Chia tay hơn chục năm, vẫn sống chung nhà vì tôi ngại không muốn ai biết mình đã ly hôn
- 16:57 08-09-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Tôi 56 tuổi, đã làm thủ tục hưu trí, nhưng vẫn tiếp tục làm thêm một năm nữa rồi mới chính thức lùi về với tuổi già. Không phải tôi ham công việc, tự thấy mình cũng đã mệt mỏi, nhưng nghĩ tới hoàn cảnh hiện tại, tôi thật sự bế tắc.
Vợ chồng tôi đã ly hôn hơn chục năm, tài sản cũng đã chia, nhưng hiện vẫn sống chung nhà, chỉ vì ngại ngùng nên tôi không muốn để mọi người biết chúng tôi đã ly hôn.
Chúng tôi có hai con, con gái lớn đã có gia đình riêng, con gái nhỏ sắp tốt nghiệp đại học. Khi ly hôn, tôi nghĩ mình sẽ không bước thêm bước nữa vì tuổi đã lớn, chuyện hôn nhân cũng làm tôi quá chán nản. Vì con cái, tôi chấp nhận sống cùng chồng cũ dưới một mái nhà. Nay con đã lớn, cuộc sống chung này trở nên quá nặng nề.
Trong thời kỳ hôn nhân, tôi thường bị chồng đánh đập vô cớ vì ông ấy có quan hệ bên ngoài. Ly hôn rồi, tôi cũng không hoàn toàn thoát được cảnh đó vì khi say xỉn là ông ấy vẫn kiếm chuyện đánh chửi tôi, nói năng hồ đồ, xúc phạm.
Căn nhà hiện tại, theo phán quyết tòa, phải chia hai. Giờ tôi muốn bán đi, lấy phần mình để tìm mua một nơi khác làm chỗ ăn ở cho tự do hơn, nhưng khi đề cập đến chuyện bán nhà, chồng tôi lại gây gổ, chỉ muốn đuổi tôi ra khỏi nhà.
Tôi phải làm thế nào để lấy được phần tài sản của mình? Các con tôi có giận cha mẹ đã lừa dối chúng bao nhiêu năm qua không? Tôi bối rối không biết tính sao.
Thu Lan (TP.HCM)
Ảnh minh họa
Chị Thu Lan thân mến, Thật ra, cuộc hôn nhân của chị đã kết thúc, chỉ còn lại một cái vỏ rỗng. Đó còn là một nơi giam lỏng mà chị đã bằng lòng chấp nhận hơn chục năm qua. Chính vì thái độ nhẫn nhục chấp nhận đó mà chồng chị tự cho rằng ông ta vẫn có quyền làm chủ trong nhà. Vẫn có thể đánh chửi, xúc phạm, thậm chí gây áp lực đuổi chị ra khỏi nhà.
Chuyện này thật vô lý, nhưng vì thời gian qua chị đã để nó dần trở thành nếp nghĩ, nếp sống. Vấn đề này, không ai giải quyết được ngoài chị. Việc cần làm là đặt ông chồng cũ của chị lại đúng vị trí của ông ấy, là chủ sở hữu của phần nhà được chia theo phán quyết của tòa án; là người không có bất kỳ quyền gì đối với chị. Chị phải mạnh mẽ và kiên quyết hơn trong việc này.
Một khi đã quyết định phải làm cho ra lẽ, cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận sự ồn ào, vì ít có chuyện đổ vỡ nào có thể giữ yên lặng được. Mình chỉ có thể hạn chế bớt phần nào bằng cách tiến hành từng bước.
Chị sẽ nói chuyện với các con về quyết định của mình. Các con chị đã hiểu tính tình của bố, đã thấy những chịu đựng, hy sinh của mẹ trong hơn mười năm qua. Chắc chắn các cháu sẽ ủng hộ chị.
Về căn nhà, chị nên nhờ tư vấn luật để giải quyết dứt điểm. “Nhà chia dọc, thóc chia ngang”, cách tốt nhất vẫn là bán để chia tiền. Nếu chồng chị gây khó dễ, có thể nhờ cơ quan luật pháp can thiệp. Việc tuy không đơn giản nhưng nếu quyết tâm chị hoàn toàn có thể làm được, đừng để “nước tới chân mới nhảy”, hãy làm ngay khi mình đang còn sức khỏe, còn giao tiếp xã hội, còn các điều kiện để làm.
Với tuổi của chị, với chừng ấy năm mệt mỏi chán nản vì cuộc hôn nhân này, tự do chính là hạnh phúc. Hãy dành cho mình một khoảng thời gian để tận hưởng cuộc sống bình yên, không bạo lực thể xác hay tinh thần. Quyết định ly hôn là quyết định khó khăn, mình đã làm được rồi, giờ chỉ còn là nắm lấy những gì mình đáng được hưởng.
Chúc chị mạnh mẽ và gặp thuận lợi trong những việc sắp tới.
Tác giả bài viết: Hạnh Dung