó, điều này là không thể nếu thi theo hình thức tự luận phải trình bày cách giải mới đi được đến kết quả cuối cùng.
Nhiều thí sinh khi được hỏi còn mong rằng với thay đổi năm nay, các trường đại học cần phải công bố tổ hợp xét tuyển sớm.
“Trường hợp em học theo khối A, nhưng lỡ năm nay trường đại học lại sử dụng tổng kết quả bài thi Khoa học tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa Sinh), tức là sẽ có thêm môn Sinh thì rất thiệt thòi. Chưa kể đợi đến lúc các trường công bố tổ hợp, rồi em mới học môn Sinh thì cũng khó có thể kịp để có thể học tốt” - một học sinh lớp 12 than thở.
Giáo viên: Có nên trắc nghiệm tất cả các môn?
Ông P.T.T Định, giáo viên tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) cho rằng, trong năm đầu triển khai, có thể học sinh, giáo viên cảm thấy bị động vì phải học nhiều môn hơn. Tuy nhiên, về lâu dài đây là phương thức thích hợp để đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh.
“Lâu nay, học sinh chỉ học 3 môn chính và một môn phụ được lựa chọn trước như Lý hoặc Hóa đối với các em theo khối tự nhiên; Sử hoặc Địa với các em chọn các khối xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng các em học lệch, học tủ. Do đó, với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, các em phải học đều hơn”.
Theo ông Định, để xét tốt nghiệp THPT, không nhất thiết phải tổ chức một kỳ thi và buộc học sinh phải học tới 6 môn thi như dự thảo Bộ GD-ĐT đưa ra.
“Thi tốt nghiệp như vậy là quá nhiều đối với học sinh trong khi việc xét tốt nghiệp hoàn toàn có thể căn cứ vào kết quả học tập của 3 năm học THPT”, ông Định nói.
Với hình thức trắc nghiệm, ông Định lo rằng một số môn sẽ không đánh giá hết được năng lực của học sinh. “Chẳng hạn như môn Toán, phần trình bày, vẽ đồ thị hay phần vẽ bản đồ, biểu đồ của môn Địa lý sẽ không thể hiện. Tuy nhiên, việc thi trắc nghiệm sẽ bao quát được nhiều kiến thức hơn. Chẳng hạn, môn Toán vừa có thể kiểm tra lý thuyết vừa có thể kiểm tra dạng bài tập. Trong khi nếu làm tự luận thì chỉ kiểm tra được dưới dạng bài tập.
Theo ông Định, hình thức thi tốt nhất là kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận ở tất cả các môn để kiểm tra toàn diện kiến thức cũng như khả năng trình bày của thí sinh.
Một giáo viên dạy Toán ở Nghệ An thì chia sẻ: “Tôi cho rằng trắc nghiệm các môn Lý, Hóa làm được thì Toán cũng sẽ làm được. Những em khá, giỏi thì vẫn có thể đạt điểm cao. Việc thay đổi môn Toán sang trắc nghiệm cũng sẽ giống như các môn chứ cũng không ảnh hưởng đến kết quả thi và về mặt việc tuyển sinh cũng sẽ không ảnh hưởng gì”.
Tuy nhiên, theo vị giáo viên này, thi trắc nghiệm sẽ không thể hiện được tư duy logic của các học sinh.
“Nếu thi trắc nghiệm thì ở rất nhiều phần, cái tư duy logic sẽ không được thể hiện ra được. Điều này khác hẳn với bài thi tự luận. Thậm chí khi làm trắc nghiệm, một số bài tập không cần biết cách giải nhưng nếu các em thành thạo về máy tính cầm tay vẫn có thể tìm ra được đáp số”, vị giáo viên này cho hay.
Vị giáo viên này chia sẻ thêm: “Bộ GD-ĐT có lập luận cách thi như năm nay đã được chuẩn bị 2 năm nhưng thực ra mới chỉ triển khai trên tập nhỏ là ĐHQG Hà Nội và giờ lại áp dụng trên một tập lớn”.
Theo vị này, nhìn một cách tổng quát, việc thay đổi dù tốt nhưng nếu diễn ra từng năm một chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
Trong khi đó, một giáo viên dạy Toán tại một trường THPT thuộc hàng top của TP.HCM cho biết cả tổ Toán của trường hiện nay đang cảm thấy rất căng thẳng. “Giờ ra chơi nào, chúng tôi cũng tập trung thảo luận về chuyện này”.
Điều mà các giáo viên toán lo lắng, về lâu dài, là nếu thi trắc nghiệm, dần dần học sinh sẽ mất khả năng suy luận, lý giải.
Ảnh Lê Anh Dũng
Mặc dù thi trắc nghiệm là xu hướng chung của xã hội, nhưng tôi cho rằng trắc nghiệm chỉ thực sự phù hợp với một số môn.
Còn để giải một bài hình học không gian hay khảo sát đồ thị, cần hội tụ nhiều kỹ năng tính toán, vẽ hình, vẽ đồ thị… Điều này qua bài trắc nghiệm sẽ không kiểm tra được học sinh”.
Vị này chia sẻ giáo viên Toán chưa có kinh nghiệm nhiều về thi trắc nghiệm.
“Có lần đi tập huấn về phương pháp thi trắc nghiệm, chúng tôi thấy chuyên viên huấn luyện giới thiệu tài liệu dài 4 trang A4, soạn những “mánh khóe” để làm bài trắc nghiệm Toán. Tôi thấy rằng đó không phải là làm bằng tư duy mà làm bằng xảo thuật.
Trắc nghiệm Toán một phần thì được. Chứ trắc nghiệm cả như thế này giáo viên toán chúng tôi rất thất vọng”.
Giáo viên này góp ý:
“Lẽ ra nên có một quá trình chuẩn bị dài hơi hơn, ví dụ như 3 năm, tính từ lứa học sinh lớp 10 năm nay. Học sinh lớp 12 của chúng tôi dang rất hoang mang, dù trong dự thảo đã “trấn an” bằng việc nói rằng chỉ ra đề trong phạm vi kiến thức lớp 12".
Một giáo viên dạy môn Vật lý ở TP.HCM thì cho biết anh không lo lắng cho học sinh về phương pháp làm bài vì đã thi trắc nghiệm gần 10 năm nay.
“Tuy nhiên, tôi lại lo cho học sinh chịu thiệt về điểm số khi xét tuyển đại học. Trước đây, làm bài thi môn này, cao nhất là các em sẽ có 10 điểm để cộng vào kết quả thi. Nhưng bây giờ có làm hết 20 câu vật lý các em cũng chỉ được tối đa hơn 3 điểm”.
Đồng tình với quan điểm “học sinh thiệt điểm”, thầy giáo Lê Phạm Thành, môn Hóa học, cũng cho rằng nếu kỳ thi THPT quốc gia năm tới với các bài thi tổ hợp chỉ áp dụng để lấy điểm xét tốt nghiệp thì không ai phản đối, còn nếu để xét tuyển đại học nữa thì có chỗ không ổn.
“Nếu xét đại học thì độ chính xác của các bài thi tổ hợp không cao. Thứ nhất là về việc coi thi giữa các địa phương là khác nhau. Thứ hai, quan trọng hơn, là từ 3 môn thi riêng rẽ sự phân hóa còn chưa rõ ràng nữa là bây giờ ghép lại”.
Tác giả bài viết: Ngân Anh - Thanh Hùng – Lê Văn